Tràn dịch khớp cổ chân có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Bệnh nhân vì vậy nên nằm rõ các thông tin liên quan đến nguyên nhân và triệu chứng để có cách xử lý kịp thời, hiệu quả nhất. Bài viết sau chia sẻ một số kiến thức hữu ích liên quan đến tình trạng này, bạn đọc không nên bỏ lỡ!
Tràn dịch khớp cổ chân là gì?
Tràn dịch khớp cổ chân xảy ra khi chất lỏng vốn nằm trong bao hoạt dịch chảy ngược ra bên ngoài ô khớp, dẫn đến hiện tượng tích tụ và tắc nghẽn. Tình trạng này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi cổ chân không còn vận động như bình thường được. Ngoài khớp cổ chân, tràn dịch cũng thường xảy ra ở các vị trí khác trên cơ thể, ví dụ như đầu gối, khuỷu tay, hông,…
Theo các bác sĩ, bất cứ ai cũng có khả năng gặp phải tình trạng này, không phân biệt tuổi tác, chủng tộc hay giới tinh. Tuy nhiên, những người thường hay chơi thể thao, béo phì hoặc tuổi tác cao có nguy cơ nhiều hơn. Tràn dịch dễ gây nhầm lẫn với tình trạng phù nề, vì vậy người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Nguyên nhân tràn dịch khớp cổ chân
Các nguyên nhân dẫn đến tràn dịch khớp cổ chân có thể kể đến là:
- Tổn thương khớp cổ chân: Các loại tổn thương trong quá trình vận động hay chơi thể thao có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng tràn dịch ở khớp cổ chân. Khi ngoại lực tác động vào phần khớp cổ chân, các bộ phận nằm trong đây như bao hoạt dịch, gân cơ, dây chằng có thể bị viêm. Từ viêm sưng ban đầu, dịch khớp dần dần tích tụ lại và gây ra tràn dịch.
- Viêm khớp nhiễm trùng: Có một số trường hợp tràn dịch liên quan đến tình trạng viêm khớp nhiễm trùng. Trong tình huống này, người bệnh có thể bị tổn thương ngoài da ở gần khớp cổ chân. Các loại vi khuẩn gây hại theo đường máu xâm nhập vào bên trong và gây nhiễm trùng ổ khớp, hậu quả là dịch khớp bị rò rỉ và dẫn đến sưng tấy, viêm đỏ.
- Viêm khớp: Đây được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tràn dịch ở khớp cổ chân. Đối với những bệnh nhân viêm khớp, cấu trúc của khớp xương không còn toàn vẹn như ban đầu, mạch máu cũng dễ giãn nở hơn. Cuối cùng thì dịch khớp do bao hoạt dịch tiết ra quá nhiều, dẫn đến hiện tượng tràn dịch và tích tụ bên trong. Các tình trạng viêm khớp thường gặp nhất là viêm khớp dạng thấp, viêm khớp lão hóa và gout.
Triệu chứng tràn dịch khớp cổ chân
Người bệnh tràn dịch khớp cổ chân thường có các triệu chứng sau đây:
- Cổ chân sưng tấy: Một trong các dấu hiệu điển hình của bệnh là tình trạng cổ chân bị sưng tấy. Đây là kết quả của việc có quá nhiều dịch lỏng tích tụ bên trong ổ khớp, khi người bệnh sờ vào cổ chân có thể cảm thấy mềm và dễ bị lõm xuống.
- Đau nhức khớp cổ chân: Bên cạnh hiện tượng sưng tấy, nhiều người bệnh cũng cảm thấy đau nhức ở cổ chân. Cơn đau có thể kéo dài âm ỉ, khiến người bệnh khó di chuyển cổ chân. Tình trạng này thường trở nên tồi tệ hơn nếu bệnh nhân đi lại quá nhiều.
- Cứng khớp: Dịch khớp thường giúp bôi trơn ổ khớp, đảm bảo quá trình hoạt động thuận lợi và dễ dàng. Tuy nhiên, nếu tràn dịch xảy ra, ổ khớp lại trở nên khô cứng và khó chuyển động hơn bình thường. Hiện tượng cứng khớp thường không xảy ra ở giai đoạn đầu mà chỉ xuất hiện khi bệnh tình đã nặng hơn.
- Một số triệu chứng khác: Ngoài các dấu hiệu phổ biến kể trên, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: Tụ máu, sốt, cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, ớn lạnh,…
Tràn dịch khớp cổ chân nguy hiểm không?
Tràn dịch khớp cổ chân cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh nguy cơ biến chứng về sau. Nếu để bệnh kéo dài, người bệnh có thể phải đối mặt với các vấn đề sau đây:
- Đau đớn kéo dài: Những cơn đau không chấm dứt và kéo dài cả ngày lẫn đêm gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như tinh thần bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không thể tham gia các hoạt động thường ngày một cách dễ dàng.
- Hỏng khớp: Các tổn thương trong ổ khớp như tràn dịch nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng hỏng khớp. Lúc này, khớp xương đã không còn giữ được chức năng và kết cấu vốn có. Người bệnh sẽ phải thay khớp để đảm bảo khả năng vận động về sau.
- Nhiễm trùng lan rộng: Nếu tràn dịch do nhiễm trùng khớp gây ra, người bệnh cần có biện pháp xử lý sớm. Bởi vì nếu để lâu, vi khuẩn có thể theo đường máu tấn công đến các khu vực khác trong cơ thể, gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
Chẩn đoán tràn dịch khớp cổ chân
Tràn dịch khớp cổ chân có thể được chẩn đoán thông qua các biện pháp sau đây:
- Kiểm tra thể chất: Các bác sĩ trước tiên sẽ xem xét tình trạng sưng tấy ở cổ chân người bệnh. Sau đó, họ có thể thử sờ, nắn để kiểm tra mức độ đau nhức người bệnh đang gặp phải. Bệnh nhân cũng cần trả lời một số vấn đề liên quan như tiền sử chấn thương, tiền sử bệnh lý,…
- Kiểm tra hình ảnh: Các biện pháp siêu âm, X-quang, MRI được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán tràn dịch khớp. Nhờ vào việc kiểm tra hình ảnh, tình trạng viêm sưng bên trong ổ khớp được nhận định chính xác về mức độ và vị trí.
- Lấy mẫu dịch khớp: Nếu các bác sĩ nghi ngờ tràn dịch khớp ở cổ chân liên quan đến nhiễm trùng, họ sẽ tiến hành chọc hút lấy mẫu dịch bên trong. Mẫu dịch sau đó được gửi đi phân tích thành phần nhằm tìm ra dấu vết tồn tại của vi khuẩn.
Điều trị tràn dịch khớp cổ chân
Điều trị tràn dịch khớp cổ chân hiện nay gồm có các biện pháp sau đây:
- Nghỉ ngơi: Nếu mức độ tổn thương không nghiêm trọng và có thể tự bình phục, người bệnh được khuyến khích nghỉ ngơi tại nhà để theo dõi thêm. Trong thời gian này, người bệnh có thể thử áp dụng một số biện pháp giảm đau đơn giản như ngâm chân nước ấm hay chườm lạnh để giảm bớt cảm giác khó chịu.
- Thuốc Tây y: Đối với các trường hợp tràn dịch nặng hơn và không thể tự khỏi, các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thuốc. Loại thuốc được sử dụng nhiều nhất là thuốc chống viêm không chứa steroid (Ibuprofen, naproxen) và thuốc giảm đau (acetaminophen). Nếu nguyên nhân liên quan đến vi khuẩn, người bệnh cần dùng thêm kháng sinh đường uống (clindamycin, amoxicillin).
- Chọc hút dịch khớp: Trong trường hợp tràn dịch nghiêm trọng và thuốc uống không có tác dụng, các bác sĩ thường cân nhắc sử dụng phương pháp chọc hút dịch khớp. Họ sẽ sử dụng một ống xi-lanh có đầu tiêm để hút hết chất dịch dư thừa ra bên ngoài. Sau đó, các loại thuốc chống viêm steroids dạng lỏng được tiêm vào ổ khớp nhằm loại bỏ triệt để nguyên nhân gốc rễ của tràn dịch.
Phòng tránh tràn dịch khớp cổ chân
Để phòng ngừa tràn dịch khớp cổ chân, mọi người cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Không để cổ chân phải hoạt động quá mức trong thời gian dài. Nếu liên quan đến đặc thù công việc, mọi người nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn và sử dụng thêm thiết bị bảo hộ cổ chân.
- Duy trì cân nặng phù hợp, không để cơ thể rơi vào tình trạng thừa cân hay béo phì. Điều này có liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng cũng như luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.
- Tăng cường các bài tập dành cho khớp cổ chân và đầu gối. Cường độ tập luyện nên ở mức độ vừa phải, không nên tạo áp lực cho cơ thể.
- Nếu có tiền sử bệnh viêm khớp, mọi người nên điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ cũng như dành thời gian đi khám định kỳ để phòng tránh nguy cơ tràn dịch xảy ra.
Tràn dịch khớp cổ chân có thể do chấn thương, viêm khớp và một số tình trạng sức khỏe khác. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần phát hiện kịp thời để có các biện pháp xử lý hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, đừng quên bảo vệ sức khỏe xương khớp thông qua dinh dưỡng đầy đủ và tích cực tập luyện thể thao mỗi ngày.