Viêm khớp thái dương hàm là căn bệnh không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp tới cơ, khớp ở hàm và mặt. Để tìm hiểu kỹ hơn về loại viêm khớp này, mời bạn đọc theo dõi các thông tin trong bài viết dưới đây.
Viêm khớp thái dương hàm là gì?
Theo các tài liệu y khoa, khớp thái dương hàm là một khớp động ở sọ mặt. Hệ thống khớp này bao gồm diện khớp hàm dưới, diện khớp xương vùng thái dương, đĩa khớp, dây chằng cùng một số bộ phận khác. Nó có nhiệm vụ quan trọng trong điều khiển hàm thực hiện các cử động như nói, cười, ăn,…
Viêm khớp thái dương hàm là cụm từ chỉ tình trạng viêm nhiễm hoặc rối loạn tại vùng được kể trên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh gây ra nhiều cơn đau, co thắt theo cơn và làm mất trạng thái cân bằng của khớp nối. Chính vì vậy, hoạt động của xương thái dương hàm gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt thường ngày.
Viêm khớp thái dương hàm không phải là căn bệnh hiếm gặp bởi nó có thể xuất hiện ở mọi đối tượng. Mặc dù vậy, một số thống kê cho thấy, tình trạng viêm này thường xảy ra ở nữ giới đang dậy thì hoặc phụ nữ đã mãn kinh.
Nguyên nhân gây ra viêm khớp thái dương hàm
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp thái dương hàm không rõ ràng. Bởi rất nhiều trường hợp, các bác sĩ không thể xác định tác nhân khiến hoạt động của khớp thái dương và hàm bị rối loạn. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra một số yếu tố có thể là nguồn gốc của căn bệnh này.
Thói quen cá nhân
Xương thái dương hàm hoạt động liên tục với tần suất cao khi nói, ăn,… Do đó, nó dễ dàng bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực bởi các thói quen xấu trong sinh hoạt. Một số thói quen dưới đây có thể khiến bạn mắc căn bệnh này.
- Nghiến răng liên tục, ngay cả khi ngủ.
- Tâm trạng căng thẳng kéo dài khiến cơ mặt bị ảnh hưởng.
- Khớp hàm bị chấn thương do va chạm mạnh.
- Niềng răng sai cách.
- Tư thế ngủ sai như ngứa cổ, vẹo cổ, há miệng,… gây căng cứng vùng cơ mặt.
Một số bệnh lý về xương khớp
Theo các bác sĩ, bệnh về xương không phải là yếu tố hàng đầu gây ra căn bệnh rối loạn khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng, không nên loại bỏ yếu tố nào dù tỷ lệ nhỏ nhất. Một số trường hợp có thể diễn biến phức tạp hơn rất nhiều.
- Thoái hóa khớp: Đây là tình trạng các khớp tại mặt bị yếu đi theo thời gian và không đủ dưỡng chất để hồi phục chức năng. Theo đó, các mô và phần mềm xung quanh khớp bị xơ hóa, dễ gãy, biến dạng, mất chất nhầy,…
- Viêm thấp khớp: Đây là một bệnh tự miễn khi hệ miễn dịch mất khả năng nhận diện và tấn công trực tiếp các tế bào khỏe mạnh. Chính vì vậy, sức đề kháng của xương mất dần và xuất hiện tình trạng viêm nhiễm.
Triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm thường xảy ra tại một bên mặt. Tuy nhiên, không ít trường hợp người bệnh gặp tình trạng này ở cả hai bên mặt. Triệu chứng đầu tiên phải kể đến là cơn đau nhức tại vùng xương này. Theo thời gian, bệnh chuyển biến nặng và cường độ đau diễn ra mạnh mẽ hơn, nhất là khi nhai.
Không chỉ vậy, người bệnh còn phải chịu đựng cơn đau xung quanh tai và bên trong tai. Do đó, các cử động của miệng như ngậm miệng, mở miệng đều gặp khó khăn. Hơn nữa, những tiếng lạch cạch có thể phát ra tại khớp. Đây là một dấu hiệu của giai đoạn bệnh nặng.
Ngoài ra, bệnh còn gây ra một số triệu chứng như nhức, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, nổi hạch hai bên thái dương, mặt bị phù,… Do vậy, viêm khớp thái dương hàm làm người bệnh tự ti về ngoại hình và hình thành tâm lý nhạy cảm trước đám đông.
Điều trị viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm ở trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bệnh vẫn tiếp tục diễn ra thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định phương hướng giải quyết. Để điều trị căn bệnh này, các phương pháp dưới đây thường được áp dụng.
Điều trị tại nhà
Xử lý các cơn đau khớp hàm tại nhà được các bác sĩ tư vấn sử dụng các chườm lạnh vào vùng bị tổn thương. Đá lạnh có tác dụng giảm đau tạm thời rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi chườm, bạn cần dùng khăn bọc để tránh bị bỏng lạnh.
Trong trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể mua và sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, paracetamol,.. Bên cạnh đó, việc nhai quá nhiều thức ăn cứng, dai có thể ảnh hưởng gián tiếp tới cấu trúc xương thái dương hàm. Do đó, chế độ dinh dưỡng với các thức ăn mềm được các chuyên gia khuyến cáo.
Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Sử dụng thuốc đặc trị là phương pháp thường được sử dụng trọng mọi loại bệnh, trong đó có viêm khớp thái dương hàm. Nếu bệnh nhân đang tiến triển xấu hơn, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng viêm NSAID ở liều cao nhằm cải thiện triệu chứng viêm và giảm đau.
Một số loại thuốc giãn cơ có tác dụng làm giảm sự co thắt tại cơ mặt. Tuy nhiên, các loại thuốc này đều để lại tác dụng phụ trên cơ thể. Do đó, người bệnh cần tuân thủ liều lượng từ bác sĩ, tránh lạm dụng để lại hậu quả nghiêm trọng.
Phẫu thuật
Trong trường hợp người bệnh không thể đáp ứng các biện pháp trên, phẫu thuật là phương án được lựa chọn. Mặc dù cho hiệu quả chữa bệnh cao nhưng di chứng hậu phẫu là điều không thể tránh khỏi.
- Phẫu thuật mở khớp: Ở phương pháp này, người bệnh được gây mê toàn bộ, bác sĩ sẽ tiến hành mở khớp để quan sát và xử lý vùng bị viêm. Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật này, người bệnh có thể bị sẹo lớn và ảnh hưởng tới hệ thần kinh.
- Chọc dò khớp: Kỹ thuật này có tên tiếng Anh là Arthrocentesis. Theo các bác sĩ, đây chỉ là một tiểu phẫu có thể được thực hiện tại phòng khám răng hàm mặt. Theo đó, bác sĩ sẽ dùng kim tiêm để chọc vào khớp và loại bỏ viêm nhiễm.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về căn bệnh viêm khớp thái dương hàm. Để phòng tránh căn bệnh này, bạn cần điều chỉnh các thói quen hằng ngày có ảnh hưởng đến cơ mặt. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!