Thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là những bệnh lý về xương khớp phổ biến, nhiều người thường nhầm lẫn 2 bệnh này với nhau. Trên thực tế, mỗi bệnh có những đặc điểm triệu chứng khác nhau, hãy cùng chúng tôi tìm làm sáng tỏ sự khác biệt đó trong nội dung ngay sau đây.
Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp là gì?
Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp là hai loại viêm khớp thường thấy, chúng có một số đặc điểm tương đồng về triệu chứng. Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp có mức độ ảnh hưởng nhiều hơn, có tính chất đối xứng. Trong khi đó, thoái hóa khớp chỉ tác động đến một khớp nhất định.
Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn dịch mãn tính. Còn đối với thoái hóa khớp bệnh xảy ra do các sụn khớp bị bào mòn theo thời gian, dẫn đến tổn thương. Khi vận động gây ra tình trạng cọ xát, là nguyên nhân hình thành nên những cơn đau đớn, khó chịu kéo dài cho người bệnh.
Cách phân biệt thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp
Dưới đây là một số khác biệt của thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp:
Đặc điểm bệnh
Các khớp bị ảnh hưởng:
- Viêm khớp dạng thấp: Các mô khớp bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch, dẫn đến viêm, đau đớn, cứng khớp và sưng tấy. Khớp thường bị ảnh hưởng nhất là khớp ngón tay, sau đó có thể tiến triển ở đầu gối, vai, mắt cá chân.
- Thoái hóa khớp: Xảy ra chủ yếu ở phần sụn khớp, gây sưng tấy, đau nhức. Thoái hóa khớp thường ảnh hưởng đến các khớp lớn như hông, đầu gối, cột sống.
Nhóm đối tượng bị ảnh hưởng:
- Viêm khớp dạng thấp: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới.
- Thoái hóa khớp: Thường gặp ở nam giới trước 45 tuổi và phụ nữ sau 45 tuổi. Có thể xảy ra ở người trẻ do chấn thương.
Mức độ cơn đau:
- Viêm khớp dạng thấp: Hiện tượng đau, cứng khớp có thể kéo dài hơn 30 phút sau khi thức dậy.
- Thoái hóa khớp: Có thể được cải thiện trong vòng 30 phút sau khi người bệnh tỉnh dậy vào buổi sáng.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm khớp dạng thấp
Là bệnh lý tự miễn, hiện nay chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch này có thể liên quan đến các yếu tố di truyền và môi trường, bao gồm cả việc hút thuốc lá hoặc béo phì.
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp xảy ra khi lớp sụn ở đầu các khớp xương bị bào mòn, cọ xát vào nhau gây nên những cơn đau đớn cho người bệnh. Ngoài ra, phần lớn nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp thường gặp là do chấn thương khớp, căng thẳng, béo phì, yếu tố di truyền.
Dấu hiệu nhận biết
Ngoài những triệu chứng chung như đau khớp, cứng khớp, sưng tấy, tình trạng này nghiêm trọng hơn vào buổi sáng thì viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp còn đặc trưng bởi một số dấu hiệu riêng biệt sau:
Viêm khớp dạng thấp
- Đau đớn nghiêm trọng
- Sưng, tràn dịch khớp
- Cứng khớp
- Đỏ, ấm các khớp bị ảnh hưởng
- Ảnh hưởng đến các khớp nhỏ như khớp ngón tay
- Xuất hiện nốt thấp khớp
- Một số trường hợp còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, thận,…
Thoái hóa khớp
- Tình trạng cứng khớp vào buổi sáng thường kéo dài dưới 30 phút
- Có thể phát triển gai xương gây chèn ép lên các dây thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng vận động thông thường của người bệnh
Có thể bị thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp cùng nhau không?
Thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp có khả năng xảy ra đồng thời cùng một lúc. Ở người bệnh viêm khớp có thể gia tăng tình trạng thoái hóa khớp, hay được gọi là thoái hóa thứ phát. Tuy nhiên, không phải ai bị viêm khớp cũng bị thoái hóa khớp.
Đối với những người mắc song song viêm khớp và thoái hóa khớp sẽ khiến cho quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, ngay khi có triệu chứng của bệnh, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa các bệnh viêm khớp
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm khớp mà bạn có thể áp dụng:
- Xây dựng và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các loại thực phẩm như axit béo omega 3, có nhiều trong cá hồi, cá thu, cá mòi hoặc các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, có thể hỗ trợ giảm viêm trong cơ thể và cải thiện tình trạng viêm khớp. Bên cạnh đó, các loại rau xanh, hoa quả tươi cũng được khuyến khích sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
- Loại bỏ các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ nhằm kiểm soát tốt cân nặng từ đó, hạn chế áp lực tác động lên khớp và ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa khớp. Đối với người viêm khớp dạng thấp, giảm cân có thể làm chậm tác động của bệnh và hạn chế nguy cơ tàn tật ở mức tối đa.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp giúp giảm bớt căng thẳng và tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh khớp. Các động tác nhẹ nhàng cũng giúp hỗ trợ ổn định khớp và bảo vệ khớp khỏi các hao mòn khác.
- Tránh các chấn thương, chẳng hạn như va chạm thể thao hoặc té ngã, điều này có thể gây hỏng sụn và khiến khớp hao mòn nhanh hơn. Để tránh các chấn thương, người bệnh nên sử dụng các thiết bị an toàn khi chơi thể thao và sử dụng các kỹ thuật phù hợp, chính xác.
- Ngồi đúng tư thế khi làm việc, không nên ngồi quá lâu, hạn chế khuân vác vật nặng, đi và đứng nhẹ nhàng để tránh gây áp lực lên các khớp.
- Tái khám đúng hẹn hoặc đến bệnh viện nếu các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng.
Hy vọng thông qua những phân tích vừa rồi, quý độc giả đã có thể phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp với thoái hóa khớp, để từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp. Hãy chủ động phòng tránh bệnh từ sớm để bảo vệ sức khỏe xương khớp nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Trong trường hợp nhận thấy những dấu hiệu bất thường, bạn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.