Ung thư sụn là một tình trạng y tế hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người bệnh. Nguyên nhân gây bệnh này là gì? Triệu chứng ra sao? Chẩn đoán và điều trị như thế nào? Tất cả những vấn đề này sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết sau, bạn đọc đừng bỏ lỡ nhé!
Ung thư sụn là bệnh gì? Các giai đoạn phát triển
Ung thư sụn (tên khoa học: Chondrosarcoma) là một dạng hiếm gặp của ung thư xương, thường xảy ra ở phần mô mềm bao bọc lấy hai đầu xương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể bắt đầu từ trong xương. Các vị trí dễ mắc bệnh nhất trên cơ thể chính là vùng hông, vùng xương chậu vả bả vai.
Theo các bác sĩ, đa phần những khối u sụn ác tính đều phát triển với tốc độ chậm và không có tỷ lệ di căn cao. Nếu sau đó chúng được loại bỏ hoàn toàn, người bệnh có khả năng hồi phục hoàn toàn. Nhưng nếu như khối u sụn thuộc loại phát triển nhanh, nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến tính mạnh do di căn là rất cao.
Ung thư sụn được chia thành 3 giai đoạn phát triển, gồm có:
- Giai đoạn 1: Đây được xem là giai đoạn khởi phát và có mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe thấp hơn cả. Lúc này, kích thước khối u sụn còn nhỏ và có thể nhờ vào phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn.
- Giai đoạn 2: Giai đoạn 2 được xếp vào dạng trung bình, tiềm ẩn nguy cơ phát triển nhanh của khối u sụn. Trong giai đoạn này, các triệu chứng mà người bệnh gặp phải cũng trở nên rõ ràng hơn.
- Giai đoạn 3: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất của ung thư sụn. Trong giai đoạn này, kích thước của khối u đã trở nên to hơn nhiều so với ban đầu. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có nguy cơ cao bị di căn đến các khu vực khác.
Triệu chứng của ung thư sụn
Người bệnh ung thư sụn có thể gặp phải một số các triệu chứng sau đây:
- Bị sưng ở khu vực xuất hiện khối u: Một trong các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là các cục sưng tấy xuất hiện ở vị trí mà khối u hình thành. Người bệnh có thể nhìn thấy rõ sự biến dạng ở các khu vực này hoặc khi sờ tay vào thấy các cục cứng.
- Cảm giác đau nhức khó chịu: Giống như các bệnh ung thư xương khác, ung thư sụn cũng gây ra những cơn đau nhức khó chịu. Tình trạng này có thể kéo dài với nhiều mức độ đau khác nhau nhưng thường tập trung chủ yếu vào vị trí có khối u sụn.
- Cảm giác tê ngứa hoặc mất sức ở tứ chi: Tình trạng này là kết quả của việc khối u sụn đè lên những dây thần kinh ở gần nó. Người bệnh cảm thấy bị tê ngứa như có kiến bò rất khó chịu. Nghiêm trọng hơn, hai chân và hai tay có thể bị mất sức, yếu cơ, ảnh hưởng rất nhiều đến các sinh hoạt hàng ngày.
- Gãy xương không rõ nguyên nhân: Nhiều người bệnh ung thư sụn có thể bị gãy xương đột ngột dù không bị ngã hay chấn thương mạnh nào khác, nguyên nhân là vì những khối u sụn ác tính đã khiến cho xương trở nên yếu và giòn hơn trước.
Nguyên nhân gây ung thư sụn
Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh ung thư sụn vẫn chưa được làm rõ. Có rất nhiều nhận định và giả thuyết khác nhau được đưa ra nhưng kết luận cuối cùng vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhiều bác sĩ, chuyên gia đang thiên về yếu tố đột biến di truyền tuy nhiên vẫn cần thêm các bằng chứng vững chắc hơn. Cũng có một số ý kiến cho rằng ung thư sụn có liên quan đến sự biến chất của một số tế bào mô sụn đã từng bị tổn thương trước đó.
Mặc dù nguyên nhân còn chưa xác định được nhưng có một số yếu tố rủi ro khiến nguy cơ mắc bệnh ung thư sụn ở một số đối tượng cao hơn bình thường. Yếu tố đầu tiên chính là tuổi tác, nhiều thống kê y tế cho thấy người trung niên và cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh lớn hơn người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, những trường hợp có bệnh sử Ollier disease hoặc hội chứng Maffucci cũng có nguy cơ xuất hiện khối u sụn trong xương.
Ung thư sụn chẩn đoán thế nào?
Khối u sụn phát triển chậm và có thể âm thầm “tấn công” người bệnh trong nhiều năm. Chính vì vậy, thường rất khó để chẩn đoán ung thư sụn thông qua các dấu hiệu lâm sàng. Thay vào đó, các bác sĩ phải nhờ cậy đến một số biện pháp sau đây:
- Kiểm tra hình ảnh: Đây là một trong những phương pháp giúp phát hiện sự bất thường của xương khớp phổ biến nhất. Thông qua các hình ảnh chụp chiếu thu được trên máy tính, các bác sĩ có thể tìm ra vị trí khối u cũng như mức độ phát triển hiện tại của chúng. Các loại kiểm tra hình ảnh được sử dụng phổ biến thường là xạ hình xương, X-quang, chụp cắt lớp, MRI,…
- Sinh thiết: Trong chẩn đoán ung thư, sinh thiết cũng là biện pháp được áp dụng nhiều. Các bác sĩ có thể dùng kim hoặc dao mổ chuyên dụng thu lấy một mẫu sụn khớp nhỏ. Thông qua các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các tế bào ung thư có thể được tìm ra.
Cách điều trị ung thư sụn
Các biện pháp điều trị ung thư sụn được sử dụng hiện nay gồm có:
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất với mục đích chính là loại bỏ các mô sụn ác tính ra khỏi vị trí tổn thương. Nơi bị cắt bỏ sụn sẽ được thay thế bằng phần sụn của khu vực khác trên cơ thể. Có một số trường hợp phẫu thuật phải loại bỏ, cắt cụt chi. Người bệnh nên trao đổi và nhận sự tư vấn chính xác nhất từ bác sĩ.
- Xạ trị và hóa trị: Đây là những phương pháp điều trị không có sự can thiệp của dao kéo. Trong khi xạ trị sử dụng các tia bức xạ để phá hủy tế bào ung thư ác tính thì hóa trị lại sử dụng các loại thuốc, hóa chất liều mạnh. Tùy vào tình hình cụ thể của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
Việc tiên lượng cho bệnh nhân ung thư sụn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như thời điểm phát hiện bệnh, mức độ nghiêm trọng, tình trạng sức khỏe,… Đối với các trường hợp được chẩn đoán sớm cũng như ung thư mới ở giai đoạn đầu, khả năng phục hồi thường khá cao, lên đến gần 90%. Tuy nhiên, với những bệnh nhân phát hiện muộn và đã di căn, tỷ lệ sống sau 1 năm chỉ còn khoảng 10%.
Bài viết trên đây hy vọng đã có thể giúp bạn đọc giải đáp được những vấn đề thắc mắc liên quan đến ung thư xương. Để phòng tránh hiệu quả tình trạng này, mọi người nên xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh, tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia và tăng cường luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày.