Ung thư xương là một căn bệnh ác tính hiếm gặp nhưng hiện nay số người mắc bệnh ngày tăng. Ngoài ra, ung thư xương cũng rất khó nhận biết sớm nếu người bệnh không chú ý đến các dấu hiệu đặc trưng, ảnh hưởng đến tiên lượng sống. Để hiểu rõ hơn về bệnh, mời bạn tìm hiểu chi tiết qua bài viết!
Ung thư xương là gì?
Ung thư xương là một trong những căn bệnh ung thư hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong tỷ lệ các căn bệnh ác tính. Đây là loại bệnh ảnh hưởng đến 3 tế bào gồm: tế bào tạo xương, liên kết mô xương và tế bào sụn.
Ung thư xương xuất hiện khi có sự phát triển bất thường, ngoài tầm kiểm soát của những tế bào ở xương. Từ đó, các khối u ác tính tạo thành và tác động đến mô xương bình thường khiến tổn thương xương lan rộng.
Các tế bào ác tính trong xương có thể xuất hiện từ những vị trí khác trong cơ thể sau đó di căn sang xương. Hoặc các u ác tính xuất hiện từ một phần bất kỳ trong xương của cơ thể và lan rộng sang các xương khác.
Ung thư xương có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí xương nào trong cơ thể. Tuy nhiên, các vị trí xương chân, xương tay và xương chậu thường dễ mắc bệnh nhất.
Phân loại ung thư xương
Có nhiều cách phân loại ung thư xương, cụ thể:
Theo loại bệnh:
- Ung thư thứ phát: Phần lớn việc ung thư xương là tình trạng ung thư thứ phát do một bệnh ung thư có sẵn trong cơ thể di căn tới xương. Có thể kể đến như ung thư tuyến giáp, ung thư phổi, ung thư vú…
- Ung thư nguyên phát: Là ung thư xảy ra ở xương không do di căn. Tình trạng này hiếm gặp và được xác định do di truyền hoặc phơi nhiễm phóng xạ.
Theo các giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn I: Giai đoạn nhẹ nhất, tế bào ung thư xương chưa có biểu hiện lan rộng hay di căn.
- Giai đoạn II: Khối u ác tính ở xương đã phát triển sang các mô lân cận, có dấu hiệu di căn.
- Giai đoạn III: Các khối u ác tính ngày càng tăng kích thước, xuất hiện những khu vực di căn của khối u.
- Giai đoạn IV: Tế bào ung thư phát triển, di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, não…
Nguyên nhân gây ung thư xương
Hiện nay, chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ung thư xương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, một số yếu tố có thể khiến một người tăng nguy cơ bị ung thư xương là:
Do di truyền
Yếu tố di truyền có thể là một nguyên nhân gây ra chứng ung thư xương. Bạn có khả năng mắc bệnh cao hơn thông thường nếu trong gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh ung thư.
Các tế bào bất thường tăng trưởng
Khi các tế bào bất thường gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển nhanh và dẫn đến hình thành các khối u ác tính.
Có tiền sử mắc bệnh ung thư
Ở những người có tiền sử mắc bệnh ung thư phải sử dụng phương pháp xạ trị. Các tia bức xạ nhiệt lượng cao có thể tăng nguy cơ phát triển khối u xương ác tính. Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh ung thư xương do di căn từ khối u ác tính ở các vị trí khác trong cơ thể.
Chấn thương lâu ngày
Những chấn thương lâu ngày không điều trị có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc xương. Lúc này, các tế bào lành tính ở xương phát triển bất thường và tăng nguy cơ sản sinh các tế bào ác tính.
Bệnh Paget xương
Bệnh Paget xương không điều trị đúng cách có thể gây biến đổi và kích thích các tế bào trong xương phát triển bất thường.
Một số nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể gây ung thư xương là do hội chứng Li-Fraumeni (liên quan đến di truyền), người bị thoát vị rốn, người sinh hoạt và làm việc ảnh hưởng đến xương kéo dài, người mắc các bệnh xương khớp lâu ngày…
Triệu chứng của bệnh ung thư xương
Bệnh ung thư xương thường không có các triệu chứng rõ rệt trong thời gian đầu. Tuy nhiên, người bệnh có thể nhận thấy những bất thường thông qua thăm khám tổng quát như chụp X-quang, CT, MRI…
Ở các giai đoạn tiến triển của bệnh, người bệnh có thể nhận thấy rõ các triệu chứng ung thư xương như:
- Xuất hiện các cơn đau nhức ở một vùng của xương. Cơn đau ngày càng kéo dài dù người bệnh đã nghỉ ngơi và hạn chế vận động. Đau ở xương ngày càng tăng mạnh vào ban đêm hoặc khi vận động.
- Khu vực xương bị đau sưng to và có dấu hiệu màu đỏ.
- Có những khối cứng xuất hiện ở trong xương hoặc các chi.
- Khả năng hoạt động của người bệnh ngày càng hạn chế, mệt mỏi và đau nhức khi cử động.
- Xương của người bệnh yếu đi rõ rệt theo thời gian, nguy cơ gãy xương cao/
- Một số triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, suy nhược cơ thể, mất ngủ, sốt, sụt cân, dáng đi bất thường…
Tiên lượng sống của bệnh ung thư xương
Ung thư xương sống được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi, loại ung thư, sức khỏe người bệnh và giai đoạn ung thư. Thông thường, ung thư xương có thể kiểm soát tốt khi phát hiện ở giai đoạn sớm (chưa di căn) và tiên lượng sống của người bệnh trên 5 năm khá cao.
Tuy nhiên, trường hợp người bệnh phát hiện ung thư xương muộn, tỷ lệ sống trên 5 năm của mỗi giai đoạn sẽ khác nhau, cụ thể:
- Giai đoạn I: Tiên lượng sống trên 5 năm là hơn 80%
- Giai đoạn II: Tiên lượng sống trên 5 năm là 70%
- Giai đoạn III: Tiên lượng sống trên 5 năm là 60%.
- Giai đoạn IV: Tiên lượng sống trên 5 năm từ 20 – 50%.
Chẩn đoán bệnh ung thư xương
Ung thư xương có thể được chẩn đoán bằng các phương pháp sau:
- Chụp X-quang xương: Nhận định các vấn đề bất thường ở xương, xác định các tổn thương xương khớp.
- Chụp CT: Đánh giá mức độ tổn thương lan rộng trong xương, ngoài xương hay tủy xương.
- Chụp MRI: Nhận định những vấn đề bất thường ở xương, mô mềm, mạch máu, cấu trúc xương…
- Chụp xạ hình xương, Pet/CT… theo dõi và đánh giá quá trình điều trị.
- Sinh thiết xương: Phân loại ung thư xương và đánh giá tổn thương ở tế bào xương.
Các biện pháp điều trị ung thư xương
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư xương giúp kiểm soát triệu chứng bệnh, phòng ngừa sự lan rộng của các tế bào ung thư. Hiện nay có các phương pháp điều trị chính gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, trong đó:
Phẫu thuật
Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ các khối u trong xương. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy hết những tổn thương ung thư và ngăn các khối u phát triển.
Hóa trị
Là phương pháp sử dụng các loại thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này giúp giảm sự phát triển và giảm kích thước các khối u xương. Phương pháp này thường được thực hiện sau quá trình phẫu thuật.
Xạ trị
Là phương pháp sử dụng tia xạ để giảm tổn thương tế bào ung thư. Phương pháp này giúp giảm đau và khó chịu cho người bệnh.
Nhìn chung, ung thư xương là một căn bệnh ác tính nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần có những hiểu biết cơ bản để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Hãy thăm khám sức khỏe tổng thể để có thể phát hiện bệnh sớm nhất và xử lý kịp thời.