Xương chậu hay còn được gọi là xương dẹt. Chúng do ba xương nhỏ tạo thành là: Xương ngồi ở sau dưới, xương mu ở trước và xương cánh chậu ở trên. Bộ phận này có vị trí và chức năng vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Để tìm hiểu kỹ hơn về xương chậu, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Vị trí của xương chậu
Xương chậu là bộ phận chiếm vị trí khá lớn, kéo dài từ phần xương mu đến bẹn và bao quanh khu vực hông tới đùi. Nó nằm ở phần cuối của cột sống thắt lưng và vây quanh xương cột sống dưới.
Theo cách hiểu thông thường thì xương chậu nằm ở giữa đùi và bụng, thuộc phần thân dưới của con người.
Xương chậu có cấu tạo như thế nào?
Xương chậu được cấu tạo từ 4 bờ, 2 mặt, 4 góc và có hình thù dạng cánh quạt. Cụ thể các bộ phận có cấu tạo chi tiết như sau:
4 bờ của xương chậu
Cấu tạo 4 bờ của xương này bao gồm: bờ trước, bờ sau, bờ trên và bờ dưới. Cụ thể như sau:
- Bờ trước: Bao gồm các bộ phận là: Gai chậu trước trên, khuyết nhỏ, gai chậu trước dưới, diện lược, mào lược, gai nhu. Hình dạng lồi lõm từ phía trên xuống dưới.
- Bờ sau: Gồm các bộ phận: Gai chậu sau trên, gai chậu sau dưới, khuyết ngồi lớn, gai nhỏ, khuyết ngồi bé, Ụ ngồi. Có hình dạng tương tự như bờ trước.
- Bờ trên (mào chậu): Có hình dáng cong chữ S, mỏng ở giữa, dày ở trước và sau.
- Bờ dưới (ngành ngồi mu): Do xương mu và xương ngồi hình thành lên.
2 mặt của xương chậu
Xương chậu có 2 mặt là mặt trong và mặt ngoài, với kết cấu như sau:
- Mặt trong: Được chia làm 2 phần bởi một gồ nhô lên. Phần dưới là lỗ bịt và diện vuông. Phần trên là diện nhĩ sau và lồi chậu.
- Mặt ngoài: Chính giữa mặt ngoài là ổ cối khớp và chỏm xương đùi. Bao quanh có vành ổ cối nối tiếp và khuyết ổ cối. Phía trên của ổ cối là xương cánh chậu, phía dưới là lỗ bịt hình vuông hoặc tam giác. Phía sau là xương ngồi, ở phía trước có xương mu. Ở hố chậu có ba diện bám cơ mông.
4 góc của xương chậu
Cấu tạo 4 góc bao gồm:
- Góc trước trên: Tương ứng là gai chậu trước trên.
- Góc sau trên: Tương ứng là gai chậu sau trên.
- Góc trước dưới: Là phần gai mu.
- Góc sau dưới: Chính là ụ ngồi.
Các chức năng của xương chậu
Ngoài việc nâng đỡ phần trên của cơ thể và cân bằng trọng lượng khi đứng thì xương chậu có rất nhiều chức năng khác, chi tiết như sau:
Những chức năng chính
- Cung cấp các điểm bám, chịu tác động của các cơ vận động để thực hiện động tác mạnh.
- Tạo lực chống đỡ phần thân trên khi ngồi và đứng.
- Giúp cân bằng cơ thể.
Một số chức năng phụ
Bên cạnh các chức năng chính, đây còn là nơi để gắn kết cơ quan sinh sản bên ngoài và các cơ màng liên quan khác. Nó bảo vệ các cơ quan nội tạng ở ổ bụng là: đường ruột, buồng trứng, bàng quang, tử cung…Ngoài ra còn che chở cho các cơ quan sinh sản bên trong, nâng đỡ thai nhi ở phụ nữ.
So sánh xương chậu của nam giới và nữ giới
Trên thực tế thì giữa xương chậu của nam giới và nữ giới có những điểm giống và sự khác biệt khá rõ rệt, cụ thể như sau:
Điểm giống nhau
Về chức năng thì ở cả nam và nữ xương chậu đều có vai trò như nhau. Vị trí phân bổ và các bộ phận, cấu tạo cũng giống nhau.
Điểm khác nhau
- Ở nữ giới: Xương có xu hướng phát triển rộng hơn để phục vụ khả năng sinh sản, vì vậy cũng làm ảnh hưởng đến sự vận động của hai chân. Đầu và xương có hình bầu dục và lớn hơn. Có góc dưới mu từ 90-100 độ, xương có vòm lõm. Xương cùng ngắn, rộng và cong về phía sau.
- Ở nam giới: Được tối ưu hóa để vận động hai chân. Khung xương hẹp, cao và gọn, đầu vào nhỏ, có hình trái tim, mỏm xương nhô xa. Có góc dưới mu nhọn khoảng 70 độ, lỗ thoát hẹp. Xương cùng dài, hẹp và thẳng.
Những biểu hiện bất thường ở xương chậu
Nếu như bạn gặp phải một trong số những biểu hiện dưới đây, rất có thể xương chậu của bạn đang có những bất thường.
- Khi đi đại tiện cảm thấy đau bụng, phân có mùi lạ kèm máu.
- Sau khi ngủ dậy thấy xương vùng mông bị tê cứng.
- Thấy tê cứng chân và đau khớp vùng xương chậu.
- Có hiện tượng teo mông, teo vùng mông đùi, đau vùng xương chậu có thể lan lên đến lưng và đùi.
- Cảm thấy lạnh, người sốt, buồn nôn… khi quan hệ tình dục và đau vùng xương chậu.
- Có biểu hiện đau khi đứng lên, ngồi xuống, xoay người hoặc vận động mạnh.
Một số bệnh lý thường gặp ở xương chậu
Các bệnh thường gặp ở vùng xương này là: Giãn, viêm, gãy xương chậu hoặc viêm khớp cùng chậu.
Ngoài ra, còn có các bệnh lý khác khi bị giãn xương chậu là: Sỏi thận, viêm đường tiết niệu, xoắn tiểu, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, viêm đại tràng, viêm khớp, trĩ, táo bón, lạnh bụng, đau bụng kinh, thai ngoài tử cung, viêm ruột thừa, lậu, sa sinh dục, ung thư âm hộ…
Cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh ở xương chậu
Việc rèn luyện sức khỏe thường xuyên luôn là cách hữu hiệu để phòng tránh các loại bệnh tật. Đối với xương chậu, bạn cũng nên chú ý các biện pháp luyện tập dưới đây:
- Đi bộ vận động nhẹ nhàng thường xuyên, tránh ngồi, đứng quá lâu ở 1 vị trí.
- Chơi các môn thể thao như bơi lội, đạp xe, yoga…cũng rất tốt để rèn luyện, tăng độ chắc khỏe và linh hoạt của xương.
- Hạn chế tối đa việc thay đổi tư thế đột ngột, tránh ngã hay chấn thương khi lao động hoặc chơi thể thao.
- Bổ sung rau xanh, thực phẩm giàu canxi, chống oxy hóa…
Ngoài ra, đối với những trường hợp đã mắc các bệnh như căng cơ vùng xương chậu, đau do gãy xương hoặc sau khi phẫu thuật… cần đến gặp bác sĩ để có phương hướng phục hồi sớm nhất.
Vùng xương chậu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người. Vậy nên chúng ta cần hết sức thận trọng và có phương pháp kịp thời nếu gặp những bất thường. Với thông tin chúng tôi cung cấp ở trên, hy vọng bạn sẽ trang bị thêm được nhiều kiến thức bổ ích về xương chậu.