Chấn thương cột sống là bệnh lý rất thường gặp, đặc biệt là sau các vụ va chạm mạnh (tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…). Do cột sống có vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc và nâng đỡ toàn bộ cơ thể nên các chấn thương tại khu vực này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của con người. Vậy dấu hiệu nhận biết và những phương pháp phòng ngừa chấn thương cột sống là gì? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau đây.
Tìm hiểu về chấn thương cột sống
Cột sống là dạng cấu trúc xương được hình thành từ các đốt sống tạo thành một khoang ống bao quanh và bảo vệ tủy sống. Chúng chứa hệ thống lớn các dây thần kinh của con người, giữ nhiệm vụ truyền và nhận tín hiệu giữa não bộ và toàn cơ thể. Các đốt sống được liên kết lại với nhau bởi khớp nối, chúng tạo thành từng khu vực để thực hiện cùng một chức năng.
Chấn thương cột sống là những tổn thương trên xương sống, thông thường xảy ra tại các vị trí như: Đốt sống, dây chằng, tủy sống hay địa đệm. Những điểm nhạy cảm như nơi tiếp giáp giữa những cột sống cố định và cột sống di động thường có nguy cơ cao bị chấn thương. Người bệnh thường cảm thấy sưng đau và khó có thể thực hiện các động tác như cúi hay xoay người thậm chí dẫn đến bại liệt.
Chấn thương xảy ra khi bị tác động hoặc va đập mạnh bởi các yếu tố bên ngoài như té ngã, rủi ro trong hoạt động thể thao hay tai nạn giao thông… Tất cả những trường hợp này cần đến bệnh viện để được thăm khám và đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp.
Có những loại chấn thương cột sống nào?
Chấn thương cột sống được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó phổ biến nhất là các dạng sau:
Phân loại chấn thương cột sống dựa vào hình thái
Qua các kỹ thuật chụp chiếu trong Y học, chấn thương cột sống theo hình thái có những loại:
- Chấn thương không gồm tổn thương tủy sống: Là tình trạng gãy xẹp hoặc rạn nứt đốt sống, lúc này các bộ phận kết nối như dây chằng cũng có thể bị đứt, rách.
- Chấn thương cả cột sống và tủy sống: Đây là tình trạng nghiêm trọng khiến cả cột sống và tủy sống đều bị tổn thương.
- Chỉ chấn thương tủy sống mà không tổn thương cột sống: Các va chạm do tai nạn khiến phần tủy sống ở phía trong bị tổn thương như chấn động hay chảy dịch mà không làm chấn thương đến cột sống bên ngoài.
Phân loại chấn thương cột sống dựa vào giải phẫu
Chấn thương cột sống được phân loại thông qua giải phẫu bệnh lý bao gồm:
- Cột sống bị trật khớp: Chấn thương này thường gặp ở khu vực cột sống cổ hoặc nơi chuyển tiếp giữa lưng và thắt lưng. Chúng có thể làm tụ máu các mô tủy hay hẹp ống sống. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng và tổn thương lây lan sang các bộ phận liên quan.
- Nứt vỡ trên thân đốt sống: Qua kiểm tra bác sĩ có thể thấy dấu hiệu nứt hoặc vỡ thành mảnh rời trên thân đốt sống, làm tổn thương đến mô tủy bên trong.
- Tụ máu trong mô tủy: Sau va đập mạnh các mô tủy có thể bị tụ máu thậm chí là hoại tử.
- Tụ máu bên ngoài màng tủy: Chấn thương dẫn đến màng mô tủy bị kích ứng hoặc dập nát. Loại tổn thương này thường ít gặp hơn các trường hợp còn lại.
Nguyên nhân gây chấn thương cột sống
Chấn thương cột sống có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó phổ biến nhất vẫn là tai nạn giao thông và tai nạn lao động, tiếp đến là các trường hợp bị vấp té hoặc ngã từ trên cao. Ngoài ra các tệ nạn như hành hung, bạo lực gia đình cũng có nhiều nguy cơ dẫn tới các loại chấn thương cột sống.
Mặt khác sự lão hóa của người già cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến cột sống bị tổn thương. Các bệnh lý như thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống lưng, loãng xương…có thể biến chứng thành chấn thương cột sống.
Dấu hiệu nhận biết bệnh chấn thương cột sống
Biểu hiện của chấn thương cột sống còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng của từng bệnh nhân, những dấu hiệu thường hay gặp nhất bao gồm:
Tổn thương tủy sống
Trong những trường hợp chấn thương của người bệnh gây tổn thương tủy sống có thể xuất hiện tình trạng:
- Rối loạn tri giác, khó thở, nhịp thở chậm, giảm nhiệt độ cơ thể nếu cột sống cổ bị thương.
- Khu vực C5-D1 hoặc D2-D10 bị tổn thương có thể dẫn tới liệt mềm tứ chi, mất cảm giác, tăng phản xạ gân xương và phản xạ tự động tủy.
- Nhóm D11-L1 gây ra các hiện tượng chướng bụng, liệt mềm hai chân, teo chân, mất cảm giác đau ở ngang bẹn.
- Tổn thương từ L2 đến đốt xương cùng 1, người bệnh có thể xuất hiện hội chứng chùm đuôi ngựa, liệt ngoại vi hai chân, mất cảm giác khu vực bẹn, đáy chậu, hậu môn và bộ phận sinh dục.
- Dạng tổn thương cột sống cổ nghiêm trọng nhất là từ C1-C4 gây ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và bộ phận tim mạch.
Không gây tổn thương tủy sống
Các triệu chứng lâm sàng khi chấn thương cột sống nhưng không gây tổn thương tủy sống là:
- Cột sống bị biến dạng cong vẹo.
- Xuất hiện những vết bầm tím hay sưng phù ở xương sống.
- Cảm thấy đau nhói vùng đốt sống bị tổn thương.
- Sinh hoạt, đi lại khó khăn, hạn chế khả năng vận động.
Chấn thương cột sống khi nào là nguy hiểm?
Chấn thương cột sống là một trong những bệnh lý khá nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Vì có chứa tủy là bộ phận của hệ thần kinh trung ương nên cột sống không những mang chức năng cơ học mà còn giữ chức năng thần kinh. Vì vậy khi bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vận động và cảm giác của con người.
Việc cột sống bị chấn thương có thể hạn chế chức năng giao tiếp giữa các dây thần kinh với trung tâm não bộ gây ra các loại bệnh về: Tim mạch, hệ thống hô hấp, hoạt động của bàng quang và ruột, phản xạ, cơ vận động, quá trình trao đổi chất…Chính vì thế bạn cần đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện bất thường ở khu vực xương sống.
Một số cách phòng ngừa và điều trị chấn thương cột sống
Để phòng ngừa chấn thương cột sống người bệnh cần hết sức cẩn trọng tránh các nguy cơ xảy ra tai nạn như: Đã sử dụng rượu bia thì không tham gia giao thông, chỉ lái xe khi đã được cấp bằng và đào tạo qua các lớp học, sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động, tránh hoạt động quá mạnh và nguy hiểm khi chơi thể thao, lắp đặt hệ thống lưới an toàn cầu thang, ban công, thảm chống trơn trượt trong nhà để hạn chế rủi ro té ngã…
Phương pháp điều trị chấn thương cột sống
Thông thường sau các tai nạn gây chấn thương cột sống người bệnh thường được điều trị cấp cứu và làm một số loại xét nghiệm sau:
- Chụp X- quang những khu vực nghi ngờ bị tổn thương để xác định tình trạng bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính các mặt cắt của xương, khu vực đĩa đệm và các bộ phận liên quan khác.
- Trong các trường hợp nặng cần chụp cộng hưởng từ quan sát toàn bộ bên trong xương sống để phát hiện những tổn thương như đông máu hay khối u…
Từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân như: Sử dụng thuốc giảm căng cứng, thuốc chống sưng viêm, nẹp định hình xương sống, khung tập đi, xe lăn hay các bài tập vật lý triệu liệu…Các biện pháp để kiểm soát cảm xúc hạn chế trầm cảm cho người bệnh cũng được áp dụng để chữa chấn thương cột sống.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp tới bạn những thông tin hữu ích về chấn thương cột sống. Nếu bạn đang có bất cứ dấu hiệu nào của việc xương sống bị tổn thương hãy đến ngay các bệnh viện, trung tâm y tế để được khám và điều trị bệnh sớm nhất.