Đau lưng do thoát vị đĩa đệm không phải ai cũng có thể nhận biết được. Các cơn đau có mức độ khác nhau cảnh báo tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Để giải quyết triệt để triệu chứng này người bệnh cần có hướng xử lý phù hợp do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Tìm hiểu ngay thông tin trong bài viết dưới đây.
Tại sao thoát vị đĩa đệm gây đau lưng cho người bệnh?
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp phổ biến ở người cao tuổi và người ở độ tuổi trung niên. Nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh khởi phát là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể hoặc do thoái hóa bệnh lý hoặc do chấn thương tác động tới cột sống. Ở giai đoạn đầu người bệnh khó có thể phát hiện được thoát vị đĩa đệm do các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác.
Bệnh được các chuyên gia bác sĩ chuyên khoa nhận định là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên khi đĩa đệm bị tổn thương nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống, hạn chế chức năng xương khớp, mất khả năng vận động.
Đau lưng là triệu chứng phổ biến, điển hình của thoát vị đĩa đệm (đặc biệt là ở vị trí thắt lưng). Nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng có thể do:
- Thoát vị gây chèn ép lên các rễ thần kinh xung quanh đốt sống gây đau nhức. Ngoài ra người bệnh còn có thể cảm thấy tê bì hai chân, giảm trương lực, tê yếu cơ và gặp khó khăn khi vận động.
- Thoát vị làm thay đổi cấu trúc của cột sống dẫn đến các hoạt động cúi gập, nghiêng người, di chuyển… đều có thể gây áp lực lên dây thần kinh, mô mềm xung quanh và các mạch máu. Do đó gây nên hiện tượng đau nhức vùng lưng.
Tùy thuộc vào giai đoạn của thoát vị và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà các cơn đau lưng có mức độ khác nhau. Đặc biệt nếu người bệnh duy trì các thói quen sinh hoạt, làm việc xấu, chế độ dinh dưỡng không khoa học có thể tình trạng đau nhức sẽ nghiêm trọng hơn.
Nhận biết đau lưng do thoát vị đĩa đệm
Đau lưng là tình trạng phổ biến, thường gặp ở rất nhiều người, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu là bệnh lý và sinh lý. Trong trường hợp người bệnh bị đau lưng do thoát vị có thể kèm theo các triệu chứng bệnh khác do hiện tượng chèn ép rễ thần kinh gây ra.
Dấu hiệu nhận biết đau lưng do thoát vị gây ra:
- Đau nhức, đau buốt vùng lưng từng cơn, cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào tình trạng thoát vị
- Cơn đau xảy ra thường xuyên, liên tục trong khoảng 1 – 2 tuần mỗi đợt hoặc cũng có thể xảy ra chỉ trong vài ngày.
- Đau tăng lên khi người bệnh ho, hắt hơi, cúi gập người, di chuyển, vận động, làm việc nặng và giảm dần mỗi khi nghỉ ngơi.
- Ngoài vùng lưng, cơn đau có thể lan ra các vùng xung quanh như hông, đùi, cẳng chân (thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng) và cổ, vai gáy, hai tay (thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ).
- Thông thường các cơn đau có thể kèm theo những rối loạn cảm giác như mất cảm giác, không cảm nhận được nóng lạnh, có cảm giác tê bì, châm chích như kiến cắn,… do các dây thần kinh bị đĩa đệm thoát vị chèn ép.
- Vùng lưng tê cứng, hoạt động di chuyển, vận động gặp nhiều khó khăn.
Ngoài các triệu chứng tại vị trí đốt sống bị thoát vị, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng toàn thân. Có thể là dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi, sụt cân, chán ăn, mất ngủ hoặc suy giảm chức năng sinh lý. Những triệu chứng này đều xuất hiện khi bệnh thoát vị đã tiến triển ở thể nặng.
Khắc phục đau lưng do thoát vị đĩa đệm gây ra bằng cách nào?
Đau lưng thường xuyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của người mắc bệnh. Ngoài ra triệu chứng này cũng tác động không nhỏ đến đời sống tình dục và tâm lý của những người mắc phải.
Để cải thiện tình trạng đau lưng do thoát vị người bệnh có thể sử dụng một số cách đơn giản dưới đây:
Thay đổi tư thế thường xuyên
Tư thế sai lệch không chỉ gây đau lưng mà còn làm tăng áp lực lên cột sống, khiến đĩa đệm, các dây thần kinh bị chèn ép khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Nếu người bệnh thường xuyên giữ tư thế sai lệch đĩa đệm có thể bị tổn thương nặng nề, xẹp lún, rạn nứt bao xơ và các cơn đau lưng trở nên dữ dội. Người bệnh nên:
- Thường xuyên đứng lên vận động khi phải ngồi lâu
- Đứng thẳng lưng để lực dồn đều ở 2 chân
- Nằm ngửa trên gối thấp, ngủ đúng tư thể
Chườm lạnh, chườm nóng
- Phương pháp chườm lạnh phù hợp với những người đau lưng kèm hiện tượng sưng đỏ và nóng rát. Lưu ý, sau khi chườm lạnh người bệnh nên chườm nóng giúp giãn cơ máu tuần hoàn dễ dàng.
- Phương pháp chườm nóng được sử dụng khi bệnh nhân có các cơn đau kèm tê cứng cột sống. Người bệnh nên chườm nóng với nhiệt độ vừa phải, không quá nóng trong 10 – 20 phút.
Ngoài ra người bệnh có thể đắp các bài thuốc từ lá ngải cứu, lá trầu, lá lốt,… rất tốt cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm hoặc đau lưng do thay đổi thời tiết.
Thường xuyên tập thể dục phù hợp với thể trạng
Phương pháp này giúp cột sống được ổn định, giảm áp lực lên đĩa đệm, hỗ trợ giải phóng rễ thần kinh, mạch máu.
Xoa bóp giảm đau lưng
Liệu pháp này giúp giảm đau, cải thiện tình trạng co cứng cơ, giảm tê bì, nhức mỏi do thoát vị đĩa đệm gây chèn ép lên rễ thần kinh.
Sử dụng thuốc giảm đau
Người bệnh có thể sử dụng miếng dán salonpas, thuốc giảm đau bôi ngoài, thuốc paracetamol và một số loại thuốc giảm đau được chỉ định sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ khi bị đau lưng do thoát vị đĩa đệm?
Người bệnh xuất hiện các cơn đau lưng trong thời gian dài, nghiêm trọng dần và kèm theo các triệu chứng ở mức nặng nề người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Ngoài ra người bệnh cần đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng sau:
- Tê cứng cột sống, tê bì hoặc nóng ran ở vùng lưng, di chuyển, vận động khó khăn
- Chi dưới bị suy yếu, tê liệt
- Triệu chứng bệnh tăng tần suất và mức độ
Bài viết trên đây cung cấp thông tin hữu ích về triệu chứng đau lưng do thoát vị đĩa đệm gây ra. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này hãy đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và sử dụng phác đồ điều trị phù hợp. Chúc các bạn sức khỏe!