Thoát vị đĩa đệm nội xốp là một dạng thoát vị đặc biệt hiếm gặp và thường xảy ra ở những người lớn tuổi, khi cột sống đã có dấu hiệu của sự thoái hóa. Vậy, bản chất của căn bệnh này là gì? Dấu hiệu, triệu chứng bệnh ra sao và làm thế nào để phòng tránh, chữa trị nó? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời nhé.
Thoát vị đĩa đệm nội xốp
Thoát vị đĩa đệm nội xốp là gì?
Thoát vị đĩa đệm nội xốp là một dạng thoát vị đặc biệt, khi phần nhân nhầy tràn ra ngoài bao xơ nhưng không chèn ép dây thần kinh hay tủy sống. Thay vào đó, chúng lại chảy vào phần thân đốt sống, gây chèn ép trực tiếp lên các mô xốp của xương. Chính vì vậy, bệnh được gọi là thoát vị đĩa đệm nội xốp. Hiểu một cách đơn giản, đây là trường hợp thoát vị theo chiều dọc cột sống, thay vì theo chiều ngang như trường hợp thoát vị thông thường.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm nội xốp
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thoát vị đĩa đệm nội xốp là do sự tổn thương hoặc thoái hóa của cả đốt sống và đĩa đệm. Ở những người già, khả năng tổng hợp vitamin D và canxi giảm sút, đồng thời theo thời gian, các tác động lên xương khớp cũng tăng dần khiến cho hệ thống xương khớp nói chung và cột sống nói riêng thường dễ bị thoái hóa. Cấu trúc xương trở nên yếu hơn, các mô sụn ít nhiều bị bào mòn, hệ thống dây chằng bị xơ hóa,…. Vì thế, bệnh thường xảy ra phổ biến với những người cao tuổi.
Tuy nhiên, thoát vị đĩa đệm nội xốp cũng có thể xảy ra với lứa tuổi trẻ hơn khi gặp phải những chấn thương hoặc cột sống phải chịu trọng tải quá mức. Nếu vị trí thoát vị nằm ở thắt lưng, đường cong cột sống của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, khiến người bệnh dễ bị gù, chiều cao bị giảm sút.
Dấu hiệu, triệu chứng
Do phần nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép trực tiếp lên mô xốp của cột sống nên người bệnh sẽ cảm thấy các cơn đau xuất hiện ngay tại vị trí thoát vị, thay vì đau ở các vị trí khác như trường hợp thoát vị thông thường. Các cơn đau đa phần thường kéo dài âm ỉ chứ không đau dữ dội và có thể tự biến mất sau một khoảng thời gian nhất định. Chính vì thế, các cơn đau do thoát vị đĩa đệm nội xốp thường hay bị nhầm lẫn với những cơn đau lưng thông thường.
Khi khối thoát vị lớn dần, chèn ép sâu hơn vào cột sống, các cơn đau sẽ ngày càng trở nên dữ dội hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Tuy nhiên, các cơn đau này thường không có những triệu chứng rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn. Vì thế, người bệnh thường chỉ có thể phát hiện ra bệnh khi tới các cơ sở y tế để thăm khám. Một số ít trường hợp thoát vị đĩa đệm nội xốp có thể nhìn thấy bằng phim X-quang và được biểu hiện rõ nhất khi quan sát hình ảnh chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.
Thoát vị đĩa đệm nội xốp cần phải làm gì?
Mặc dù có một chút khác biệt về bản chất, song cách chữa trị thoát vị đĩa đệm nội xốp hay chữa trị thoát vị đĩa đệm thông thường đều dựa trên nguyên tắc làm giảm bớt áp lực của khối thoát vị lên các cơ quan khác nhau. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và mức độ thương tổn, nặng nhẹ của các triệu chứng, các bác sĩ có thể đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau cho người bệnh. Song nhìn chung, thoát vị đĩa đệm nội xốp thường được chữa trị bằng số cách sau đây:
Vật lý trị liệu
Đối với các trường hợp thoát vị đĩa đệm nội xốp, vật lý trị liệu được coi là phương pháp ưu tiên hàng đầu để chữa trị căn bệnh này, bởi nó vừa an toàn, hiệu quả, vừa tiết kiệm. Dựa trên cơ sở nắn chỉnh, điều chỉnh sai lệch và kéo dãn cột sống, phần không gian, khoảng cách giữa các đĩa đệm tăng lên, áp lực của khối thoát vị lên các mô xốp của xương được giảm bớt. Đồng thời, những khoảng trống này cũng tạo cơ hội cho các đĩa đệm được tái tạo và phục hồi, từ đó làm giảm nhanh các cơn đau do thoát vị và giúp tình trạng bệnh nhân dần dần ổn định.
Ngoài các bài tập cơ bản dành cho người thoát vị đĩa đệm nội xốp, việc chữa trị bằng vật lý trị liệu còn bao gồm các phương pháp bấm huyệt, châm cứu, chườm nóng, sử dụng thảo dược, tinh dầu,…. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng các công nghệ, kỹ thuật y khoa cao hơn như điều trị bằng tia hồng ngoại, tia laser hoặc sử dụng các xung điện để kích thích một số huyệt đạo trên cơ thể, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh.
Nhìn chung, đây là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả tương đối tốt, giúp người bệnh giảm nhanh các cơn đau, khả năng hồi phục cao và rất hiếm khi tái phát bệnh trở lại. Tuy nhiên, giống như các phương pháp điều trị bảo tồn khác, vật lý trị liệu điều trị chứng thoát vị đĩa đệm đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và thực hiện trong thời gian dài.
Tập luyện tại nhà
Bên cạnh việc điều trị vật lý trị liệu hay sử dụng các phương pháp điều trị nội khoa, việc sinh hoạt, luyện tập tại nhà cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn tới kết quả chữa bệnh thoát vị đĩa đệm nội xốp. Hãy giữ cho mình một lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý và tuyệt đối không mang vác vật nặng để tránh ảnh hưởng tới cột sống của mình. Đặc biệt chú ý việc đứng, nằm, ngồi sao cho đúng tư thế để hạn chế tối đa những tổn thương lên đĩa đệm. Ngoài ra, bạn cũng có thể vận động nhẹ nhàng tại nhà với các bài tập yoga, dưỡng sinh, đạp xe hay đi bộ theo lời khuyên và chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, chế độ ăn của người bệnh cũng cần được đảm bảo sao cho cân bằng dinh dưỡng để tối khả năng hấp thụ của cơ thể. Trong các bữa ăn, nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D và canxi như sữa, trứng, rau xanh đậm, hải sản,… để tăng cường độ dẻo dai, vững chắc cho xương khớp.
Tuy không để lại những biến chứng nguy hiểm như những trường hợp thoát vị đĩa đệm thông thường, song thoát vị đĩa đệm nội xốp vẫn gây ra những cơn đau lưng khó chịu và có những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Vì thế, hãy chú ý rèn luyện sức khỏe hàng ngày, duy trì dinh dưỡng hợp lý ngay từ hôm nay để tránh gặp phải những vấn đề về sức khỏe như căn bệnh này nhé.