Cơ tim cùng với cơ xương và cơ trơn là ba loại cơ trong cơ thể người. Hoạt động của cơ tim gắn liền với hoạt động của tim, đóng vai trò quan trọng trong việc tuần hoàn máu. Do đó, việc tìm hiểu về cơ tim là rất cần thiết. Trong bài viết dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu cơ tim là gì?, chức năng của nó ra sao? và những bệnh lý liên quan.
Cơ tim là gì?
Như tên gọi, cơ tim là một loại cơ đặc biệt, nằm ở tim của cơ thể. Cơ tim giống với cơ trơn ở điểm là hoạt động phần lớn dựa trên sự điều khiển của các hooc-môn và hệ thống thần kinh tự động. Tuy nhiên, chúng cũng có thể tự co giãn một phần. Cơ tim giống với cơ xương ở điểm là có sự co duỗi tương tự.
Giữa màng ngoài tim và màng trong tim có một phần trung gian, phần này chính là tập hợp cơ tim. Hay nói cách khác, vị trí của cơ tim là nằm giữa hai lớp (lớp trong và lớp ngoài) của thành tim. Ma trận ngoại bào được tạo nên bởi thành phần chính là các sợi collagen, các sợ này bao bọc các đĩa xen kẽ. Các đĩa này giúp gắn kết các tế bào cơ tim lại để tạo thành cơ tim. Nhờ vào sự kết nối chặt chẽ này mà cơ tim có một kết cấu vững chắc, khác với cơ vân mặc dù cơ tim cũng có vân. Cũng nhờ đó, máu được đưa đi khắp các cơ quan dựa trên sự tự co bóp của tim chứ không phải dựa vào não.
Chức năng của cơ tim
Tim được biết đến là một bộ phận hoạt động bền bỉ nhất của cơ thể và cơ tim cũng vậy. Tốc độ co bóp trung bình của nó là từ 60 đến 100 lần một phút. Sự co bóp liên tục này của cơ tim đến tận khi chết đi đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống của cơ thể. Nó phải co bóp không ngừng bởi vì, chức năng của cơ tim chính là làm cho máu lưu thông khắp hệ tuần hoàn. Vì vậy, máu sẽ không được tuần hoàn đúng nhịp hoặc các cơ quan trong cơ thể sẽ không nhận được đủ lượng máu nếu cơ tim hoạt động yếu. Ngoài ra, sự co bóp của cơ tim cũng đóng vai trò ăn khớp và giúp hoạt động của tim diễn ra bình thường. Nhịp tim cũng được tạo ra nhờ sự liên kết của những tế bào máy và cơ tim.
Những bệnh lý liên quan đến cơ tim
Bệnh cơ tim
Trong các trường hợp gặp vấn đề về cơ, bệnh nhân mắc bệnh cơ tim chiếm tỉ lệ cao và tỉ lệ tử vong bởi bệnh này cũng cao. Bệnh này là hệ quả của trạng thái bất thường của cơ tim (cơ tim có thể trở nên cứng hơn hoặc dày lên hoặc giãn nở ra) khiến hoạt động của cơ tim cũng bị biến đổi. Dựa vào những trạng thái khác nhau này của cơ tim mà bệnh được chia thành ba loại bệnh nhỏ là bệnh cơ tim hạn chế, cơ tim phì đại và cơ tim giãn nở (loại thường gặp nhất).
Khi bệnh mới xuất hiện hay khi cơ tim mới bắt đầu có sự biến đổi khác thường, cơ thể sẽ không biểu hiện dấu hiệu nào. Cho đến khi bệnh diễn tiến qua giai đoạn đầu, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau: mệt mỏi, khó thở và khi nằm xuống dễ bị ho. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy bị chèn ép và đau tức vùng ngực cùng với nhịp tim bị rối loạn khi vận động hoặc tập thể dục. Người bệnh thậm chí còn có thể bị chóng mặt dẫn đến ngất xỉu. Nặng hơn, khi máu đông được hình thành sẽ cản trở việc lưu thông máu dẫn đến đột quỵ thậm chí là tử vong.
Có hai phương pháp điều trị bệnh cơ tim là điều trị nội khoa và phẫu thuật. Điều trị nội khoa bằng thuốc có hiệu quả tốt với các trường hợp chưa diễn tiến nặng. Các loại thuốc được sử dụng dựa trên cơ chế giảm dần triệu chứng, phục hồi chức năng cơ tim và tránh biến chứng nguy hiểm. Ví dụ như thuốc Corticosteroid có chức năng giảm, tiêu viêm; thuốc giảm huyết áp; thuốc điều chỉnh nhịp tim; thuốc ngăn suy tim,… Điều trị phẫu thuật gồm các phương pháp: ghép tim; cấy ghép thiết bị hỗ trợ tim và cắt bỏ cơ.
Nhồi máu cơ tim
Động mạch vành trái và phải là hai nhánh mạch bơm máu, hỗ trợ hoạt động của tim. Khi một phần của một hoặc cả hai nhánh này bị tắc, cơ thể sẽ bị nhồi máu cơ tim. tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu làm chết một vùng cơ tim nên hoạt động bơm máu không còn được đảm bảo nữa, từ đó người bệnh có thể bị suy tim. Xơ vữa động mạch là tác nhân chính gây ra bệnh.
Bệnh có vô số các triệu chứng khác nhau như: nôn, buồn nôn; chóng mặt, ngất xỉu; huyết áp không ổn định; khó thở và đánh trống ngực. Bệnh nhân thường xuyên dễ rơi vào trạng thái hồi hộp, lo lắng hay hoảng sợ. Triệu chứng điển hình là những cơn đau thắt ngực dài hơn 20 phút từ nhẹ với đến dữ dội, bệnh nhân có thể thấy ngực nóng rát hoặc bị siết chặt. Thậm chí, một số trường hợp không bắt gặp các biểu hiện cụ thể như trên mà chỉ có cảm giác khó chịu xung quanh thượng vị hoặc chỉ thấy người hơi mệt.
Có thể thấy, nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều trị chính gồm hai phương pháp can thiệp mạch vành (làm thông mạch máu) và mổ bắc cầu mạch vành (ghép mạch máu ở nơi khác vào trước và sau đoạn tắc để làm cầu nối cho máu đi qua). Phương pháp thứ nhất bệnh nhân vẫn tỉnh táo khi bác sĩ thao tác còn phương pháp thứ hai bệnh nhân được gây mê trước khi phẫu thuật. Bên cạnh điều trị chính, bệnh nhân được điều trị hỗ trợ bằng việc sử dụng thuốc điều chỉnh nhịp tim; thuốc hỗ trợ co bóp tim về sau hoặc hỗ trợ thở bằng bình oxy nếu cần thiết.
Cơ tim tuy chỉ là một phần nhỏ trong cấu tạo của tim nhưng lại có vai trò hết sức to lớn. Nhờ hoạt động của cơ tim mà việc tuần hoàn máu mới được duy trì và từ đó cá hoạt động trong cơ thể mới diễn ra bình thường. Chính bởi vậy mà vấn đề ở cơ tim sẽ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm. Mọi người nên theo dõi sức khỏe tim mạch thường xuyên và duy trì chế độ ăn uống, vận động lành mạnh để tránh gặp các vấn đề liên quan.