Thoái hóa khớp ngón tay gây ra tình trạng đau nhức, ảnh hưởng đến vận động ở tay của người bệnh. Càng để lâu, những tác động của bệnh đến sức khỏe càng lớn. Tìm hiểu cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh trong bài viết dưới đây.
Thoái hóa khớp ngón tay là gì?
Thoái hóa khớp là thuật ngữ chung được Y học dùng để chỉ tình trạng hao mòn của xương dưới sụn và sụn khớp gây viêm, cứng, đau khớp. Thoái hóa khớp ngón tay là một trong dạng của thoái hóa khớp.
Xương và khớp ngón tay kết nối với nhau cho phép ngón tay thực hiện các chuyển động linh hoạt. Do phải vận động nhiều nên đây là khớp dễ bị thoái hóa, tổn thương. Tình trạng bệnh có thể xuất hiện ở một hoặc cả 2 bàn tay. Một số vị trí khớp ngón tay có nguy cơ bị thoái hóa cao hơn được bác sĩ chỉ ra là:
- Khớp IP: Đây là khớp ngăn cách 3 xương nhỏ của mỗi ngón tay
- Khớp MCP: Đây là khớp nối các ngón tay với xương trong lòng bàn tay đảm nhận nhiệm vụ duỗi thẳng, uốn cong của các ngón tay.
Thoái hóa khớp ngón tay thường có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh thoái hóa khớp, xảy ra ở các ngón tay, ảnh hưởng đến cả bàn tay. Trong đó có thể kể đến như đau nhức, cứng khớp, giảm sự linh hoạt.
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp ngón tay tương đối đa dạng. Dựa trên nguyên nhân hình thành, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị nội/ngoại khoa phù hợp.
Nguyên nhân hình thành thoái hóa khớp ngón tay
Nguyên nhân nguyên phát
Theo cấu tạo cơ thể con người, đầu khớp ngón tay đều có sụn. Lớp sụn này đảm nhận vai trò giúp đầu xương chuyển động dễ dàng khi va chạm vào nhau. Theo thời gian, sụn khớp sẽ có dấu hiệu bị hao mòn. Đầu xương không được bảo vệ ma sát trực tiếp vào nhau dẫn đến các cơn đau và nhiều triệu chứng bệnh lý khác. Đây là nguyên nhân nguyên phát dẫn đến thoái hóa khớp ngón tay.
Ngoài ra, sự hao mòn của sụn là yếu tố kích thích quá trình sản sinh của tế bào viêm trong khớp. Điều này là tăng mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng thoái hóa, tăng mức độ tổn thương của khớp.
Nguyên nhân thứ phát
Thoái hóa khớp ngón tay có thể hình thành do một số nguyên nhân sau đây:
- Dị tật bẩm sinh: Dị tật bẩm sinh khiến các khớp bị suy yếu, giảm độ linh hoạt, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hình thành thoái hóa xương khớp.
- Chấn thương: Chấn thương bàn tay, ngón tay như trật khớp hoặc gãy xương ngay cả khi đã điều trị khỏi vẫn làm tăng khả năng mắc thoái hóa khớp ngón tay và khớp nhỏ bàn tay. Đa phần các chấn thương sẽ làm khớp trở nên lỏng lẻo, nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn.
- Tác động của một số bệnh lý: Một số bệnh lý như bong gân, gout, lệch khớp, viêm khớp… có thể là nguyên nhân hình thành thoái hóa khớp ngón tay.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, thoái hóa khớp ngón tay có thể hình thành do ảnh hưởng của công việc, vận động. Cụ thể, nếu bạn sử dụng các khớp ngón tay quá mức, lặp lại động tác ngón tay nhiều lần làm tăng nguy cơ thoái hóa. Việc không ăn uống đủ chất, lối sống và thói quen sinh hoạt không khoa học cũng có thể là nguyên nhân hình thành nên bệnh.
Triệu chứng thoái hóa khớp ngón tay
- Đau khớp: Đây là triệu chứng điển hình gặp phải ở hầu hết người bệnh thoái hóa khớp ngón tay. Người bệnh cảm thấy đau nhức ở vị trí thoái hóa và khu vực xung quanh. Theo từng giai đoạn, các cơn đau có thể tăng dần về cường độ hoặc tần suất. Đau tăng lên khi thay đổi thời tiết hoặc khi người bệnh thực hiện liên tục một động tác liên quan đến khớp ngón tay.
- Cứng khớp: Tình trạng cứng khớp sẽ xuất hiện đồng thời với đau khớp. Các hoạt động uốn cong hoặc duỗi thẳng ngón tay sẽ khó khăn hơn. Triệu chứng xảy ra nghiêm trọng hơn vào buổi sáng sau khi người bệnh ngủ dậy. Nếu để kéo dài, triệu chứng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng dịch nhầy trong khớp.
- Sưng đỏ khớp: Khớp ngón tay bị viêm có dấu hiệu sưng đỏ. Với các khớp gần đầu ngón tay và giữa ngón tay đều sẽ xuất hiện các nút sưng to. Y học lần lượt gọi chúng là Herberden và Bouchard.
- Khớp kêu lục cục: Khi cử động, người bệnh nghe thấy tiếng khớp kêu lục cục.
- Nóng ran: Vùng khớp ngón tay bị tổn thương và khu vực xung quanh nóng ran.
- Giảm khả năng vận động: Độ linh hoạt của các khớp ngón tay giảm hẳn gây khó khăn cho công việc, vận động của người bệnh.
- Dị dạng khớp: Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng dị dạng khớp ngón tay. Triệu chứng này có thể cảm nhận bằng mắt thường với biểu hiện là khớp ngón tay bị thoái hóa xuất hiện thêm khối xương cứng, phình to xung quanh trên khớp.
Nếu không điều trị kịp thời, thoái hóa khớp ngón tay để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng. Trong đó có thể kể đến như:
- Viêm khớp ngón tay – giai đoạn sau của thoái hóa
- Gai xương hình thành chèn ép lên mô mềm, tăng cảm giác đau nhức
- Biến dạng bàn tay
- Mất ngủ mãn tính, suy giảm sức khỏe
- Tàn phế
- Hoại tử xương
- Nhiễm trùng khớp
Điều trị thoái hóa khớp ngón tay
Trước khi điều trị, bệnh nhân sẽ được thực hiện chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng để xác định mức độ tổn thương cụ thể. Bác sĩ sẽ chỉ định một số kỹ thuật và xét nghiệm cho người bệnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MR, xét nghiệm máu…
Dựa kết quả thu được, một số phương pháp trị liệu được bác sĩ đưa ra để điều trị bệnh thoái hóa khớp ngón tay như sau:
- Dùng thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm Ibuprofen, Naproxen được sử dụng nhằm cải thiện tình trạng viêm xảy ra ở khớp ngón tay. Nhóm thuốc này thường được sử dụng kết hợp với thuốc giảm đau để nâng cao hiệu quả. Thuốc sử dụng phù hợp với trường hợp người bệnh đau nhẹ đến vừa.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Với người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tâm lý, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Thuốc tác động giúp tinh thần người bệnh thư giãn, giảm đau nhức, giúp người bệnh ngủ hơn.
- Vật lý trị liệu: Một số người bệnh được yêu cầu thực hiện vật lý trị liệu để tăng cường chuyển động, tăng độ linh hoạt cho các khớp ngón tay. Đây cũng là liệu pháp được áp dụng để ổn định cấu trúc khớp, mô mềm.
- Phẫu thuật: Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không đạt được hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc để người bệnh ghép khớp hoặc thay khớp ngón tay để kiểm soát tình trạng bệnh.
Trên đây là tổng hợp của chúng tôi về bệnh thoái hóa khớp ngón tay. Hãy tìm hiểu và bổ sung thêm thông tin cho bản thân để việc phòng ngừa và điều trị bệnh lý đạt hiệu quả tốt nhất.