Đau khớp ngón tay trỏ là triệu chứng báo hiệu nhiều bệnh lý nguy hiểm như hội chứng ống cổ tay, hội chứng Raynaud… Tình trạng cũng có thể xảy ra do việc lạm dụng khớp quá mức, ảnh hưởng của chấn thương liên quan đến ngón trỏ. Tìm hiểu cụ thể về vấn đề này trong nội dung bài viết sau đây!
Đau khớp ngón tay trỏ là gì?
Theo các bác sĩ, đau khớp ngón tay trỏ là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong Y học để chỉ tình trạng đau nhức xảy ra ở các khớp thuộc ngón tay trỏ (nằm giữa ngón tay cái và ngón giữa). Các cơn đau có thể kéo dài âm ỉ hoặc đau nhói đột ngột. Ngoài đau nhức, người bệnh còn có cảm giác tê bì, cứng khớp. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày, chuyển động của các ngón tay.
Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay trỏ rất đa dạng bao gồm cả bệnh lý và tác động cơ học. Khi gặp phải chứng bệnh này đa số người bệnh sẽ lựa chọn điều trị chăm sóc tại nhà. Nếu đau trở nên trầm trọng hơn, họ sẽ phải cân nhắc thực hiện vật lý trị liệu hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay trỏ
Phần lớn nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay trỏ là do việc lạm dụng khớp và ảnh hưởng của chấn thương. Tiếp đến là tác động của một số bệnh lý. Cụ thể:
- Lạm dụng khớp: Việc lặp đi lặp lại một số chuyển động liên quan đến ngón tay có thể tác động và gây ra đau khớp ngón tay trỏ. Người làm công việc liên quan đến máy tính, thường xuyên dùng ngón tay kéo hoặc đẩy các vật dụng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này.
- Chấn thương: Đau khớp ngón tay trỏ có thể hình thành do chấn thương như bong gân, trật khớp, gãy xương… Người lao động nặng, người chơi thể thao thường sử dụng ngón trỏ có khả năng mắc phải chứng bệnh do nguyên nhân này nhiều nhất. Ngoài đau, người bệnh có thể bị sưng đỏ, bầm tím hoặc dị dạng vùng khớp. Các cử động liên quan đến ngón tay đều khó thực hiện.
Đau khớp ngón tay trỏ có thể là do ảnh hưởng của các bệnh lý sau:
- Hội chứng ống cổ tay: Không gian trong ống cổ tay thu nhỏ lại gây ra sự chèn ép lên dây thần kinh và hệ thống dây chằng. Y học gọi đó là hội chứng ống cổ tay. Đau nhức, sưng và mất cảm giác ở ngón tay trỏ và bàn tay là dấu hiệu điển hình của hội chứng.
- Hội chứng Raynaud: Hội chứng này xảy ra do sự co thắt động mạch làm giảm lượng máu nuôi mô cơ. Tại khu vực bị bệnh, da sẽ chuyển sang màu trắng hoặc xanh cùng với đó là tình trạng đau nhức ở ngón tay, nặng nhất là ngón trỏ và tê bì.
- Hội chứng De Quervain: Hội chứng chỉ tình trạng chít hẹp bao gân dẫn đến viêm kèm nhiều triệu chứng khác như tê bì, đau nhức, phù nề… Lúc đầu, các cơn đau xảy ra ở vùng gốc ngón tay cái, mặt ngoài cổ tay. Sau đó, các cơn đau sẽ lan sang ngón tay trỏ kèm tê bì hoặc phù nề. Đến giai đoạn nặng, người bệnh còn nghe thấy tiếng kêu của khớp khi cử động ngón tay.
- Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay trỏ có thể do viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh lý tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, tấn công vào các mô khỏe mạnh dẫn đến tổn thương và gây ảnh hưởng nặng nề cho khớp và vùng mô cơ xung quanh. Ngón trỏ và một số ngón tay khác có dấu hiệu đau nhức, cứng khớp.
- Thoái hóa khớp ngón tay: Ngón tay trỏ bị thoái hóa khớp do chấn thương hoặc ảnh hưởng của vận động thường ngày. Tình trạng đau nhức kèm cứng khớp ngón tay trỏ là dấu hiệu điển hình của bệnh lý này.
Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (nguyên Phó khoa Đông y Viện YHCT Quân đội) cho biết, nếu nguyên nhân gây đau khớp ngón tay trỏ là lạm dụng khớp quá mức thường sẽ không nghiêm trọng. Người bệnh có thể kiểm soát cơn đau bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu nguyên nhân hình thành là do bệnh lý hoặc chấn thương, bạn cần can thiệp càng sớm càng tốt để tránh gặp phải các biến chứng như dị dạng khớp, tổn thương khớp không phục hồi, viêm nhiễm lan rộng, liệt ngón trỏ…
Chẩn đoán đau khớp ngón tay trỏ
Người bệnh phải thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng trong trường hợp có tiền sử chấn thương hoặc có dấu hiệu của các bệnh lý liên quan. Một số kỹ thuật chẩn đoán được áp dụng để tìm ra nguyên nhân gây ra đau khớp ngón tay trỏ là:
- Chụp X-quang: Phương pháp giúp kiểm tra tổn thương xảy ra ở ngón trỏ, thường là xác nhận gãy xương hay bị thoái hóa không.
- Chụp MRI: Nếu nghi ngờ có tổn thương vùng mô mềm quanh khớp hoặc có tình trạng chèn ép dây thần kinh bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh chụp MRI.
- Chụp CT cắt lớp: Nếu không rõ nguyên nhân gây đau khớp ngón tay trỏ, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện chụp CT cắt lớp. Kỹ thuật này giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh đa chiều, rõ nét của vị trí bị tổn thương, từ đó tìm ra được nguyên nhân cụ thể.
Điều trị đau khớp ngón tay trỏ
Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp điều trị chăm sóc tại nhà để cải thiện các cơn đau như:
- Massage: Massage ngón tay trỏ và khu vực xung quanh giúp cải thiện cơn đau hiệu quả khi mạch máu, khớp xương và mô mềm khu vực này đều được thư giãn, tăng cường lưu thông khí huyết. Đây cũng là biện pháp ngăn ngừa cứng khớp, căng cơ, tê bì ở ngón tay trỏ tổn thương hiệu quả.
- Tác dụng nhiệt: Bạn có thể chườm lạnh, chườm ấm để giảm đau nhức cùng một số triệu chứng đi kèm. Thực hiện cách điều trị này, người bệnh cần lưu ý, chườm ấm dùng cho trường hợp bị đau khớp ngón tay trỏ do bệnh lý. Chườm lạnh được áp dụng nếu đau do chấn thương. Nhiệt độ chườm cần được duy trì ở mức phù hợp để không gây bỏng.
- Dùng thảo dược: Gừng, lá lốt, ngải cứu… là các thảo dược bạn có thể áp dụng để bào chế thành các bài thuốc uống hoặc chườm để giảm đau nhức ở ngón tay trỏ.
Đối với người mắc đau khớp ngón tay trỏ do bệnh lý hoặc cơn đau nghiêm trọng, việc sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật sẽ phù hợp hơn. Trong đó:
- Thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, thuốc NSAIDs như Ibuprofen, Corticosteroids… tùy vào mức độ đau và tình trạng viêm của từng người. Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm ảnh hưởng đến thận, gan, dạ dày… Người bệnh hết sức cẩn trọng.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật được thực hiện sau 12 tuần điều trị nội khoa không đạt hiệu quả hoặc khớp ngón tay hư hỏng nặng, có nguy cơ liệt hoặc xuất hiện gãy xương.
Trên đây là tổng hợp thông tin về chứng bệnh đau khớp ngón tay trỏ. Hãy chú trọng bảo vệ ngón tay, vận động phù hợp để không gặp phải tình trạng này bạn nhé.