Đau khớp ngón tay cái là tình trạng khá phổ biến và nó gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt, lao động của người bệnh. Ngoài ra tình trạng này không được điều trị có thể phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng hơn. Tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị đúng trong nội dung sau!
Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay cái
Trong sinh hoạt, ngón tay cái là ngón tay rất linh hoạt và thường chịu nhiều tác động cơ học nhất so với những ngón còn lại trong các hoạt động thường ngày. Do đó, đau khớp ngón cái khá phổ biến. Tình trạng này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
1. Lạm dụng ngón tay cái
Vận động quá mức ngón tay cái có thể khiến các khớp bị tổn thương và gây đau nhức, khó cử động hoặc tê bì, nóng rát ngón tay.
2. Bong gân ngón tay cái
Các dây chằng hỗ trợ ngón tay khi bị căng quá độ hoặc rách do ngoại lực tác động hoặc do chấn thương sẽ gây đau cục bộ bàn tay hoặc đau khớp ngón cái. Nguyên nhân này khiến cho ngón tay bị bầm tím, sưng phù đau đớn, không thể cử động bình thường.
3. Ngón tay cái bị gãy
Chấn thương hoặc ngoại lực tác động khiến ngón cái bị gãy gây đau đớn dữ dội, thâm tím, biến dạng ngón tay và cần được cấp cứu ngay nếu không sẽ gây hoại tử.
4. Viêm khớp ngón tay cái
Đây là tình trạng xảy ra do lão hóa tự nhiên hoặc hậu quả của chấn thương. Các tổn thương ở xương khớp ngón cái có thể gây bào mòn sụn khớp và kích thích phát triển gai xương, tạo ra các cục u trên khớp ngón cái.
Ngoài viêm khớp thì bệnh lý viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn hay bệnh gút cũng gây ra các cơn đau đớn ở khớp ngón tay cái với các triệu chứng đi kèm đặc trưng.
5. Ngón tay lò xo
Đây là tình trạng viêm, thoái hóa ở bao gân gấp của ngón tay, khiến bao gân bị chít hẹp, khó gập – duỗi ngón tay bình thường. Hiện tượng này thường là do chấn thương hoặc các ngón tay làm một động tác lặp đi lặp lại nhiều lần.
Ngoài đau đớn, người bệnh còn cảm thấy căng tức ở gốc ngón tay, có nốt đau ở gần gốc ngón tay, không hoặc khó duỗi thẳng ngón tay, có tiếng kêu phát ra khi uốn hoặc duỗi thẳng khớp ngón cái.
6. Viêm bao gân De Quervain
Đây là tình trạng điển hình bởi các cơn đau nhức tập trung ở vùng gân ngón tay cái của cổ tay mỗi khi người bệnh xoay cổ tay hoặc nắm tay lại. Ngoài ra, một số triệu chứng khác gồm có sưng ở gần gốc ngón cái, khó khăn khi cầm, nắm hoặc véo mạnh.
7. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng cổ tay bị viêm sưng, chèn ép vào dây thần kinh giữa, làm cho người bệnh bị ngứa ran, sưng và nóng rát ở các ngón tay.
8. U nang hoạt dịch
U nang hoạt dịch là khối u hình thành bởi các chất lỏng hoạt dịch, vốn có công dụng bôi trơn cho khớp. Các khối u này thường xuất hiện gần các khớp cổ tay, bàn tay, đầu gối hoặc bàn chân, gần ngón cái… và thấy rõ ràng dưới da.
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau khớp ngón tay cái
Để tìm ra nguyên nhân gây đau khớp ngón tay cái cần dựa trên các biểu hiện lâm sàng và kết quả trên film chụp. Ngoài ra, bác sĩ sẽ căn cứ vào thời gian, tần suất đau, triệu chứng kèm theo, mức độ ảnh hưởng khi hoạt động, chế độ ăn uống, nghề nghiệp, cường độ vận động… để chẩn đoán mức độ tổn thương.
Một số thăm khám lâm sàng cần thiết để chẩn đoán chính xác hơn đó là:
- Chụp X quang ngón tay cái
- Chụp CT-Scan
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm
- Kiểm tra phản xạ thần kinh cơ
Cách chữa trị đau khớp ngón tay cái
Điều trị đau khớp ngón tay cái cần dựa vào nguyên nhân và tình trạng đau. Những cơn đau nghiêm trọng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt nên được thăm khám và điều trị sớm. Dưới đây là một số giải pháp điều trị thường được áp dụng:
1. Các mẹo giảm đau tại nhà
- Nghỉ ngơi:
Hạn chế vận động khớp ngón tay cái, giảm áp lực lên ngón tay sẽ giúp cải thiện cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên không nên bất động ngón tay quá lâu vì có thể làm cứng khớp, ảnh hưởng tới vận động sau này mà thi thoảng hãy xoa bóp nhẹ nhàng cho ngón tay và bàn tay để máu lưu thông dễ dàng.
- Cố định khớp:
Dùng nẹp cố định khớp ngón cái để hạn chế các tác động xấu lên ngón tay, giúp tổn thương mau lành.
- Chườm lạnh:
Nếu cơn đau kèm sưng và viêm ngón tay thì chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng đau hiệu quả.
- Massage:
Massage cho ngón tay cái bị đau theo chuyển động tròn, không ấn bóp mạnh sẽ giúp tuần hoàn máu tốt hơn.
- Ngâm tay trong nước ấm:
Ngâm tay trong nước ấm giúp giãn cơ bắp, giải phóng chèn ép, tăng tuần hoàn máu và hỗ trợ làm lành tổn thương tốt hơn.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc giảm đau có thể cần thiết trong những trường hợp đau khớp ngón tay cái thường xuyên hoặc cơn đau cấp. Một số loại thuốc được dùng theo chỉ định hoặc không nhưng dù thế nào vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
Một số thuốc điển hình là: Acetaminophen, Ibuprofen, thuốc chống viêm không chứa steroid, cortisone dạng tiêm, chondroitin, glucosamine…
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau và cải thiện biên độ vận động của khớp ngón tay cái rất tốt. Các bài tập nên được thực hiện bởi bác sĩ hay kỹ thuật viên lành nghề. Một số bài tập vật lý trị liệu có thể tham khảo là: Nắm tay, ấn tay trên bề mặt phẳng, bóp bóng, gập duỗi ngón tay, nâng ngón tay cái, co giãn các ngón tay, chạm ngón tay cái vào ngón út…
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp khớp ngón tay cái hoặc gân bị hư hỏng hay các liệu pháp thông thường không cho đáp ứng tốt.
Trong trường hợp này, phẫu thuật tập trung vào việc hàn gắn, thay thế hoặc sửa chữa các khớp, gân tay bị hư hỏng. Mục tiêu là giúp người bệnh có thể vận động ngón tay cái trở lại, phòng ngừa dị tật ở ngón tay.
Trên đây là những thông tin về vấn đề đau khớp ngón tay cái. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những nội dung hữu ích!