Thoái hóa khớp là tình trạng mãn tính thường gặp ở người trung niên và cao tuổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt thường ngày. Nếu để lâu không điều trị, bệnh còn có thể tiến triển thành một số biến chứng như gai xương, tàn phế,…
Thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp là một vấn đề liên quan đến xương khớp phổ biến nhất, mỗi năm bệnh lý này ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Tình trạng này xảy ra khi phần sụn đệm làm nhiệm vụ bảo vệ các đầu xương bị bào mòn theo thời gian. Theo các báo cáo y tế, bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều vị trí nhưng thường sẽ phát triển ở khớp gối, khớp xương bàn tay, khớp hông và khớp xương cột sống.
Các đối tượng nằm độ tuổi từ 40 đến 60 thường dễ bị thoái hóa khớp xương nhất. Triệu chứng bệnh ở những giai đoạn đầu thường không quá rõ rệt hoặc dễ gây nhầm lẫn với các vấn đề khác. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh lý này rất dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là quá trình lão hóa. Vốn dĩ trong cuộc sống hàng ngày, các sụn đệm khớp xương lúc nào cũng phải chịu áp lực ma sát từ những chuyển động của cơ thể. Theo thời gian, chúng dần bị bào mòn và không thể trở lại trạng thái ban đầu được nữa.
Bên cạnh yếu tố chính là tuổi tác, vấn đề thoái hóa này còn có thể là kết quả của một số yếu tố khác như:
- Chấn thương xương khớp: Các dạng chấn thương trong lao động hoặc thể thao thường mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Trong một số trường hợp, chúng có thể gây tổn thương cho sụn đệm, từ đó khiến sụn đệm bị suy giảm chức năng và dễ bị bào mòn hơn.
- Do các bệnh lý liên quan đến xương khớp: Từ một số tình trạng y tế như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout,..mà các khớp bị tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi. Theo thời gian, chúng lại bị lão hóa “tấn công”, dẫn đến tình trạng thoái hóa.
- Tiền sử bệnh lý gia đình: Dù chưa có nhiều bằng chứng chứng minh vấn đề này nhưng cũng có không ít chuyên gia cho rằng bệnh thoái hóa xương khớp có thể di truyền theo gen, nhất là với trường hợp cận huyết.
- Trọng lượng cơ thể: Những người bị thừa cân béo phì thường có nguy cơ bị các vấn đề liên quan đến xương khớp nhiều hơn. Trọng lượng cơ thể vượt quá mức sẽ khiến các khớp chịu áp lực lớn hơn, đặc biệt là những khớp ở đầu gối và vùng hông.
- Mang thai: Khi bào thai phát triển lớn dần, áp lực từ bào thai sẽ đè nén lên vùng thắt lưng và háng của người mẹ. Điều này có thể khiến các khớp bị tổn thương, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa.
Triệu chứng thường gặp của thoái hóa khớp
Các triệu chứng của bệnh lý này thường phát triển âm thầm trong một thời gian dài. Vì thế, ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, người bệnh nên dành thời gian đi thăm khám ngay.
Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến nhất của thoái hóa các khớp:
- Đau đớn ở các khớp xương: Có thể nói đây là triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh. Cảm giác đau nhức này có thể âm ỉ khó chịu, cũng có thể trở nên buốt nhói như dao đâm. Đặc biệt, người bệnh sẽ cảm thấy đau hơn trong hoặc sau quá trình vận động, ví dụ như đi bộ, mang vác,…
- Cứng khớp: Cùng với các cơn đau nhức khó chịu, cứng khớp cũng là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân bị thoái hóa. Người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu của cứng khớp vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy hoặc sau khi không vận động một khoảng thời gian.
- Khả năng linh hoạt của khớp giảm sút: Khi những triệu chứng đau và khô cứng khớp xuất hiện nhiều hơn, khả năng chuyển động của xương và khớp sẽ bị hạn chế đi đáng kể. Bệnh nhân thường cảm thấy khó khăn khi phải thực hiện các động tác, tư thế vận động phải sử dụng đến các khớp.
- Sưng tấy ở các khớp: Trong một số trường hợp, thoái hóa có thể kèm theo tình trạng viêm ở các khớp. Kết quả là người bệnh bị sưng tấy, nóng đỏ khó chịu ở khớp xương.
Các biến chứng của thoái hóa khớp
Nếu tình trạng này không được chữa trị kịp thời, nó có thể dẫn đến một số hệ lụy với sức khỏe như sau:
- Gai xương: Việc khớp bị thoái hóa khiến các đốt xương dễ bị va chạm và ma sát lên nhau. Về lâu dài, điều này có khả năng dẫn đến sự hình thành của các gai xương. Gai xương nếu phát triển về kích thước còn có thể đè nén, chèn ép lên các dây thần kinh lân cận.
- Giấc ngủ bị gián đoạn: Giấc ngủ bị ảnh hưởng là một trong những hệ lụy rất phổ biến với người bệnh. Lý do là vì các cơn đau nhức kéo dài âm ỉ cả về đêm. Không những vậy, bệnh nhân càng không ngủ đủ giấc, tình trạng khó chịu này càng trở nên tồi tệ hơn.
- Suy giảm chức năng vận động: Các cơn đau nhức, cứng cơ khớp có thể làm khả năng vận động của người bệnh bị hạn chế. Nếu kéo dài không điều trị, tình trạng này có thể diễn biến xấu hơn, khiến bệnh nhân phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ, thậm chí một số trường hợp còn có nguy cơ tàn phế.
- Một số biến chứng nguy hiểm khác: Bên cạnh những biến chứng thường thấy, thoái hóa khớp cũng có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm nhưng hiếm gặp như: hoại tử xương, biến dạng xương, gai xương gây chảy máu, nhiễm trùng, thoái hóa gân và dây chằng, viêm cột sống.
Chẩn đoán thoái hóa khớp
Để chẩn đoán chính xác tình trạng thoái hóa các khớp, các bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu sau đây:
Xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh gồm có:
- Chụp X-quang: Hình ảnh sụn đệm không thể biểu hiện rõ ràng trên phim chụp X-quang nhưng kết quả phim chụp có thể cho thấy sự không gian giữa các đốt xương được nối bởi khớp có đang thu hẹp lại hay không. Chụp X-quang cũng có thể giúp các bác sĩ xác định xem liệu có sự tồn tại của gai xương hay không.
- Chụp MRI cộng hưởng từ: Với các trường hợp phức tạp, chụp MRI cộng hưởng từ có thể được thực hiện. Nhờ vào các sóng vô tuyến và siêu âm, hình ảnh rõ nét của sụn đệm, đốt xương được thể hiện hoàn chỉnh, giúp các chuyên gia nhận định chính xác mức độ thương tổn của người bệnh.
Xét nghiệm trong phòng lab
Bên cạnh một số xét nghiệm hình ảnh, các bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số kiểm tra phòng lab như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu không có khả năng chẩn đoán thoái hóa khớp nhưng nó có thể giúp các bác sĩ loại bỏ nghi ngờ về viêm khớp dạng thấp. Viêm khớp dạng thấp thường gây ra những triệu chứng tương đối giống với thoái hóa.
- Phân tích hoạt dịch khớp: Giống như xét nghiệm máu, phân tích hoạt dịch khớp cũng giúp các bác sĩ loại bỏ một số nguyên nhân khác gây ra triệu chứng đau nhức, ví dụ như bệnh gout và nhiễm trùng khớp.
Điều trị thoái hóa khớp
Sau khi có kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ tiến hành xây dựng phương án điều trị phù hợp với từng người bệnh. Dưới đây là một số các cách điều trị thoái hóa khớp phổ biến nhất hiện nay:
Biện pháp điều trị bằng Tây y
Các biện pháp điều trị trong Tây y gồm có:
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau: Để đối phó với những cơn đau nhức khó chịu, thuốc giảm đau thường là lựa chọn hàng đầu của nhiều bệnh nhân. Các loại thuốc này cũng giúp cải thiện tình trạng viêm sưng (nếu có). Người bệnh có thể dễ dàng tìm mua chúng tại các hiệu thuốc, danh sách gồm acetaminophen, ibuprofen, naproxen sodium.
- Các thuốc chống trầm cảm: Đối với các cơn đau mãn tính, thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng để giảm đau, hiệu quả mang lại rất tích cực. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn dùng loại thuốc này đúng theo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo không gây hại cho sức khỏe. Ví dụ: Duloxetine, cymbalta,..
- Vật lý trị liệu: Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc tân dược, vật lý trị liệu cũng là một trong các biện pháp được nhiều bệnh nhân sử dụng. Các bài tập này có thể giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp, lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn và cải thiện sự linh hoạt của các khớp. Hệ thống bài tập được xây dựng bởi các chuyên gia trị liệu, phù hợp với tình trạng của từng người bệnh.
- Tiêm thuốc các khớp: Nếu các bài tập và thuốc điều trị đường uống không phát huy tác dụng hiệu quả, các bác sĩ có thể khuyến khích người bệnh sử dụng liệu pháp tiêm thuốc. Các loại thuốc này thường là thuốc corticosteroid giảm đau liều mạnh và thuốc bôi trơn khớp hyaluronic acid. Số lượng mũi tiêm được quyết định bởi các chuyên gia sau khi thẩm định tình trạng bệnh nhân.
- Phẫu thuật: Với các trường hợp chức năng của các khớp không thể hồi phục hoặc cải thiện được nữa, các bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về việc thực hiện phẫu thuật. Các dạng phẫu thuật này thường bao gồm sắp xếp lại xương, thay khớp bằng các khớp nhân tạo,…
Điều trị thoái hóa các khớp với Đông y
Đông y thường được sử dụng trong trường hợp bệnh ở giai đoạn nhẹ, với công dụng chủ yếu là giảm đau, bổ bổ khí huyết và cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể.
- Bài thuốc thể phong hàn: Các vị thuốc được sử dụng bao gồm: Táo đỏ, xương truật, cát căn, quy đầu, tam thất, quế chi, mộc qua, sinh khương, xuyên khung, bạch thược, tam thất và cam thảo. Người bệnh dùng sắc uống, mỗi ngày một thang thuốc.
- Bài thuốc thể hàn đờm: Các dược liệu trong một thang thuốc gồm có: Cam thảo, xuyên khung, phòng phong, trần bì, tế tân, cốt toái bổ, táo đỏ, hoàng cầm, y truật, chỉ thực, quế chi và đằng sâm. Người bệnh sắc thuốc và dùng khi còn ấm, chia làm hai lần mỗi ngày.
- Bài thuốc do huyết ứ và khí trệ: Người bệnh cần chuẩn bị: Quy đầu, đào nhân, chi tử, xuyên khung, hồng hoa, ngũ linh chi, uy linh tiên và huyển hổ. Các vị thuốc đem sắc kỹ trong 30 phút, chia làm hai lần uống trong ngày.
Các biện pháp hỗ trợ tại nhà
Bên cạnh các biện pháp từ Tây y và Đông y, người bệnh cũng có thể sử dụng thêm một số biện pháp tại nhà sau đây:
- Bài thuốc từ gừng tươi: Trong củ gừng có chứa nhiều hoạt chất quý, ví dụ như gingerols, có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau rất tốt. Người bệnh có thể dùng gừng tươi cùng với nước ấm và mật ong để pha trà dùng hàng ngày. Bài thuốc này có thể giúp cải thiện một số triệu chứng khó chịu của thoái hóa xương khớp cũng như tình trạng khó ngủ ở người bệnh.
- Chườm nóng hoặc lạnh: Biện pháp chườm nhiệt luôn là cách thực giảm đau nhanh chóng và hiệu quả. Nhờ sự thúc đẩy của nhiệt lượng, lượng máu đến các khớp lưu thông tốt hơn, các cơ khớp bị cứng cũng được thả lỏng phần nào. Lưu ý nhỏ là người bệnh không nên chườm quá lâu vì có thể khiến da bị kích ứng.
- Bài thuốc từ lá ngải: Lá ngải có tính ấm, vị cay the, có tác dụng chống viêm, giảm đau và sát trùng hiệu quả. Người bệnh có thể sử dụng 20g lá ngải giã nát cùng rượu trắng để đắp lên vùng bị ảnh hưởng. Bài thuốc này có thể áp dụng hàng ngày để cải thiện tốt đa tình trạng đau nhức khó chịu.
Chế độ chăm sóc với người bệnh thoái hóa khớp
Chế độ chăm sóc đối với bệnh thoái hóa xương khớp cần chú ý một số vấn đề như sau:
- Luyện tập thể dục thể thao: Các bài tập thể dục cường độ nhẹ có thể giúp tăng sức bền và cải thiện sức mạnh của các cơ bao xung quanh khớp bị thoái hóa. Nếu thực hiện trong một thời gian dài, người bệnh có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực của sức khỏe, ít đau nhức và linh hoạt khớp hơn. Các chuyên gia khuyến khích bệnh nhân nên thử đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội,…
- Giảm cân: Nếu bệnh nhân đang có vấn đề với trọng lượng cơ thể, việc điều chỉnh cân nặng thường được khuyến khích. Điều này giúp cho các cơ khớp ít phải chịu áp lực, nhất là những khớp ở đầu gối, hông và cổ chân. Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn kiêng lành mạnh nhiều rau xanh và tăng cường vận động thể chất để giảm cân mà không hại đến sức khỏe tổng thể.
- Chế độ dinh dưỡng: Các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày cũng đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Các chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên bổ sung thêm các loại rau xanh đậm (súp lơ, cải xoăn, cà rốt, bí ngô,..), các loại trái cây giàu vitamin C (cam, chanh, dâu, việt quất,..), thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ (diêm mạch, yến mạch, gạo lứt,..).
Bài viết hy vọng đã mang đến có bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến thoái hóa khớp. Các bệnh lý về xương khớp có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe và đời sống. Vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần dành thời gian đi thăm khám tại bệnh viện ngay.