Thuốc điều trị thoái hóa khớp gối được sử dụng để cải thiện tình trạng đau nhức, làm chậm quá trình thoái hóa. Thoái hóa khớp gối nên uống thuốc gì? Loại thuốc nào điều trị tốt? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Thoái hóa khớp gối là bệnh lý xương khớp, chỉ tình trạng sụn khớp và xương dưới sụn ở khu vực này bị hao mòn, tổn thương. Một số triệu chứng điển hình mà người bệnh gặp phải là:
- Đau nhức khớp đầu gối và khu vực xung quanh
- Cứng khớp, cản trở hoạt động và cuộc sống thường ngày
- Sưng đỏ, nóng ran phần khớp bị tổn thương do viêm
Để ngăn chặn những ảnh hưởng kể trên, bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc. Đa số thuốc điều trị thoái hóa khớp gối thường có tác dụng có tác dụng giảm đau, chống viêm. Cụ thể, các thuốc điều trị thoái hóa khớp gối thường được sử dụng là:
Thuốc giảm đau không chứa Steroid (NSAID)
Thuốc giảm đau không chứa Steroid (NSAID) là loại thuốc giảm đau có tác dụng chống viêm ở những người bệnh giai đoạn nhẹ đến vừa. Theo Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (nguyên Phó khoa Đông y Viện YHCT Quân đội), hoạt chất của thuốc có tác dụng ngăn chặn sản xuất các thành phần kích thích viêm trong cơ thể, đảm bảo hiệu quả tốt trong quá trình ngăn chặn tổn thương mô phát triển.
So với thuốc giảm đau chứa Steroid, NSAID có ít tác dụng phụ hơn. Dù vậy, việc lạm dụng thuốc này vẫn có thể dẫn đến một số vấn đề về dạ dày, thận , gan… Người bệnh phải hết sức cẩn trọng khi dùng.
Thuốc có sẵn dưới dạng không kê đơn, người bệnh có thể mua và sử dụng không cần chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thời gian sử dụng khuyến cáo không quá 10 ngày liên tục để tránh gây tác dụng phụ nguy hiểm. Phổ biến trong nhóm thuốc không kê đơn là Ibuprofen, Naproxen.
Với loại thuốc NSAID như Celecoxib, Diclofenac, Fenoprofen… người bệnh phải có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng. Thuốc phải dùng theo liều lượng được chỉ định để tránh gây ra tác dụng, cụ thể:
- Celecoxib: Thuốc ức chế chọn lọc COX – 2 giúp người bệnh giảm đau, giảm sưng. Liều lượng khuyến cáo là 200mg/ngày. Thuốc có thể gây đau ngực, suy nhược cơ thể, khó thở, suy giảm thị lực. Nghiêm trọng hơn, thuốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tiêu hóa gây khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi…
- Diclofenac: Liều lượng loại thuốc NSAID này được khuyến cáo ở mức 50mg – 75mg. Thuốc gây ra tình trạng đau ngực, suy giảm thị lực, ho ra máu, đau thượng vị…
- Fenoprofen: Liều lượng được khuyến cáo sử dụng khoảng 200mg/ngày. Mỗi lần uống cách nhau tối thiểu 4 giờ. Thuốc gây ra tác dụng phụ khiến người bệnh bị chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, sốt, khô miệng… Dạ dày có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng thuốc, gây nên các triệu chứng ợ nóng, đau bụng…
- Indomethacin: Người bệnh thoái hóa khớp khuyến cáo sử dụng 25mg sau 8h-12h hoặc 75mg/ngày/lần. Các tác dụng phụ của thuốc khiến người bệnh lo lắng trong quá trình sử dụng. Cụ thể, thuốc gây đau họng, buồn nôn, đại tiện ít, ho ra máu…
Một số nghiên cứu còn chỉ ra, nhóm thuốc giảm đau chống viêm không chứa Steroid có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình liền xương nếu sử dụng trong thời gian dài. Điều này tác động xấu tới bệnh nhân đã phẫu thuật thay khớp.
Thuốc giảm đau thông thường
Loại thuốc giảm đau thông thường hay giảm đau không gây nghiện được chỉ định rất phổ biến trong các trường hợp người bệnh bị thoái hóa khớp gối. Nổi bật nhất phải kể đến Acetaminophen hay còn được biết đến với cái tên Paracetamol. Thuốc chỉ có tác dụng giảm đau, không có khả năng kiểm soát viêm ở khớp.
Liều lượng được khuyến cáo mỗi ngày ở mức 1000mg, không dùng quá 4000mg trong 24h để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Với đối tượng trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang có con bú, người bệnh cần cẩn trọng trong quá trình sử dụng để tránh gây ra ảnh hưởng không mong muốn.
Trong quá trình sử dụng Acetaminophen, người bệnh không được dùng rượu vì có thể gây ra những tổn thương không mong muốn cho gan. Đặc biệt, không dùng kết hợp với một số loại thuốc có chứa Acetaminophen để tránh tình trạng quá liều.
Thuốc giảm đau gây nghiện
Với trường hợp bệnh nhân thoái khớp gối đau vừa đến nặng, việc sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện Opioid có thể được cân nhắc. Loại này có nguồn từ Opiate tự nhiên hoặc các loại Opioid nhân tạo có tác dụng giảm đau tại chỗ nhanh.
Về cơ chế hoạt động, Opioid sau khi vào cơ thể liên kết với các thụ thể Opioid trong não, tủy sống… ức chế khả năng nhận thức cơn đau của não bộ. Các cơn đau do thoái hóa khớp gối gây ra do vậy được thuyên giảm.
Tuy nhiên, thuốc gây ra nhiều tác dụng nghiêm trọng nếu sử dụng sai cách. Thông thường, bác sĩ chỉ dụng khi người bệnh quá đau mà các loại thuốc giảm đau chống viêm hay thông thường không thể đáp ứng được.
Một số tác dụng mà bạn phải biết đến trước khi dùng nhóm thuốc giảm đau gây nghiện này là:
- Gây cảm giác mơ hồ, buồn ngủ
- Gây ngứa, buồn nôn, táo bón
- Có khả năng gây nghiện, đặc biệt là người đã có tiền sử nghiện nguy cơ này sẽ cao hơn
Khả năng dung nạp thuốc của cơ thể phát triển theo thời gian. Điều này có nghĩa là người bệnh cần tăng liều lượng sử dụng để đạt được hiệu quả. Tình trạng này rất dễ dẫn đến lạm dụng thuốc, nguy cơ nghiện càng cao hơn.
Thuốc Steroid
Thuốc điều trị thoái hóa khớp gối Steroid được sử dụng để ngăn chặn viêm và giảm đau. Bác sĩ có thể chỉ định tiêm Steroid cho người bệnh khi các phương pháp trên không mang lại hiệu quả.
Thuốc được tiêm trực tiếp vào khớp gối sau khi bác sĩ gây tê cục bộ. Sau khi tiêm, Steroid nhanh chóng tác dụng làm dịu cơn đau trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng.
Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp gối, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về loại thuốc dùng, liều lượng và các triệu chứng mà bản thân gặp phải. Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất và dược sĩ/bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt và cách dùng để đảm bảo an toàn.
Trên đây là thông tin tổng hợp của chúng tôi về các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp gối. Bạn đọc hãy tham khảo và lưu lại những kiến thức bổ ích, sử dụng khi có nhu cầu. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và thành công!