Đau lưng bên trái gần eo có thể là dấu hiệu tổn thương mô mềm, nội tạng hoặc triệu chứng của một bệnh xương khớp nào đó. Tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị để phòng ngừa các tổn thương nghiêm trọng trong nội dung sau!
Đau lưng bên trái (phải) gần eo là bệnh gì?
Những nguyên nhân sau thường gặp nhất để gây ra triệu chứng đau lưng bên trái (phải) gần eo mà bạn cần biết là:
1. Tổn thương mô mềm
Bong gân, giãn hoặc đứt dây chằng là tình trạng xảy ra nếu vận động cơ quá mức khi chơi thể thao, làm việc nặng hoặc tai nạn. Cơ chế viêm sưng khiến cho các cơn co thắt cơ dồn dập và làm người bệnh đau đớn. Tổn thương này có thể được khắc phục bằng cách nghỉ ngơi, chườm lạnh, dùng thuốc giảm đau… Nhưng an toàn nhất là nên tới bệnh viện để được hỗ trợ.
2. Tổn thương cột sống
Tổn thương cột sống trong một số bệnh lý có thể gây đau lưng bên trái gần eo. Điển hình:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
- Viêm xương khớp
- Rối loạn chức năng khớp xương cùng
Những bệnh lý này cần được điều trị giảm đau bằng thuốc, kết hợp làm trị liệu, dùng cao dán giảm đau, luyện tập tăng cường chức năng xương khớp…
3. Sỏi thận
Các viên sỏi di chuyển trong quả thận hoặc di chuyển trong niệu quản, ống dẫn nước tiểu tới bàng quang… có thể gây đau lưng trái gần eo cùng rất nhiều triệu chứng khác như: Đau dữ dội, đau nhói buốt ở lưng và khu vực dưới xương sườn, đau bụng dưới, háng, đi tiểu khó khăn đau đớn, nước tiểu có màu bất thường, buồn nôn, sốt, sợ lạnh…
Sỏi thận trong giai đoạn đầu có thể điều trị tốt bằng thuốc nhưng ở giai đoạn nặng thì có thể phải phẫu thuật lấy sỏi.
4. Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận bên trái gây ra các cơn đau nhói dữ dội hoặc đau âm ỉ ảnh hưởng tới vùng hông và bẹn. Các triệu chứng cảnh báo nhiễm trùng thận gồm có sốt, ớn lạnh, đi tiểu nhiều bất thường, nước tiểu có máu hoặc mủ vàng mùi hôi, màu đục, cảm giác đau đớn khi đi tiểu, đau lưng và bẹn…
Nhiễm trùng thận cần phải nhập viện để điều trị y tế đúng cách và kịp thời.
5. Rối loạn phụ khoa
Nếu đau lưng bên trái gần eo kèm đau bụng, đau bụng dưới dữ dội khi có kinh nguyệt, mệt mỏi, đau khi quan hệ tình dục… thì có thể là do một số rối loạn phụ khoa như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung gây ra.
6. Viêm đại tràng
Bệnh viêm đại tràng đặc trưng bởi tình trạng tiêu chảy mãn tính, đau trực tràng, đau quặn bụng lan ra sau lưng bên trái gần eo, suy nhược cơ thể… Bệnh lý này cần được điều trị y tế kịp thời để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
7. Thai kỳ
Cơn đau lưng bên trái hoặc bên phải gần eo trong thai kỳ khá phổ biến khi cơ thể người mẹ thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Cơn đau này có thể âm ỉ hoặc đau nhói, đau liên tục. Cơn đau này thường không nghiêm trọng và có thể hồi phục. Tuy nhiên nếu cảm thấy nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ thì nên thăm khám kịp thời.
Cách điều trị tình trạng đau lưng bên trái gần eo
Có thể khắc phục tình trạng đau lưng trái gần eo bằng nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào cấp độ và nguyên nhân đau nhưng phổ biến là những phương pháp sau:
1. Tự chăm sóc tại nhà
- Nghỉ ngơi hợp lý: Tăng cường nghỉ ngơi trong 1-2 ngày để giúp cơ bắp được thư giãn, dây chằng và xương khớp có cơ hội hồi phục tốt hơn. Tuy nhiên không nên nghỉ ngơi quá dài vì có thể khiến cơ bị suy yếu, giảm chức năng vận động và khiến cơn đau nghiêm trọng hơn.
- Thay đổi thói quen vận động: Người bệnh tránh hoạt động mạnh, tránh thực hiện các tư thế có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn. Ngoài ra nếu đặc thù công việc cần ngồi nhiều, đứng lâu hoặc làm một hoạt động nào đó liên tục nhắc lại thì cần phải dành thời gian giãn cơ sau 1-2 tiếng.
- Chườm nóng: Giúp giãn cơ, tăng cường lưu thông máu và chất dinh dưỡng chữa lành tổn thương, cải thiện cơn đau.
- Chườm lạnh: Trong trường hợp có viêm cơ thì cần phải chườm lạnh để giảm sưng viêm.
- Dùng thuốc giảm đau: Dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc tham vấn ý kiến của bác sĩ để dùng thuốc giảm đau, chống viêm cho phù hợp.
2. Điều trị y tế không phẫu thuật
Một số phương pháp điều trị bảo tồn có thể giúp giảm đau như:
- Dùng thuốc giãn cơ: Để giúp ức chế thần kinh trung ương, giảm căng và co thắt cơ, giúp giảm đau hiệu quả.
- Thuốc giảm đau theo toa: Dùng các loại thuốc giảm đau được bác sĩ chỉ định trong trường hợp đau dữ dội. Thuốc được dùng chặt chẽ theo chỉ định để tránh các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
- Nẹp lưng: Một số trường hợp nghiêm trọng cần phải dùng đến nẹp lưng để giảm đau và bảo vệ cột sống.
- Tiêm steroid ngoài màng cứng trong những trường hợp không đáp ứng với dùng thuốc.
- Làm vật lý trị liệu để giải phóng chèn ép, tăng cường tuần hoàn máu và hỗ trợ giảm đau.
3. Phẫu thuật
Nếu cơn đau lưng bên trái gần eo kéo dài trên 6 tuần, không đáp ứng được các liệu pháp bảo tồn kể trên thì cần phải xem xét phẫu thuật để loại bỏ yếu tố chèn ép, loại bỏ khối viêm và tăng khả năng hoạt động.
Phẫu thuật có thể tồn tại nhiều rủi ro không mong muốn và yêu cầu thời gian hồi phục nhất định. Do đó, người bệnh nên lắng nghe ý kiến của bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp.
Trên đây là những thông tin về chủ đề đau lưng bên trái gần eo. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn. Chúc bạn đọc sức khỏe!