Thoái hóa khớp là một bệnh lý hình thành và tiến triển âm thầm, có thể gây ra nhiều biến chứng đáng ngại, ảnh hưởng tới khả năng vận động cũng như chất lượng sống của người bệnh. Dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp, các bác sĩ sẽ có thể phát hiện bệnh lý và đưa ra những phương án điều trị phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về tiêu chuẩn này trong nội dung sau!
Thông tin cần biết về thoái hóa khớp và cột sống
Thoái hóa khớp và cột sống là bệnh lý xảy ra không phải do yếu tố viêm nhiễm, thường tiến triển từ từ ở một hoặc nhiều khớp, có thể gây ra các tổn thương tại sụn hoặc hình thành gai xương.
Nguyên nhân thoái hóa khớp chưa rõ ràng nhưng có một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh này như:
- Tuổi tác: Làm xương khớp lão hóa theo thời gian, tăng nguy cơ thoái hóa.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ cao mắc thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống cao hơn.
- Cân nặng: Trọng lượng cơ thể càng lớn thì càng gây áp lực lên các khớp hông và gối. Bên cạnh đó là tình trạng viêm gây ra bởi các mô mỡ xung quanh khớp.
- Chấn thương: Cả chấn thương mới hay cũ đều làm tăng nguy cơ thoái hóa xương khớp.
- Di truyền trong gia đình.
- Tập luyện thể thao, làm việc nặng quá sức trong thời gian dài.
- Dị dạng xương bẩm sinh.
- Bản thân mắc bệnh chuyển hóa như tiểu đường.
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh thoái hóa khớp:
- Đau đớn khi vận động hoặc khi không vận động trong thời gian dài.
- Co cứng khớp vào buổi sáng khi ngủ dậy hoặc không vận động trong thời gian dài.
- Da mềm khi ấn vào xung quanh khớp hoặc vị trí xương khớp bị thoái hóa.
- Giảm biên độ vận động khớp.
- Nóng rát tại vị trí thoái hóa.
- Lục khục khớp khi chuyển động.
- Sưng tấy tại các mô mềm xung quanh khớp.
Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp
Để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp thì trong y khoa đã có những tiêu chuẩn riêng. Trong đó có hai tiêu chuẩn chẩn đoán nổi tiếng và tin cậy nhất là: Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Hội thấp khớp học Mỹ ra đời vào năm 1991 – ACR (American College of Rheumatology) và tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Kellgren và lawrence.
1. Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp Hội thấp khớp học Mỹ- ACR
Tiêu chuẩn này đề cập tới các yếu tố cần và đủ để xác định bệnh thoái hóa khớp là:
- Rìa khớp có gai xương thấy được trên film X quang
- Dịch thoái hóa tại khớp
- Người bệnh trên 38 tuổi
- Co cứng kéo dài trong khoảng dưới 30 phút
- Có tiếng lục khục khớp khi cử động
Người bệnh được xác định là có thoái hóa khớp nếu có các nhóm yếu tố (1-2-3-4) hoặc (1-2-5) hoặc (1-4-5).
Ngoài các dấu hiệu trên, còn có một số triệu chứng khác được đề cập trong tiêu chuẩn này như: Khớp biến dạng vì có gai xương, thoái vị màng dịch, lệch trục khớp, tràn dịch khớp gối.
2. Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hoá khớp của Kellgren và Lawrence
Đây là tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp được áp dụng cho phương pháp chẩn đoán qua hình ảnh và các kiểm tra liên quan.
Hình ảnh qua film chụp X quang
- Giai đoạn I: Hình thành các gai xương với kích thước nhỏ hoặc nghi ngờ có gai xương.
- Giai đoạn II: Nhìn thấy rõ ràng các gai xương.
- Giai đoạn III: Tình trạng hẹp khe khớp biên độ vừa phải.
- Giai đoạn IV: Khe khớp bị hẹp nhiều, đồng thời có xơ xương dưới sụn.
Siêu âm khớp
Giúp đánh giá tình trạng của gai xương, sự hẹp khe khớp, tràn dịch ở khớp gối, độ dày của sụn khớp, kiểm tra màng hoạt dịch và tìm kiếm các mảnh sụn thoái hóa bị bong ở trong của ổ khớp.
Nội soi khớp
Giúp quan sát trực tiếp những tổn thương do thoái hóa sụn khớp trên các cấp độ khác nhau.
Chụp cộng hưởng từ MRI
Giúp quan sát hình ảnh của khớp trên hình ảnh ba chiều rõ ràng, giúp phát hiện tổn thương ở dây chằng, sụn khớp và màng hoạt dịch.
Ngoài ra, tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hoá khớp của Kellgren và Lawrence cũng đề cập tới các xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm máu và sinh hóa để kiểm tra tốc độ máu lắng
- Xét nghiệm dịch khớp để đếm số lượng tế bào
Ngoài hai tiêu chuẩn chẩn đoán kể trên thì cũng cần cẩn đoán phân biệt thoái hóa khớp và các tình trạng tương tự khác như:
- Chấn thương cột sống, sưng viêm đầu gối
- Yếu tố viêm khớp dạng thấp dương tính
Điều trị thoái hóa khớp như thế nào?
Hiện chưa có biện pháp đặc trị cho bệnh thoái hóa khớp. Các biện pháp được áp dụng hiện nay đều tập trung vào việc giảm triệu chứng, cải thiện tình trạng thoái hóa. Một số biện pháp thường được áp dụng là:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn
- Dùng các thuốc giảm đau dạng bôi hoặc dạng uống, thuốc chống viêm không chứa NSAID.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào khớp hoặc tiêm steroid để giảm viêm, đau.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất
- Làm vật lý trị liệu theo hướng dẫn
- Chườm nóng/chườm lạnh tại vùng tổn thương
- Kích thích thần kinh qua da bằng điện áp thấp nếu có thoái hóa khớp gối và hông.
- Sử dụng thiết bị, dụng cụ hỗ trợ như nẹp chỉnh hình hoặc gậy
Nếu các biện pháp điều trị kể trên không mang lại hiệu quả như mong muốn hoặc có biến chứng nghiêm trọng đe dọa tới khả năng vận động và sức khỏe người bệnh thì có thể cần phải phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là:
- Giúp kiểm soát các triệu chứng đau đớn, cứng khớp, giảm sự phát triển triệu chứng.
- Cải thiện khả năng vận động của khớp
- Cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Phong cách sống và biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp
Phòng ngừa thoái hóa khớp có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp kết hợp. Trong đó việc duy trì thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh, khoa học chính là yếu tố đầu tiên để có một hệ xương khớp khỏe mạnh. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức bền của khớp và các cơ quanh khớp.
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Luyện tập các bài tập yoga nhẹ nhàng hoặc tập thái cực quyền, hít thở sâu để cải thiện sự linh hoạt của cột sống, xương khớp.
- Ăn uống khoa học: Ăn nhiều rau xanh, sử dụng thịt trắng, cung cấp thêm canxi và khoáng chất từ thực phẩm, hạn chế các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, bỏ bia rượu và chất kích thích…
Trên đây là những thông tin về tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những nội dung hữu ích. Chúc bạn đọc sức khỏe!