Châm cứu điều trị xương khớp là một phương pháp chữa trị trong Y học cổ truyền được áp dụng từ nhiều đời nay. Triệu chứng đau nhức, tê bì, co cứng… do các bệnh lý xương khớp gây ra được cải thiện đáng kể khi áp dụng phương pháp này.
Châm cứu là gì?
Theo Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (nguyên Phó khoa Đông y Bệnh viện YHCT Quân đội), châm cứu là phương pháp điều trị sử dụng kim châm có kích thước khác nhau kết hợp với sức nóng để tác động vào huyệt đạo trên cơ thể. Mục tiêu hướng đến của phương pháp này là:
- Giải phóng nguồn năng lượng trên 14 đường kinh mạch của cơ thể
- Điều hòa và giúp cơ thể duy trì các hoạt động bình thường
- Giảm đau tự nhiên
- Cải thiện tuần hoàn máu
- Giãn cơ, làm mềm khớp
Như tên gọi, châm cứu được chia thành châm và cứu. Đây là 2 hình thức hoàn toàn khác nhau. Châm chỉ việc dùng kim châm xuyên vào da, tác động lên huyệt đạo. Cứu là hình thức hơ nóng huyệt vị bằng lá ngải khô. Khi kết hợp 2 hình thức với nhau tạo thành quá trình châm cứu đảm bảo hiệu quả.
Châm cứu được ứng dụng trong chữa nhiều loại bệnh trong đó nổi bật nhất là xương khớp như đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống… Thống kê của WHO cho thấy phương pháp đạt được hiệu quả tốt trên 40 loại bệnh khác nhau.
Dựa vào vị trí, châm cứu được chia thành 6 loại lần lượt là: thể châm (châm các huyệt trên cơ thể), diện châm (châm cứu ở các huyệt trên mặt), nhĩ châm (huyệt ở tai), tỵ châm (huyệt mũi), túc châm (châm ở khu vực chân), thủ châm (huyệt ở tay).
Dựa theo loại kim châm, Y học chia châm cứu thành 5 loại bao gồm:
- Hào châm – dùng kim châm nhỏ
- Trường châm – dùng kim châm dài
- Kim ba cạnh
- Nhĩ hoàn – kim cài loa tai
- Mai hoa châm – dùng 5 đến 7 kim châm nhỏ cắm và một cán gỗ, sau đó gõ lên bề mặt da.
Nguyên tắc châm cứu điều trị xương khớp
Triết lý của Y học cổ truyền được ghi chép và truyền từ ngàn đời nay rằng: Cơ thể con người có một hệ thống kinh mạch chạy khắp cơ thể. Phần lớn các kinh mạch này sẽ trùng khớp với đường đi của dây thần kinh, đảm nhận nhiệm vụ lưu thông năng lượng và chất dinh dưỡng. Huyệt đạo nằm trên đường kinh mạch có những tác động nhất định đến hoạt động thường ngày của cơ thể.
Các bác sĩ Y học cổ truyền cũng nhấn mạnh, bệnh xương khớp và nhiều bệnh lý khác hình thành là do sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Trong đó, âm thuộc về tạng, trong, dưới… còn dương thuộc về phủ, khí, lưng… Âm dương mất cân bằng, khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể giảm, tạo điều kiện cho ngoại tà xâm nhập. Hệ thống kinh mạch lúc này cũng bị tắc nghẽn, năng lượng và chất dinh dưỡng không thể lưu thông.
Dựa theo nguyên lý trên, các bác sĩ sẽ sử dụng các loại kim châm cứu vào các huyệt đạo nằm trên hệ thống kinh mạch để kích thích dòng năng lượng được lưu thông khắp cơ thể. Quá trình này cũng đồng thời cân bằng lại âm dương, tuần hoàn khí huyết, điều hòa kinh lạc. Cơ thể người bệnh do vậy được khỏe mạnh hơn.
Với bệnh lý cụ thể như xương khớp, các triệu chứng đau nhức, tê mỏi, sưng viêm ở vùng cột sống – xương khớp bị tổn thương được kiểm soát tốt nhờ việc châm cứu. Dựa theo nguyên tắc cơ bản của châm cứu trong Y học cổ truyền, các bác sĩ sẽ tác động vào huyệt đạo, cân bằng lại âm dương, tăng cường lưu thông khí huyết, loại trừ các yếu tố gây hại ra khỏi cơ thể, đặc biệt là bồi bổ 5 tạng 6 phủ để nâng cao chính khí nhằm đẩy lùi bệnh xương khớp, nâng cao sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, với các trường hợp người bệnh xương khớp có triệu chứng chèn ép dây thần kinh, tủy sống gây tê bì, ngứa ngáy như kiến bò, phương pháp cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hiệu quả phòng ngừa biến chứng như bại liệt, biến dạng khớp, tê liệt chân tay… nhờ châm cứu cũng được đánh giá rất cao.
Tác dụng cụ thể của phương pháp châm cứu điều trị xương khớp cụ thể như sau:
- Giảm đau: Kim châm tác động vào huyệt đạo bị chèn ép, lưu thông khí huyết đến vùng xương khớp tổn thương, từ đó giảm đau từ sâu bên trong. Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra, dưới sự tác động của kim châm cơ thể sẽ sản sinh ra một loại hormone giúp giảm đau tự nhiên gọi là Endorphin và chất kháng viêm tự nhiên gọi là Steroid.
- Hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp: Thông thường, châm cứu sẽ được kết hợp với các bài thuốc Nam dân gian, bài thuốc Đông y được nghiên cứu bài bản để đẩy lùi bệnh. So với nhiều phương pháp, cách chữa như vậy đảm bảo không gây ra tác dụng phụ, đảm bảo hiệu quả điều trị lâu dài, ổn định.
Theo Y học cổ truyền, các bệnh xương khớp được xếp vào 3 thể là phong thấp nhiệt tý, thấp nhiệt thương âm, đàm ứ ở kinh lạc. Ở mỗi thể, các triệu chứng và tính chất của bệnh sẽ khác nhau, Bác sĩ sẽ dựa vào đó để xác định các huyệt đạo cần tác động.
Ví dụ:
- Người bệnh đau thần kinh tọa sẽ được tác động vào các huyệt như Túc tam lý, Thận du, Đại trường du
- Người bệnh đau lưng được tác động vào huyệt đạo như Ủy trung, Thận du, Thứ liêu, Hoàn khiêu
- Châm cứu điều trị bệnh xương khớp thoái hóa khớp gối bác sĩ sẽ tác động vào huyệt Tất nhãn, Độc tỵ., Huyết hải…
Quy trình thực hiện châm cứu điều trị xương khớp
Quy trình diễn ra tương đối phức tạp và bắt buộc phải do bác sĩ hoặc người có chuyên môn về lĩnh vực này thực hiện. Người bệnh không được tự ý làm để tránh các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng nếu tác động sai huyệt đạo.
Quy trình châm cứu sẽ diễn ra như sau:
- Bước 1: Xác định huyệt vị cần châm cứu, sát trùng vùng da khu vực huyệt đạo. Chuẩn bị kim châm có kích thước phù hợp.
- Bước 2: Đẩy kim vào các huyệt đạo đã xác định. Đến khi đạt được đắc khí thì dừng lại. Kim châm lúc này sẽ mút chặt tại vị trí huyệt được châm.
- Bước 3: Rút kim và sát khuẩn vùng da vừa thực hiện châm. Người bệnh cần được theo dõi phản ứng sau khi châm để tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
Trên đây là tổng hợp của chúng tôi về phương pháp châm cứu điều trị xương khớp. Việc điều trị bằng phương pháp này hiệu quả, an toàn nên người bệnh hoàn toàn có thể tham khảo và áp dụng chữa trị khi cần thiết.