Chườm đá là cách làm được nhiều người bệnh lựa chọn để chữa trị một số bệnh lý tại nhà, trong đó có tràn dịch khớp gối. Vậy người bị tràn dịch khớp gối có nên chườm đá? Ưu, nhược điểm của phương pháp này? Hãy cùng tìm hiểu thêm về phương pháp này thông qua nội dung bài viết dưới đây.
Tràn dịch khớp gối là gì?
Tràn dịch khớp gối là tình trạng vùng gối của người bệnh tích tụ lượng dịch nhiều hơn bình thường. Dịch có thể tồn tại bên trong hoặc xung quanh vùng gối. Những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do chấn thương vùng gối, tổn thương dây chằng hay viêm khớp.
Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc lớn vào nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng bao gồm:
- Đầu gối bị sưng tấy: Khi khớp gối bị tràn dịch, người bệnh sẽ thấy đầu gối sưng to, tấy đỏ và có cảm giác bọng nước.
- Đau nhức: Các cơn đau nhức xuất hiện nhiều và giảm nhẹ khi người bệnh nghỉ ngơi.
- Cứng khớp: Sự dư thừa dịch trong khớp khiến người bệnh khó có thể vận động do khớp bị cứng, đau đớn.
- Xuất huyết: Vùng gối bị tổn thương xuất hiện các vết bầm tím do dịch chèn ép khiến máu khó lưu thông, gây xuất huyết.
Ở giai đoạn đầu và các cơn đau chưa gây ra nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống thì người bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Các phương pháp đơn giản có thể áp dụng như chườm ấm, nghỉ ngơi, chườm lạnh….
Bị tràn dịch khớp gối có nên chườm lạnh?
Chườm lạnh hay chườm đá là một trong những biện pháp đơn giản được nhiều người bệnh sử dụng tại nhà. Chườm lạnh có thể áp dụng với các bệnh lý như bong gân, đau nhức xương khớp.
Đây là phương pháp dễ làm, chi phí rẻ và cũng mang tới những hiệu quả nhất định giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên nhiều người bệnh băn khoăn tràn dịch khớp gối có nên chườm lạnh hay không?
Các chuyên gia cho rằng, chườm lạnh là phương pháp an toàn, giúp giảm đau, giảm sưng và bầm tím. Vì vậy hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này khi điều trị tràn dịch khớp gối tại nhà.
Đối với bệnh lý này, chườm lạnh mang tới một số công dụng như:
- Giảm viêm: Hạ thấp nhiệt độ đột ngột giúp các mạch máu bị co lại, hạn chế máu lưu thông đến khu vực này, giúp giảm sưng và viêm khớp gối hiệu quả.
- Ngăn ngừa quá trình tích tụ dịch khớp: Ở mỗi khớp luôn tồn tại một lượng nhỏ dịch để duy trì sự hoạt động dẻo dai của khớp, hạn chế sự bào mòn xương khi ma sát với nhau. Tuy nhiên khi lượng dịch tích tụ quá nhiều lại gây sưng, đau và khó chịu. Chườm lạnh có thể làm chậm quá trình tích tụ dịch giúp người bệnh giảm đau tạm thời.
- “Đánh lừa” não bộ: Chườm lạnh giúp “tê” tạm thời các dây thần kinh cảm giác ở vùng gối. Điều này giúp người bệnh giảm đau tạm thời, có cảm giác dễ chịu ở vùng gối.
Chườm lạnh mang tới những tác dụng nhất định với bệnh lý tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên bạn cần lưu ý tới thời gian, số lần chườm trong ngày, kỹ thuật chườm để tránh các rủi ro không mong muốn. Thực tế việc tìm hiểu cách chườm lạnh an toàn sẽ giúp bạn giảm đau, chống viêm hiệu quả mà vẫn hạn chế được các rủi ro không mong muốn.
Tràn dịch khớp gối nên chườm lạnh như thế nào?
Để tăng hiệu quả của quá trình chườm lạnh cũng như đảm bảo được an toàn cho người bệnh, quá trình chườm lạnh trị tràn dịch khớp gối cần lưu ý một số điểm sau:
- Thời điểm nên chườm lạnh: Chườm đá sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi người bệnh chườm trong vòng 48 tiếng kể từ khi đầu gối bị tổn thương. Sau khoảng thời gian này, công dụng của chườm lạnh bị giảm đáng kể. Vì vậy nếu gặp chấn thương vùng gối, bạn đọc nên tiến hành chườm lạnh càng sớm càng tốt.
- Không chườm liên tục tại một điểm: Trong quá trình chườm, người bệnh có thể di chuyển túi đá nhẹ nhàng xung quanh đầu gối để massage. Động tác này mang tới cảm giác dễ chịu và cũng hạn chế đá đặt tại một vị trí quá lâu.
- Thời gian chườm: Nên chườm tối đa 15 – 20 phút mỗi lần để đạt hiệu quả tốt nhất. Việc chườm quá lâu có thể gây ra các tổn thương không mong muốn tới các mô, bỏng lạnh hoặc rát da.
- Số lần chườm: Mỗi ngày người bệnh nên chườm từ 3 – 5 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 – 2 tiếng để da được nghỉ ngơi. Chườm quá nhiều có thể làm bệnh nặng hơn, làm chậm quá trình phục hồi của khớp gối.
Bạn đọc có thể chườm lạnh trong nhiều ngày để cải thiện tình trạng bệnh, giúp bảo toàn, phục hồi chức năng của vùng khớp gối.
Ngoài việc nắm được kỹ thuật chườm lạnh thì lựa chọn túi chườm đá thích hợp cũng là điều mà bạn đọc nên quan tâm.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại túi với các kích thước khác nhau để chườm lạnh. Bao gồm: chườm đá truyền thống, túi đá thương mại, thực phẩm đông lạnh.
- Đối với cách chườm truyền thống, người bệnh có thể cho đá vào túi hay vải sạch, buộc chặt và chườm lên vị trí đầu gối bị tổn thương.
- Túi đá thương mại: Hiện nay trên thị trường có nhiều túi chườm dành riêng cho việc chườm lạnh, có thể tái sử dụng nhiều lần.
- Thực phẩm đông lạnh: Trong trường hợp cấp bách không có vải sạch hay túi chườm chuyên dụng người bệnh có thể chữa cháy tạm thời bằng thực phẩm đông lạnh. Tuy nhiên thực phẩm này sau khi chườm nên loại bỏ, không sử dụng để nấu ăn.
Chườm lạnh cần lưu ý gì để hạn chế các rủi ro?
Chườm lạnh trong thời gian dài có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như bỏng da, kích ứng da. Để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh có thể tham khảo một số tips nhỏ dưới đây.
- Không chườm trực tiếp lên da, nên bọc qua lớp vải mỏng.
- Thời gian chườm mỗi lần không quá 20 phút.
- Người dễ kích ứng da, có hội chứng tê liệt, suy giảm cảm giác dây thần kinh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
Thực tế, tràn dịch khớp gối có nên chườm đá không cũng ít nhiều phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh, có tác dụng giảm bớt các chấn thương, hỗ trợ quá trình hồi phục. Tuy nhiên cần thực hiện đúng kỹ thuật để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
Phương pháp hỗ trợ điều trị tràn dịch khớp gối tại nhà
Bên cạnh việc chườm đá, người bệnh có thể thực hiện thêm một số kỹ thuật đơn giản để điều trị tràn dịch khớp gối tại nhà như:
- Chườm nóng: Sau 72 giờ kể từ lúc chấn thương đầu gối, người bệnh có thể chườm nóng 10 – 15 phút để cải thiện tình trạng tràn dịch khớp. Tuy nhiên khi tình trạng bệnh trở nên nặng hơn người bệnh nên dừng việc chườm nóng.
- Tập luyện một số bài tập vật lý trị liệu: Người bệnh có thể kết hợp thêm một số bài tập vật lý trị liệu để tăng sự linh hoạt, dẻo dai cho khớp. Các bài tập nên có cường độ nhẹ nhàng.
Người bị tràn dịch khớp gối khi nào cần tới bệnh viện?
Trong một số trường hợp, người bị tràn dịch khớp gối nên tới thăm khám tại các cơ sở y tế để có hướng điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, khi có các dấu hiệu sau người bệnh nên tới bệnh viện:
- Tình trạng sưng đau nghiêm trọng, không thuyên giảm.
- Không thể duỗi thẳng hay co đầu gối.
- Xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ.
- Khó đi đứng, vận động, các cơn đau nhói xuất hiện khi đứng lên ngồi xuống.
Khi có các triệu chứng trên, tình trạng tràn dịch khớp gối đã trở nên nguy hiểm, người bệnh cần tiến hành thăm khám và điều trị. Việc điều trị tại nhà đã không còn hiệu quả, nếu không điều trị kịp thời người bệnh có thể bị mất chức năng khớp, viêm khớp hoặc nhiễm trùng khớp.
Bạn đọc đã biết tràn dịch khớp gối có nên chườm đá không. Hãy luôn đảm bảo chườm đúng kỹ thuật, thời gian và đừng quên những lưu ý trong bài viết để quá trình chườm lạnh đạt hiệu quả tốt nhất bạn nhé.