Gãy xẹp đốt sống thường xảy ra ở bệnh nhân loãng xương, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, điển hình là đau nhức kéo dài. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ xấu như tổn thương tủy sống. Bạn đọc quan tâm hãy cùng với bài viết tìm hiểu những thông tin hữu ích xoay quanh chứng bệnh nói trên nhé!
Gãy xẹp đốt sống là gì?
Cột sống con người được cấu tạo từ các đốt xương xếp chồng lên nhau, ngăn cách ở giữa là các đĩa đệm. Có tổng cộng 33 đốt sống nhỏ, phân bố từ gáy cho đến vùng thắt lưng.
Gãy xẹp đốt sống là tình trạng thân đốt sống xuất hiện các vết nứt, gãy, vỡ, khiến cấu trúc của đốt sống không còn toàn vẹn như ban đầu. Điều này cũng khiến cho chiều dài cột sống bị thu hẹp lại và làm giảm từ 15% đến 20% chiều cao của bệnh nhân.
Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, vết nứt gãy thường xuất hiện nhiều hơn ở cột sống ngực (đoạn T10 đến T10) và cột sống thắt lưng (đoạn L1 đến L3). Bệnh hiếm khí ảnh hưởng đến các đốt sống cổ gáy.
Gãy xẹp đốt sống thường gặp ở các bệnh nhân bị loãng xương, do cấu trúc xương vốn đã trở nên yếu và giòn hơn so với bình thường. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 170 ngàn ca bệnh gãy xẹp đốt xương sống, trong đó bệnh nhân nữ trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn cả.
Nguyên nhân gây ra gãy xẹp đốt sống
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng gãy xẹp đốt sống. Chúng gồm có:
- Chấn thương nghiêm trọng: Xương cột sống có cấu trúc chắc khỏe và ít khi bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, trừ khi đó là những chấn thương nghiêm trọng như tai nạn xe cộ. Khi đó, các đốt sống phải chịu áp lực lớn từ sự va chạm, dẫn đến hiện tượng gãy xẹp.
- Loãng xương: Như đã nêu ở trên, tình trạng gãy xẹp xương đốt sống thường gặp nhất ở người bệnh loãng xương. Điều này có liên quan mật thiết đến cấu trúc của đốt xương. Khi cơ thể không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho xương, xương sẽ trở nên giòn xopps và dễ bị tổn thương hơn. Chính vì vậy ,à người bệnh có thể bị gãy xẹp xương mà không cần có tác động từ các tác nhân bên ngoài như va đập hay chấn thương.
- Ung thư xương hoặc ung thư di căn: Có một số trường hợp người bệnh ung thư xương hoặc bị ung thư di căn vào xương cột sống gặp phải hiện tượng gãy xẹp. Nguyên nhân là vì những khối u ác tính khiến cấu trúc mô xương phân rã, không còn được chắc khỏe như ban đầu mà trở nên yếu và giòn xốp hơn.
Bên cạnh các nguyên nhân chính nói trên, cũng có một số yếu tố khiến nguy cơ bị gãy xẹp của người bệnh cao hơn bình thường. Đó là:
- Sắc tộc: Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy người châu Á và phụ nữ da trắng có tỷ lệ mắc bệnh cao.
- Tuổi tác: Người cao tuổi trên 50 cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao, nguyên nhân vì lão hóa tác động nhiều đến cấu trúc cột sống, bao gồm cả vấn đề loãng xương.
- Nghiện thuốc lá: Những người nghiện thuốc lá cũng nằm trong nhóm này. Theo một số nghiên cứu, hút thuốc thường xuyên khiến cột sống không thể hấp thụ đủ lượng oxy cần thiết để nuôi dưỡng các mô tế bào xương.
Triệu chứng gãy xẹp đốt sống
Người bệnh gãy xẹp đốt sống có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Những cơn đau xuất hiện âm ỉ ở vùng xảy ra tổn thương. Nếu nhiều đốt sống cùng lúc gãy xẹp, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại, cúi người, vặn xoắn người,…
- Chiều cao giảm sút tuy nhiên triệu chứng này thường khó nhận biết quá mắt thường, nhất là khi chỉ có khoảng 1 đến 2 đốt sống gãy xẹp.
- Hình dáng cột sống biến dạng, có thể cong hơn, khiến người bệnh bị gù lưng.
Đối với các trường hợp gãy nén nghiêm trọng, người bệnh còn có thể bị khó thở hay rối loạn hệ thống tiêu hóa. Nguyên nhân là vì các đốt sống gãy xẹp đã chèn ép lên các dây thần kinh và mạch máu xung quanh đó.
Gãy xẹp đốt sống nguy hiểm hay không?
Tình trạng này nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, ví dụ như:
- Cơn đau dữ dội khiến cuộc sống thường ngày bị xáo trộn. Tình trạng này có thể kéo dài lâu ngày, khiến giấc ngủ và sức khỏe tinh thần ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Khả năng vận động suy giảm, thậm chí người bệnh không thể tự mình thực hiện những công việc đơn giản.
- Cơ quan nội tạng bị ảnh hưởng, ví dụ như tim, phổi, dạ dày,… do đốt sống gãy xẹp chèn ép lên ổ bụng hoặc lồng ngực.
Gãy xẹp đốt sống chẩn đoán thế nào?
Sau khi xem xét các dấu hiệu lâm sàng bên ngoài, các bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán chuyên sâu thông qua các biện pháp sau:
- Kiểm tra hình ảnh: Các loại xét nghiệm như X-quang, MRI, chụp tủy đồ, CT,.. có thể giúp bác sĩ quan sát rõ nhất hình ảnh của cột sống và xác định những khu vực xảy ra hiện tượng gãy xẹp hay cong vẹo bất thường.
- Đo mật độ xương: Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây gãy xẹp có liên quan đến loãng xương, các bác sĩ sẽ tiến hành đo mật độ xương. Xét nghiệm này giúp xác định mức độ các tế bào xương và tình trạng thiếu hụt canxi bên trong.
Điều trị gãy xẹp đốt sống
Các biện pháp điều trị gãy xẹp xương đốt sống hiện nay gồm có:
- Điều trị bảo tồn: Nếu tình trạng của bệnh nhân không quá nghiêm trọng và xương có thể tự hồi phục về sau, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn để cải thiện triệu chứng. Các biện pháp này gồm có: Sử dụng thuốc giảm đau NSAIDs, thuốc tăng xương, sử dụng nẹp lưng hỗ trợ và xây dựng lối sống lành mạnh.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn và có nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến các bộ phận khác, người bệnh nên lựa chọn phương án phẫu thuật. Phẫu thuật gãy nén hiện có nhiều loại hình khác nhau, ví dụ như tạo hình cột sống, Kyphoplasty, hợp nhất cột sống. Tùy theo từng ca bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn, trao đổi phương án với người bệnh.
Gãy xẹp đốt sống là tình trạng các đốt xương cột sống bị gãy nén hoặc nứt vỡ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Chính vì vậy, mọi người không nên chủ quan khi gặp phải những cơn đau nhức vùng lưng kéo dài dai dẳng mà nên đặt lịch thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.