Thoái hóa khớp vai gây ra những cơn đau nhức cực kỳ khó chịu đối với người bệnh và khiến khả năng vận động của phần cơ thể phía trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị trong bài viết sau!
Thoái hóa khớp vai là gì?
Thoái hóa khớp vai là tình trạng sụn khớp, xương dưới sụn ở khớp vai bị bào mòn gây viêm quanh khớp, làm sưng nhức khó chịu mỗi khi các đầu xương cọ xát vào nhau khi người bệnh vận động.
Bệnh này nếu không được khắc phục sớm sẽ tiến triển thành những dạng bệnh lý khó điều trị khác như gai xương, làm chèn ép dây thần kinh.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp vai
Một số triệu chứng điển hình của bệnh này gồm:
Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, dai dẳng trong nhiều ngày, đau tăng khi vận động khớp hoặc không vận động trong thời gian dài… đau giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau có xu hướng liên tục và tăng lên theo thời gian hoặc đau ngắt quãng từng đợt.
Khi bệnh nghiêm trọng, cơn đau không chỉ khu trú ở khớp vai hay đỉnh vai nữa mà nó có thể đau lan xuống bả vai, ngực và cổ người bệnh, đau trong khi ngủ khiến người bệnh mất ngủ.
- Sưng khớp vai
Sờ vào khớp vai thấy cảm giác nóng ấm khó chịu ở vùng da bị tổn thương.
- Cứng khớp
Cảm giác tê cứng quanh khớp vai mỗi sáng khi ngủ dậy, người bệnh cần phải thư giãn, xoa bóp và làm nóng khớp một thời gian thì mới trở về trạng thái bình thường.
- Hạn chế khả năng vận động
Khó khăn khi thực hiện các động tác như nâng, nhấc tay, xoay vai, cử động cánh tay. Nếu người bệnh ngại vận động thì lâu ngày còn dễ bị yếu cơ thậm chí teo cơ.
- Các triệu chứng khác: Tiếng lục khục khi vận động khớp vai, yếu cơ, tê tay…
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp vai
Thoái hóa khớp vai thường liên quan tới yếu tố tuổi tác với tỷ lệ người trên 50 tuổi mắc bệnh cao hơn. Đây là biểu hiện của lão hóa sụn khớp theo thời gian.
Ngoài ra còn có một số yếu tố khác gây bệnh này như:
- Giới tính: Tỷ lệ nữ giới mắc cao hơn nam giới
- Bẩm sinh có khiếm khuyết ở xương khiến khớp này phát triển không bình thường, dễ bị trật khớp do liên kết ở đầu xương suy giảm.
- Hậu quả của bệnh lý: Người mắc viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm trùng, bệnh gút… thì có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
- Chấn thương: Người có tiền sử từng bị gãy xương, trật khớp và đã từng phẫu thuật khớp vai thì có nguy cơ thoái hóa cao hơn.
- Chấn thương mãn tính do căng thẳng khớp vai: Thường xuyên khiến khớp vai bị chịu áp lực lớn như nâng vật, xách nặng, ném, luyện tập quá sức, vận động viên cử tạ, chơi tennis… có thể khiến khớp này bị tổn thương và dễ thoái hóa về lâu về dài.
- Thói quen sinh hoạt xấu: Nằm ngủ nghiêng một bên vai, ngồi lệch vai, đứng lệch vai… lâu ngày khiến khớp vai bị sai lệch, dễ tổn thương hơn.
- Di truyền: Tiền sử gia đình có người từng mắc thoái hóa khớp hoặc một bệnh xương khớp nào đó.
- Thiếu dinh dưỡng: Bữa ăn không đủ chất, thiếu hụt canxi, vitamin, phốt pho…. làm tăng nguy cơ loãng xương và khiến sụn khớp suy yếu sớm.
- Thừa cân, béo phì: Làm tăng áp lực từ trọng lượng cơ thể lên khớp vai.
Đối tượng nguy cơ của bệnh thoái hóa khớp vai
Thoái hóa khớp vai có thể gặp ở bất cứ ai nhưng thường những đối tượng sau thì dễ mắc bệnh nhất:
- Phụ nữ
- Người trên 50 tuổi
- Người hay lao động nặng
- Người chơi thể thao cường độ cao
- Người có tiền sử chấn thương, viêm xương khớp vai.
- Người bị khiếm khuyết bẩm sinh do di truyền
- Người bị béo phì.
Mức độ nguy hiểm của bệnh thoái hóa khớp vai
Ngoài phải chịu đựng những cơn đau đớn nghiêm trọng, người bệnh còn phải gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần khác như:
- Mất ngủ: Khi bệnh trở nặng, cơn đau ở vai có thể dữ dội ngay cả vào buổi tối hoặc trong khi ngủ. Điều này khiến người bệnh khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần.
- Trầm cảm: Là hệ quả của chứng mất ngủ kéo dài với những biểu hiện tâm lý như lo lắng, nóng giận, gắt gỏng vô cớ…
- Phát triển thành gai xương: Đây là hệ quả về lâu dài khi sụn khớp vị mài mòn quá nhiều khiến cơ thể nhầm lẫn và tự tổng hợp thêm các tế bào xương để bù đắp vào phần thiếu hụt.
- Yếu, teo cơ: Xảy ra khi người bệnh vì quá đau mà ngại vận động trong thời gian dài hoặc do gai xương chèn ép quá mức dây thần kinh, làm mất khả năng vận động chi trên.
- Biến chứng khác: Viêm khớp vai, hoại tử xương, gãy xương bệnh lý, đứt dây chằng…
Kỹ thuật chẩn đoán thoái hóa khớp vai
1. Chẩn đoán lâm sàng
Dựa trên các triệu chứng và qua thăm hỏi về tiền sử bản thân và gia đình. Cụ thể:
- Kiểm tra tiền sử có bị chấn thương không hoặc mắc bất cứ khiếm khuyết hay từng phẫu thuật khớp vai hay chưa…
- Kiểm tra tiền sử gia đình có người mắc bệnh xương khớp hay không
- Xác định cân nặng cơ thể.
- Mô tả lại triệu chứng xuất hiện ở vai, kiểu đau, cấp độ nghiêm trọng của cơn đau.
- Kiểm tra xem có bị sưng, cứng khớp hay không.
- Đánh giá khả năng chuyển động tay, vai
- Kiểm tra bệnh lý, chấn thương và yếu cơ.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
- Chụp X-quang tìm tổn thương trên xương khớp.
- Chụp cộng hưởng từ MRI để chẩn đoán chính xác và phân biệt thoái hóa khớp vai với các bệnh lý khác.
- Chụp CT để xác định các tổn thương ở khớp vai, kiểm tra mô mềm, kiểm tra khuyết tật xương…
- Siêu âm: Giúp kiểm tra tổn thương ở mô mềm, những khu vực khó phát hiện.
- Xét nghiệm: Giúp loại trừ các nguyên nhân khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, nhiễm trùng xương…
Cách điều trị bệnh thoái hóa khớp vai
Có nhiều phương án điều trị thoái hóa khớp vai như:
1. Sử dụng thuốc
- Thuốc giảm đau: Tùy vào tình trạng đau và co cứng khớp bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau phù hợp. Một số loại điển hình gồm: Paracetamol, Naproxen, codein…
- Thuốc chống viêm không chứa steroid: Sử dụng nếu có viêm kèm đau, điển hình có Aspirin, Ibuprofen hoặc Indomethacin…
- Thuốc giãn cơ: Giúp cải thiện cơn co cứng khớp, giúp giãn cơ, tăng khả năng vận động.
- Glucosamin: Kích thích chữa lành tổn thương ở sụn khớp.
- Thuốc tiêm: Tùy vào mục đích điều trị, người bệnh có thể được tiêm Cortisone, acid hyaluronic, huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào gốc…
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp cải thiện cơn đau, kiểm soát triệu chứng và hồi phục chức năng vận động cho người bệnh, phòng ngừa nguy cơ yếu cơ, liệt chi. Tùy vào tình trạng thực tế mà bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp phù hợp.
3. Biện pháp hỗ trợ giảm đau
- Tăng cường nghỉ ngơi
- Luyện tập phù hợp
- Chườm nóng/chườm lạnh
- Cố định khớp bằng đai hoặc băng cố định.
4. Phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp vai
Chỉ định trong trường hợp nghiêm trọng hoặc không cho đáp ứng điều trị với các liệu pháp thông thường. Một số phương pháp phẫu thuật tham khảo:
- Phẫu thuật thay khớp vai
- Phẫu thuật thay thế vai ngược
- Phẫu thuật cắt xương vai
- Phẫu thuật loại bỏ sụn
- Phẫu thuật tái tạo sụn
- Phẫu thuật tạo hình nhân tạo máu
Trên đây là những thông tin về bệnh lý thoái hóa khớp vai. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích. Chúc bạn đọc sức khỏe!