Bệnh u tế bào khổng lồ là một bệnh lý lành tính làm tổn thương xương ở người trong độ tuổi trưởng thành. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có các triệu chứng rõ ràng và rất khó phát hiện. Ở giai đoạn nặng, bệnh gây ra các cơn đau nhức dai dẳng, khó chịu.
Bệnh u tế bào khổng lồ là gì?
U tế bào khổng lồ là một khối u hình thành ở xương và xuất hiện nhiều người trưởng thành. Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện các tế bào đa nhân khổng lồ. Hầu hết các u tế bào khổng lồ có dạng lành tính. Tuy nhiên, cũng có những khối u ác tính và gây di căn đến phổi. Các khối u này thường tiến triển chậm. Bệnh thường xảy ra ở những người trong độ tuổi 30 – 40.
U tế bào khổng lồ là khối u đồng nhất với các quần thể tế bào riêng biệt. Trong đó, tế bào tân sinh xuất hiện từ tế bào mô đệm. Những phân đoạn tế bào khổng lồ đa nhân xuất hiện từ dòng tế bào hủy cốt bào.
Một số vị trí trên cơ thể thường gặp phải tình trạng này như xương cùng, xương đùi, đầu trên xương đùi, đầu xương mác…
Triệu chứng nhận biết của bệnh
Trong giai đoạn mới phát bệnh, khối u thường có kích thước nhỏ và có tiến triển âm thầm. Các triệu chứng bệnh không rõ ràng. Sau khi những tổn thương lan rộng, triệu chứng của bệnh bắt đầu rõ ràng hơn.
- Khối u xương hoặc u mềm hình thành ở vị trí bị tổn thương.
- Người bệnh cảm thấy bị đau nhức vùng xương âm ỉ.
- Khả năng di chuyển, đi lại của người bệnh giảm.
- Khớp bị tràn dịch hoặc sưng tấy ở khu vực xuất hiện khối u.
- Người bệnh có thể cảm nhận được sư châm chích ở vùng bị tổn thương như điện giật.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, ngành y học vẫn chưa đưa ra được nguyên do gây ra bệnh u tế bào khổng lồ. Có một số nghiên cứu gần đây cho thấy căn bệnh này có mối liên hệ với bệnh Paget xương. Khi mắc phải căn bệnh này, xương rất dễ bị biến dạng và tổn thương.
Hơn nữa, một nghiên cứu chỉ ra rằng sự xuất hiện khối u có thể do tình trạng xuất huyết tại chỗ ở xương. Khi đó, các tế bào bạch cầu sẽ thay đổi thành các tế bào khổng lồ và hủy cốt bào.
Bệnh u tế bào khổng lồ diễn biến theo mấy giai đoạn?
U tế bào khổng lồ là bệnh lý diễn biến theo các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Khối u lúc này còn nhỏ, xương còn nguyên vẹn, không có các triệu chứng rõ rệt.
- Giai đoạn 2: Khối u từ từ xâm lấn và xương gây tổn thương xương. Tổn thương ở xương bắt đầu lan rộng ra, vỏ xương giãn và mỏng dần.
- Giai đoạn 3: Khối u bắt đầu tiến triển nhanh chóng cùng với các triệu chứng rõ rệt. Khối u tác động đến các mô mềm bên trong, xương từ từ bị phá hủy.
U xương tế bào khổng lồ có nguy hiểm không?
Như đã nói, căn bệnh này thường lành tính và ít có trường hợp ác tính. Tuy nhiên, khối u có thể làm gia tăng nguy cơ gãy xương và tổn thương xương khớp nghiêm trọng. Trong trường hợp khối u ác tính, u sẽ từ từ di căn đến phổi và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi khối u càng lớn dần, bệnh nhân sẽ càng dễ bị gãy xương. Sau khi điều trị thì tình trạng này vẫn có thể tái phát.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh theo các phương pháp như sau:
- Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ đau, các triệu chứng, khả năng vận động của bệnh nhân.
- Chẩn đoán cận lâm sàng: Bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm như chụp X quang, MRI, CT Scan, sinh thiết khối u…
- Chẩn đoán phân biệt: Chẩn đoán đây là khối u lành tính hay ác tính. Đồng thời chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như u nang xương đơn thuần, kén xương phình mạch, u nang phình mạch xương…
Phương pháp điều trị bệnh
Sau khi chẩn đoán đúng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện điều trị theo một số phương pháp như sau:
Điều trị nội khoa
Một số loại thuốc thường được bác sĩ kê toa điều trị bệnh u tế bào khổng lồ bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau sẽ giúp cải thiện các cơn đau nhức xương khớp từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Một số thuốc giảm đau thường được sử dụng như Paracetamol, Codein…
- Thuốc giảm đau chống viêm: Thuốc giảm đau chống viêm thường được sử dụng cải thiện các cơn đau ở mức độ trung bình. Bên cạnh đó, thuốc còn giúp hỗ trợ điều trị tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy.
- Thuốc nhóm Bisphosphonat: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm thiểu các triệu chứng khó chịu như đau nhức, đau cứng khớp. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn có công dụng ngăn ngừa khối u tế bào tái phát sau khi điều trị bằng phẫu thuật.
Điều trị ngoại khoa
Đối với những trường hợp mắc khối u tế bào khổng lồ ở trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện bằng các phương pháp phẫu thuật:
- Nạo vét khối u: Phương pháp nạo vét khối u được chỉ định áp dụng cho những trường hợp mắc bệnh nặng. Sau khi nạo vét, bác sĩ sẽ dùng xi măng hoặc ghép xương để lấp đầy khoảng trống.
- Cắt bỏ khối u: Cắt bỏ khối u được chỉ định cho những trường hợp tổn thương xương lan rộng, có độ phá hủy cao.
- Phẫu thuật tạo hình xương: Kỹ thuật này được thực hiện sau khi đã nạo vét hoặc cắt bỏ khối u. Phương pháp này giúp bệnh nhân phục hồi vận động sau điều trị.
Xa trị
Đối với trường hợp không thể phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp xạ trị. Phương pháp này sẽ làm giảm kích thước khối u, ngăn ngừa các biến chứng của khối u.
Theo dõi và kiểm soát bệnh sau điều trị
Sau khi điều trị, bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám và theo dõi tình trạng bệnh định kỳ. Bác sĩ sẽ xem xét và dự phòng khả năng tái phát của bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường hoạt động của xương khớp và nâng cao sức khỏe.
Trên đây là những thông tin về bệnh u tế bào khổng lồ mà người bệnh cần biết. Theo đó, khi phát hiện triệu chứng bệnh, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm nhất. Đồng thời áp dụng các phương pháp điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.