Khớp vai có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều bộ phận khác của cơ thể. Do đó, khi bạn bị đau vai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và vận động hàng ngày. Thêm vào đó, đau vai có thể báo hiệu nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Tìm hiểu về chứng đau vai
Vai là một trong những bộ phận có cấu trúc phức tạp, hoạt động linh hoạt và liên kết với nhiều phần của cơ thể. Khớp vai bao gồm: khớp ổ chảo và khớp cùng vai đòn. Đây là khớp giúp giữ đúng vị trí của chỏm xương cánh tay trong ổ khớp.
Đau vai là tình trạng vùng vai bị đau nhức. Tình trạng này phổ biến ở nhiều đối tượng khác nhau. Trung bình cứ 5 người thì có 1 người từng bị đau vai trong cuộc đời.
Chứng đau vai có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, phổ biến nhất là những người trung niên và cao tuổi do sự lão hóa tự nhiên ở khớp vai khiến cơn đau dai dẳng và khó phục hồi.
Triệu chứng của đau vai
Triệu chứng đau vai ở mỗi người bệnh là khác nhau. Tuy nhiên, các biểu hiện thường gặp nhất của bệnh là:
- Người bệnh khó cử động vai, hoạt động vai không linh hoạt.
- Các cơn đau vai xuất hiện từ trong phần khớp, phía trước hoặc sau và trên cánh tay.
- Cảm giác mất lực ở vai và cánh tay.
- Người bệnh thường xuyên gặp cảm giác đau rát, ngứa ran và giảm vận động vai.
- Các cơn đau vai tăng nặng hơn khi người bệnh vận động mạnh, ban đêm hoặc sáng sớm sau khi ngủ dậy.
Nguyên nhân gây đau vai
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau vai. Trong đó, dưới đây là một số nguyên nhân tiêu biểu gây bệnh:
Do chấn thương
Các chấn thương ở vùng vai khi chơi thể thao hay các môn cần sức mạnh của tay, vai như cầu lông, bóng chuyền, cử tạ, bơi lội… đều có thể dẫn đến chứng đau vai. Ngoài ra, các chấn thương khác như do tai nạn giao thông, làm việc sai tư thế cũng ảnh hưởng đến phần khớp vai gây đau vai.
Khớp vai bị trật
Khớp vai bị trật là một trong những chấn thương phổ biến nhất của trật khớp. Tình trạng này xảy ra khiến người bệnh đối mặt trực tiếp với các cơn đau nhức nhối khó chịu. Trật khớp vai có thể gây biến dạng cánh tay bằng mắt thường. Tình trạng này thường do cử động sai, mang vác vật nặng, chấn thương…
Thoái hóa khớp vai
Theo thời gian, khớp vai dễ bị thoái hóa do hậu quả của tình trạng sụn khớp bị hư tổn, cọ xát khi cử động. Khi một người bị thoái hóa khớp vai sẽ đối mặt với vấn đề sưng đau vai, cứng khớp, khó khăn trong vận động và sinh hoạt.
Viêm khớp quanh vai
Tình trạng viêm quanh khớp vai là tình trạng phần sụn và xương khớp ở khớp vai bị tổn thương và đau nhức. Các cơn đau lan tỏa tới bả vai, cánh tay, xương tay… khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng vận động, yếu và teo khớp vai.
Đông cứng khớp
Đông cứng khớp thường xảy ra ở người bệnh đái tháo đường, cường giáp, bệnh tim, Parkinson… khiến khớp bị cứng và khó vận động.
Bệnh lý cột sống cổ và ngực trên
Các bệnh lý liên quan đến cổ và ngực trên cũng có thể gây ra cơn đau ở vai. Cơn đau này thường xuất phát từ cổ đến lưng và lan xuống phía sau khớp vai khiến người bệnh đau vai và khó cử động tay.
Các bệnh lý khác
Ngoài các bệnh lý trên, một số bệnh lý có thể dẫn đến chứng đau vai như: đau thắt lưng, sỏi mật, viêm phổi, ung thư phổi, đau tim…
Ngoài ra, có một số nguyên nhân không được kể đến ở đây cũng có thể tăng nguy cơ đau vai, khó chịu cho người bệnh. Để cải thiện chứng đau vai nhanh, người bệnh cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp xử lý kịp thời.
Đau vai có nguy hiểm không?
Đau vai không nguy hiểm nếu do vấn đề căng cơ, chấn thương ở vai. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh vùng vai. Tuy nhiên, nếu bạn đối mặt với các vấn đề như sốt, khó cử động vai, bầm tím và đau xung quanh khớp. Bạn nên xác định nguyên nhân để có phương pháp xử lý kịp thời.
Bởi tình trạng đau vai này có thể là biểu hiện của một bệnh lý nguy hiểm về xương khớp hoặc các cơn đau tim dữ dội. Đau vai sẽ nguy hiểm hơn nếu kèm theo các triệu chứng như: tức ngực, khó thở, chóng mặt, đổ mồ hôi, cứng vai không vận động được…
Các phương pháp chẩn đoán đau vai
Có nhiều phương pháp để chẩn đoán tình trạng đau vai như chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, trong đó:
Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử và triệu chứng của người bệnh. Sau đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra vai để đánh giá biến dạng và mức độ cơn đau ở vai.
Xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh sẽ giúp xác định chính xác tình trạng và mức độ bị đau vai của người bệnh. Bao gồm các xét nghiệm:
- Chụp X-quang: Phát hiện các tổn thương ở vùng xương khớp vai.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Xác định chi tiết hình ảnh vị trí, kích thước tổn thương ở khu vực vai.
Ngoài ra, nếu nghi ngờ tình trạng đau vai do một bệnh lý khác gây nên. Các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán riêng biệt để loại bỏ nguyên nhân do bệnh lý khác.
Các phương pháp điều trị đau vai
Để có thể điều trị tình trạng đau vai được dứt điểm, người bệnh cần xác định được nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số cách giúp giảm thiểu tình trạng đau vai hiệu quả:
Nghỉ ngơi thư giãn tại nhà
Nghỉ ngơi là cách giúp vai gáy được thư giãn, giảm nguy cơ viêm nhiễm, sưng và phòng ngừa tình trạng nặng hơn các cơn đau xương khớp. Lúc này, người bệnh nên hạn chế vận động mạnh, mang vác đồ nặng để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của khớp vai.
Chườm lạnh hoặc chườm nóng
Phương pháp này giúp giảm nhanh các cơn đau cấp tính hoặc chấn thương. Bạn có thể sử dụng đá lạnh hoặc làm nóng các dược liệu thiên nhiên để chườm lên vùng bị đau. Điều này giúp cải thiện nhanh chứng đau nhức vai khá tốt.
Điều trị bằng thuốc
Để điều trị chứng đau vai, người bệnh thường được các bác sĩ kê loại thuốc chống viêm giảm đau và thuốc tiêm. Có thể kể đến như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Loại thuốc này có thể theo đơn hoặc không theo đơn được dùng để điều trị chứng đau vai do các bệnh lý về viêm gây nên. Thuốc giúp giảm nhanh chứng đau nhức, khó chịu ở người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc tiêm steroid: Đây là loại thuốc tiêm giúp giảm đau và hỗ trợ xương khớp hoạt động tốt hơn. Người bệnh chỉ sử dụng theo chỉ định y khoa, không tự ý dùng để điều trị bệnh.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp rất ít khi được lựa chọn trong điều trị bệnh lý đau vai. Phương pháp này chỉ được dùng khi cơn đau nghiêm trọng, xuất hiện những biến chứng ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Người bệnh cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ nếu cần thực hiện phương pháp phẫu thuật. Sau quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được phục hồi bằng các bài tập vật lý trị liệu cũng như tăng cường khả năng vận động.
Nhìn chung, đau vai là một chứng bệnh phổ biến và gặp nhiều trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan mà cần có những biện pháp xử lý, điều trị kịp thời. Chúc bạn nhanh khỏi bệnh!