Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý xương khớp không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Không chỉ phổ biến ở người già mà tỷ lệ thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi cũng đang ở mức báo động. Nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời người trẻ vẫn có nguy cơ đối mặt với biến chứng teo cơ, bại liệt.
Người trẻ tuổi bị thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi là tình trạng nhân nhầy bên trong đĩa đệm tràn ra khỏi bao xơ. Tình trạng này gây phồng (phình, lồi) đĩa đệm, lâu ngày khiến các dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép, đốt sống bị tổn thương. Trong đó cột sống cổ và cột sống lưng là vị trí mắc thoát vị phổ biến nhất ở người trẻ tuổi.
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Với chức năng nối liền tủy sống và thành não để truyền dẫn xung động cảm giác hướng tâm và ly tâm, đốt sống cổ là bộ phận rất quan trọng trong cơ thể. Khi đốt sống cổ bị thoát vị gây chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh có thể dẫn đến những tổn thương khó hồi phục. Vì vậy mà bệnh tại vị trí đốt sống cổ nguy hiểm hơn.
Thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng: Đặc biệt tại đốt sống L4 L5 tình trạng diễn ra phổ biến hơn do vị trí này chịu áp lực lớn của phần thân trên. Khi đó dây thần kinh sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất và kéo theo một số bệnh lý liên quan khác.
Lý do khiến người trẻ bị thoát vị đĩa đệm
Tỷ lệ người trẻ tuổi bị bệnh do hệ thống xương khớp bị lão hóa là khá thấp, nguyên nhân chủ yếu khiến họ mắc chứng bệnh này nằm ở thói quen sinh hoạt và công việc. Cụ thể:
Thói quen sinh hoạt không khoa học
Tư thế vận động, di chuyển ảnh hưởng lớn đến nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi, trong đó người bệnh thường xuyên:
- Kê gối quá cao khi ngủ ảnh hưởng đến đốt sống cổ dẫn đến thoát vị
- Ngồi, đứng không đúng tư thế hoặc nghiêng vẹo cột sống
- Cúi cổ lâu để nhìn vào điện thoại hoặc máy tính khi làm việc
- Nằm ở tư thế không thoải mái
- Trọng lượng cơ thể dồn về đốt sống khi nữ giới đi giày cao gót, lâu ngày gây đau nhức xương khớp
- Mang vác vật nặng hơn khối lượng cơ thể trong tư thế không đúng
Đặc thù công việc
Khớp xương, cột sống suy yếu, thoái hóa nhanh do người bệnh lao động, làm việc nặng. Đặc biệt là những người phải mang vác, khiêng, bê vật nặng thường xuyên có tỷ lệ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cao hơn.
Những người làm việc văn phòng, ngồi liên tục trong 1 tư thế mà không đứng lên vận động, di chuyển cũng có nguy cơ mắc cao.
Chấn thương
Chất nhầy trong đĩa đệm có thể tràn ra ngoài khi người bệnh gặp các chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, té ngã… Ngoài ra những người bẩm sinh mắc các chứng vẹo cột sống, thoái hóa cột sống, gù lưng… cũng dễ mắc phải thoát vị .
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi
Dấu hiệu cảnh báo thoát vị đĩa đệm người bệnh có thể nhận biết qua các triệu chứng sau đây:
Xuất hiện các cơn đau vùng cột sống
Vùng hông hoặc thắt lưng của bạn thường xuyên bị đau nhức, đau âm ỉ thành từng cơn là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ bị thoát vị . Các cơn đau có thể lan xuống vùng mông và hai chân ( đốt sống lưng) hoặc lan xuống cánh tay ( đốt sống cổ) gây khó chịu cho người bệnh.
Đau tăng lên khi di chuyển, vận động, làm việc và giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi.
Tê cứng, yếu cơ
Khi dây thần kinh bị chèn ép khiến người bệnh có cảm giác tê cứng ở chân, tay, lưng, cổ hoặc không có cảm giác gì, dẫn đến giảm khả năng vận động của các chi và cơ thể.
Trong trường hợp bệnh không được xử lý và có dấu hiệu chuyển biến nặng người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ mất khả năng vận động, teo cơ chân, tay.
Khi xuất hiện một trong các triệu chứng trên đây, bạn hãy đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp để tránh biến chứng tê liệt, tàn phế.
Điều trị thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi
Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt cần thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh và vị trí thoát vị. Các phương pháp điều trịở người trẻ tuổi phổ biến bao gồm:
Phương pháp điều trị dùng thuốc
Trong giai đoạn bệnh khởi phát, người bệnh được bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm như: meloxicam, paracetamol, diclofenac,… Căn cứ vào tình trạng thoát vị mà bác sĩ sẽ kê đơn với các loại thuốc và liều lượng khác nhau.
Trong trường hợp cột sống xuất hiện tình trạng xơ cứng, trong đơn thuốc sẽ bao gồm thêm thuốc giãn cơ. Khi bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh có thể được chỉ định tiêm giảm đau ngoài màng cứng hoặc thực hiện xâm lấn bằng phẫu thuật.
Ngoài ra, xu hướng điều trị bảo tồn bằng thuốc Đông Y đang được bác sĩ chuyên khoa khuyên dùng cho bệnh nhân. Bài thuốc Đông Y an toàn, lành tính do có chiết xuất từ thảo dược tự nhiên, giúp hồi phục tổn thương đĩa đệm từ sâu bên trong, mang lại hiệu quả điều trị tích cực và bền vững.
Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Khi bệnh ở thể nhẹ, người trẻ tuổi có thể tập luyện một số bài tập trị liệu cơ bản không cần dùng thuốc. Người bệnh có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, yoga, thiền, đi bộ,… phù hợp với thể trạng bệnh. Đặc biệt lưu ý không tập luyện quá sức làm ảnh hưởng xấu đến cột sống, xương khớp.
Kéo nắn xương khớp, bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu cũng là phương pháp điều trị được nhiều người bệnh lựa chọn.
Người trẻ cần thường xuyên vận động, luyện tập thể dục thể thao kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, phòng ngừa nguy cơ thoái hóa sớm của xương khớp, hạn chế mức tối đa thoát vị khởi phát.
Bài viết trên đây cung cấp thông tin cần thiết về thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh này. Vì vậy khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bệnh nào bạn hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.