Xương trụ là một loại xương dài trong cẳng tay. Đây cũng là xương ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cánh tay, khuỷu tay và cổ tay. Để hiểu rõ hơn về loại xương này, mời bạn tìm hiểu về cấu trúc, chức năng và các bệnh lý liên quan qua bài viết!
Vị trí của xương trụ
Xương trụ nằm ở bên trong của cẳng tay và bên cạnh xương quay. Xương trụ có hình lăng trụ, là xương có kích thước dài, độ dài từ khuỷu tay đến ngón tay. Khi so sánh xương trụ với xương quay, ta sẽ thấy xương trụ dài hơn nhưng lại mảnh hơn.

Hai điểm tiếp nối của xương trụ là khớp khuỷu (ở đầu trên) và khớp cổ tay (ở đầu dưới). Các bộ phận khớp khuỷu, xương trụ và khớp cổ tay giúp đảm bảo hoạt động của cánh tay, hỗ trợ con người cử động như mong muốn.
Cấu trúc của xương trụ
Xương trụ là một trong hai xương dài trong cẳng tay (bên cạnh xương quay). Loại xương này có cấu trúc có 2 đầu xương và 1 thân xương. Trong đó:
Hai đầu xương
Hai đầu xương của xương trụ đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc xương. Về phần đầu xương trên, có cấu trúc gồm mỏm khuỷu, mỏm vẹt, khuyết ròng rọc và khuyết quay:
- Mỏm khuỷu: Có cấu trúc hình tháp 4 mặt, hình thái nhô ra phía sau và nổi rõ khi gấp cẳng tay.
- Mỏm vẹt: Có hình ảnh nhô ra phía trước. Mặt trên của mỏm vẹt đóng vai trò liên kết với phần dưới của khuyết ròng rọc.
- Khuyết ròng rọc: Còn được gọi là hõm Sigma lớn, có hình bán nguyệt khớp với ròng rọc xương cánh tay. Khuyết ròng rọc tạo thành bởi mặt trên mỏm vẹt và mặt dưới mỏm khuỷu.
- Khuyết quay: Còn gọi là hõm Sigma nhỏ, nằm ở mặt bên ngoài của mỏm vẹt, có tác dụng nối với xương quay.
Phần đầu xương dưới: Lồi thành hình chỏm nhỏ, khớp vòng với khuyết trụ xương quay. Phía trong có mỏm trâm trụ, có dĩa sụn sợi tam giác, ngăn cách đầu dưới của xương trụ với phần xương cổ tay.
Thân xương
Thân xương trụ có hình lăng trụ tam giác 3 mặt, 3 bờ. Trong đó:
3 mặt của thân xương trụ bao gồm:
- Mặt trước: Mặt trước của thân xương có nửa trên hình dáng hơi lõm, ở giữa có lỗ dưỡng cốt. Phần phía dưới của mặt trước hơi lồi và có cơ gấp chung nông và cơ sấp vuông bám
- Mặt trong: Mặt trong của thân xương trụ có phần phía trên ghề ghề, nơi đây có cơ gấp các ngón tay bám, phía dưới của mặt trong hình dạng trơn nhẵn.
- Mặt sau: Mặt sau của thân xương trụ có phần phía trên lồi, phía dưới thu hẹp và lõm hơn. Ở mặt sau có diện hình tam giác cơ khuỷu bám và gờ thẳng chia mặt sau thân xương thành 2 phần trong và ngoài.
3 bờ của thân xương trụ bao gồm:
- Bờ trước: Bờ trước của thân xương trụ khá nhẵn, trên có cơ gấp chung sâu, dưới có cơ sấp vuông bám.
- Bờ sau: Bờ sau của thân xương trụ có hình dạng chữ S, thân tỏa ra làm hai nhánh ôm lấy phần mỏm khuỷu. Bờ này có thể sờ và cảm nhận được ở dưới da.
- Bờ ngoài: Bờ ngoài của thân xương trụ nằm ở phía ngoài của bờ trước, sắc và mảnh. Bờ ngoài chia làm hai ngành ôm lấy phần khuyết quay, có màng liên cốt bám ở mặt nhãn phía dưới.
Chức năng của xương trụ
Chức năng của xương trụ là kết nối khớp cổ khuỷu và khớp cổ tay. Do đó, xương trụ giúp hỗ trợ chuyển động của toàn bộ cánh tay, đảm bảo khả năng vận động, cầm nắm của con người. Các chức năng chính của xương trụ có thể được chia ra thành:
Đảm bảo hoạt động của cẳng tay
Xương trụ cùng với xương quay là hai xương quan trọng duy trì hoạt động và sức khỏe phần cẳng tay. Ngoài ra, hai xương này cũng giúp liên kết chặt chẽ với các bộ phận khác để tạo nên khớp khuỷu tay và cổ tay. Nhờ sự kết hợp này giúp con người có thể cử động cánh tay, cổ tay và khuỷu tay linh hoạt theo ý muốn.

Linh hoạt hơn trong sinh hoạt hàng ngày
Nhờ khả năng sấp, ngửa linh hoạt của xương trụ giúp cánh tay linh hoạt hơn trong các sinh hoạt hàng ngày. Khi con người ngửa hoặc sấp bàn tay ra, hai xương trụ và xương quay sẽ nằm song song nhau, lúc này xương quay nhanh chóng quay quanh xương trụ.
Các thao tác sấp ngửa bàn tay là rất quan trọng cho các động tác sinh hoạt và lao động hàng ngày của con người. Do đó, xương trụ đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động của cơ thể.
Hỗ trợ hoạt động kết nối với các cơ xương khác
Để xương cánh tay có thể hoạt động tốt đòi hỏi xương trụ cần thực hiện các chức năng kết nối linh hoạt. Do đó, xương trụ giúp hỗ trợ con người cử động các xương khớp khác liên quan đến phần cẳng tay như cổ tay, xương bàn tay…
Các bệnh lý liên quan đến xương trụ
Gãy xương trụ
Gãy xương trụ là một trong những tình trạng thường gặp ở xương trụ. Tình trạng này khiến người bệnh bị đau và xương có xu hướng sưng tấy, biến dạng. Lúc này cẳng tay khó giữ tư thế thẳng mà sẽ bị gập xuống. Người bệnh có thể nghe tiếng “rắc” khi cử động tay.
Gãy xương trụ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cánh tay. Nếu không xử lý kịp thời, tình trạng này có thể gây sưng, biến dạng rất nguy hiểm.
Các điều trị gãy xương trụ: Các bác sĩ sẽ thực hiện chụp X-quang để xác định tình trạng bệnh. Từ đó, người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị như: bó bột trong khoảng 4-6 tuần, vật lý trị liệu… Trường hợp vết gãy hở sẽ được thực hiện phẫu thuật để phòng ngừa nhiễm trùng.
Đau cổ tay trụ
Vị trí cổ tay là vị trí khớp nối giữa bàn tay và cẳng tay. Khi xương trụ dài hơn xương quay có thể khiến người bệnh bị đau cổ tay trụ. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như: gãy xương ở cổ tay, viêm khớp giữa các xương, xương trụ chèn ép, viêm dây chằng, có khối u chèn ép…
Tình trạng đau cổ tay trụ có thể khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, khó chịu khi cử động. Ngoài ra, người bệnh sẽ khó khăn hơn trong quá trình vận động. Do đó, người bệnh cần thăm khám y tế để xác định nguyên nhân và có phương pháp xử lý đúng cách.
Điều trị đau cổ tay trụ có thể là quá trình giảm hoạt động, bó bột hoặc nẹp kết hợp sử dụng thuốc. Trường hợp bệnh nặng, các bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật phù hợp.
Một số thói quen gây tổn thương xương trụ
Các thói quen hoặc hành động tác động đến tình trạng và cấu trúc xương trụ là:
- Chơi hoặc tập luyện thường xuyên các bộ môn dễ chấn thương tay như đấm bốc, tennis, cầu lông, trượt ván, bóng đá…
- Vật lộn, đánh nhau, xô xát có thể ảnh hưởng đến phần cẳng tay.
- Thường xuyên mang vác các vật nặng, dùng sức phần cẳng tay, mang vác không đúng tư thế.
- Người bị thoái hóa xương khớp tham gia các hoạt động thể thao.
- Người bổ sung thiếu chất, canxi khiến xương dễ gãy, loãng xương…
Trên đây là những tổng quan về xương trụ và các vấn đề liên quan. Hy vọng những thông tin trên giúp bạn có thêm kiến thức về vị trí, cấu trúc, chức năng và các bệnh lý liên quan.