Theo y khoa, ngón tay lò xo là hiện tượng ngón tay bị kẹt lại khi đang uốn cong và gây đau đớn. Trong quá trình vận động hàng ngày, hiện tượng này có thể xảy ra với bất cứ ngón tay nào trong cơ thể, thậm chí với nhiều ngón cùng một lúc. Để tìm hiểu nguyên nhân và những hậu quả do hiện tượng này gây ra, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau đây.
Giới thiệu chung về hiện tượng ngón tay lò xo
Ngón tay lò xo hay còn có cách gọi khác là ngón tay cò súng. Đây là một hiện tượng ngón tay có thể uốn cong hoặc duỗi ra rất nhanh chóng. Nó thường xảy ra khi phần gân gấp của ngón tay bị viêm nhiễm làm cho ngón tay bị đau nhức. Chúng gây khó khăn trong các hoạt động, chuyển động của mỗi ngón tay. Ở những trường hợp nặng hơn còn có thể ảnh hưởng đến nhiều ngón tay cùng một lúc.
Những người hay nắm chặt tay, lặp lại nhiều lần sẽ có nguy cơ mắc viêm gân gấp ngón tay cao hơn. Khi đó một phần gân bị tụ lại sẽ tạo thành cục u ở gốc của ngón tay bị viêm, dẫn đến ngón tay bị kẹt lại ở vị trí uốn cong. Lúc này ngón tay bật ra như lò xo hoặc cò súng, chính là hiện tượng ngón tay lò xo.
Một số biểu hiện khi bị ngón tay lò xo
Nếu như bạn gặp phải một trong những biểu hiện sau đây, rất có thể bạn đã mắc tình trạng ngón tay lò xo:
- Cảm thấy đau nhức hoặc bỗng nhiên xuất hiện nốt sần ở gốc ngón tay.
- Khi uốn hoặc duỗi ngón tay cảm thấy đau đớn và phát ra âm thanh.
- Bỗng nhiên cảm thấy cứng ngón vào buổi sáng, có tiếng bật hay âm thanh khi di chuyển ngón tay.
- Bị cứng khớp ngón tay, không thể duỗi thẳng hay cử động ngón tay.
Khi gặp phải một trong những tình trạng trên bạn nên tìm hiểu và gặp bác sĩ ngay để có phương hướng điều trị phù hợp. Bởi vì theo thời gian các triệu chứng này có thể trở lên nghiêm trọng hơn và gây ảnh hưởng đến các ngón tay khác.
Nguyên nhân và cách chẩn đoán ngón tay lò xo
Bệnh thường có nguy cơ mắc bệnh cao với nhóm đối tượng có tính chất công việc phải chuyển động các ngón tay nhiều lần với cường độ mạnh. Hiện tượng này còn phổ biến hơn ở nữ giới với độ tuổi từ 40-60. Những bệnh nhân tiểu đường, viêm khớp, suy giáp, chấn thương ngón tay hay phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài những yếu tố mang tính chất rủi ro trên, những nguyên nhân chính sau đây có thể dẫn đến tình trạng bệnh:
- Viêm xương khớp: Đây là một bệnh khá phổ biến với biển hiện hao mòn sụn khớp ở ngón tay hay còn gọi là thoái hóa khớp ngón tay. Người mắc phải viêm xương khớp sẽ thấy các ngón tay bị sưng đau, khớp ngón tay có thể bị bung ra hoặc vỡ, phát ra âm thanh khi chuyển động.
- Dây chằng ngón tay bị chấn thương: Nếu chấn thương dây chằng ở ngón tay không được phát hiện và điều trị kịp thời rất có thể dẫn đến ngón tay lò xo. Bởi dây chằng ngón tay là bộ phận nối các khớp lại với nhau và dễ bị rách khi bong gân hoặc trật khớp. Tình trạng này kéo dài khiến khớp ngón tay có thể bị bật ra như lò xo hoặc gãy khi uốn cong.
- Các hoạt động mạnh và lặp lại của ngón tay: Viêm gân gấp ngón tay hay còn gọi là ngón tay lò xo thường gặp phải khi chuyển động mạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần. Gân được bao bọc bởi phần mô là vỏ gân, tuy nhiên khi bạn gập mạnh ngón tay nhiều lần sẽ khiến gân bị viêm, kích ứng và tổn thương. Lúc này gân sưng và dày lên dẫn đến tình trạng ngón tay bị bật ra như lò xo khi uốn cong.
Biện pháp chẩn đoán ngón tay lò xo
Ngón tay lò xo có thể dễ dàng được chẩn đoán qua những phương pháp sau:
Chẩn đoán phân biệt tình trạng ngón tay
Ở phương pháp này bác sĩ sẽ chẩn đoán để phân biệt tình trạng ngón tay lò xo với những bệnh lý có biểu hiện tương tự như: Viêm khớp vẩy nến, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng hay bệnh Gout.
Dựa vào những biểu hiện của bệnh nhân
Để kiểm tình trạng hiện tại của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định dựa trên các triệu chứng: Ngón tay khó cử động hoặc bị kẹt ở tư thế duỗi thẳng, vị trí bao gân bị sưng viêm hoặc hình thành nốt sần, có thể sờ thấy các hạt xơ ở gân gấp ngón tay.
Tiến hành xét nghiệm chẩn đoán xác định
Phương pháp chính để xét nghiệm chẩn đoán xác định là siêu âm đầu dò với tần số > 7.5-2.0 MHz. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang, xét nghiệm máu để kiểm tra lượng đường trong máu và chức năng gan thận trước khi đưa ra biện pháp điều trị.
Những phương pháp điều trị ngón tay lò xo
Tùy vào mỗi mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và thời gian mắc bệnh của từng bệnh nhân sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.
Dùng các loại thuốc điều trị
Hai loại thuốc thường được sử dụng cho các trường hợp ngón tay lò xo không quá nghiêm trọng là:
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen, Paracetamol hoặc dextropropoxyphen, Paracetamol hoặc tramadol, Floctafenine.
- Thuốc chống viêm không steroid: Diclofenac, Etoricoxib, Piroxicam, Celecoxib.
Phương pháp nẹp ngón tay
Để hạn chế cử động, bệnh nhân sẽ được chỉ định nẹp một thanh nhựa ở ngón tay bị lò xo để cố định và làm dịu cơn đau. Phương pháp này thường sử dụng với tình trạng bệnh nhẹ cần thời gian điều trị ngắn.
Biện pháp phẫu thuật ngón tay lò xo
Biện pháp này được sử dụng khi những phương pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả. Có 3 loại phẫu thuật để điều trị ngón tay lò xo là: Phẫu thuật mở, phẫu thuật giải phóng chèn ép qua da và cắt bao gân.
Các loại phẫu thuật này đều khá đơn giản. Tuy nhiên có thể để lại sẹo, tổn thương dây thần kinh, nhiễm trùng… trong những trường hợp rủi ro.
Tiêm corticoid
Đây là phương pháp tiêm corticoid tại chỗ vào vỏ gân ở gốc ngón tay để giảm sưng. Phương pháp này có thể cải thiện vĩnh viễn và hiệu quả lên tới 50-70% các trường hợp mắc ngón tay lò xo. Các chế phẩm corticosteroid bao gồm: Methyl prednisolon acetat (1 ml = 40 mg), Betamethasone (1ml = 5mg Betamethasone dipropionate + 2mg Betamethasone sodium phosphate). Với liều lượng và thời gian đợt tiêm theo chỉ định của bác sĩ.
Phương pháp này có rủi ro nhỏ và kém hiệu quả đối với những bệnh nhân có bệnh lý như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp.
Trên đây là những thông tin chia sẻ về bệnh ngón tay lò xo. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy đến khám và nhận chỉ định từ bác sĩ, không tùy ý áp dụng phương pháp điều trị. Hy vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích tới bạn đọc.