Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực gây ra tình trạng đau nhức tại vị trí tổn thương và khu vực xung quanh, cản trở công việc và hoạt động thường ngày. Nhận biết bệnh từ sớm để có cách điều trị hiệu quả, kịp thời. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về bệnh lý này.
Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực là gì?
Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực là một thuật ngữ Y học chỉ tình trạng bao xơ đĩa đệm cột sống ngực bị rách, nứt dẫn đến nhân nhầy bị chệch khỏi vị trí ban đầu. Khi đó, nhân nhầy sẽ chèn ép lên dây thần kinh, làm tổn thương các mô liên kết. Trong trường hợp nặng, nhân nhầy có thể chèn ép lên tủy sống, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể.
Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực xảy ra ít hơn hơn so với các dạng thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, thắt lưng hoặc cổ. Người từ độ tuổi trung niên trở ra, người có chấn thương vùng ngực, người hay chơi các môn thể thao mạnh… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng bệnh thường không rõ ràng. Người bệnh chỉ thấy đau tức nhẹ ở vùng ngực. Sau thời gian tiến triển, cường độ đau nhức sẽ tăng lên cùng với đó là các triệu chứng bệnh lý ảnh hưởng đến thần kinh như tê ngứa, châm chính và hạn chế vận động.
Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống ngực
Theo Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (nguyên Phó khoa Đông Viện YHCT Quân đội), thoát vị đĩa đệm cột sống ngực thường xảy ra do các nguyên nhân sau đây:
Ảnh hưởng của tuổi tác
Tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm càng lớn. Theo đó, các nghiên cứu Y học hiện đại chỉ ra, lượng nước trong đĩa đệm của con người sẽ giảm dần, đĩa đệm sẽ dần khô lại và mất đi độ dẻo dai, linh hoạt dưới tác động của thời gian. Khi đó, các mô liên kết đĩa đệm trở nên giòn hơn, dễ rách, nứt hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để đĩa đệm thoát vị.
Chấn thương
Các chấn thương có thể khiến đĩa đệm bị vỡ đột ngột kèm theo tình trạng nứt, rách bao xơ. Khi bao xơ rách, nhân nhầy chị bị thoát vị và gây ra hiện tượng chèn ép lên dây thần kinh và các mô liên kết. Các chấn thương này hình thành thường do quá trình lao động, tai nạn giao thông hoặc trong quá trình tập luyện thể thao.
Căng thẳng đột ngột
Ở trạng thái bình thường, bạn đột ngột cúi gập người hoặc nâng vác các vật nặng quá sức có thể gây ra ảnh hưởng không tốt đến đĩa đệm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống ngực. Nguyên nhân này tương đối ít gặp nhưng người bệnh vẫn cần lưu ý.
Rối loạn mô liên kết
Người có tiền sử hoặc đang bị rối loạn mô liên kết có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống ngực cao hơn người bình thường. Ngoài ra, những người có vấn đề bất thường ở cột sống có khả năng cao mắc bệnh.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số yếu tố sau có thể làm nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống ngực của bạn cao hơn:
- Thừa cân béo phì tăng áp lực lên cột sống, dễ làm đĩa đệm tổn thương
- Thường xuyên hút thuốc lá
- Trong gia đình có người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm
- Người thường làm công việc nặng nhọc, mang vác vật nặng
- Ảnh hưởng của giới tính (tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là 2:1)
Triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống ngực
Cũng như các dạng thoát vị đĩa đệm khác, triệu chứng điển hình của thoát vị đĩa đệm cột sống ngực là đau nhức. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng bệnh lý khác như tê bì, châm chích, ngứa ran… Cụ thể:
- Đau nhức: Người bệnh chủ yếu đau ở vùng lưng trên. Các cơn đau có xu hướng lan ra vùng cổ, vai và xuống dưới thắt lưng. Nhiều trường hợp các cơn đau có thể lan vòng ra trước phần thân. Tùy vào từng giai đoạn mà mức độ đau nhức của người bệnh cũng khác nhau.
- Co cứng cột sống: Triệu chứng khiến người bệnh khó khăn khi gập, cúi hoặc thực hiện các động tác xoay người.
Ngoài ra, nếu nhân nhầy đã chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống thì người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác liên quan đến dây thần kinh như:
- Xuất hiện cảm giác tê, ngứa ran ở cánh tay, bàn tay và ngón tay
- Cơ tay bị suy yếu
- Chân bị tê, yếu
- Gân xương bị co cứng, tăng phản xạ
- Suy giảm khả năng vận động
- Bại liệt phần dưới thắt lưng trở xuống
- Rối loạn chức năng bàng quang, ruột
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống ngực có nguy hiểm không?
Dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng thoát vị đĩa đệm cột sống ngực vẫn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng gây suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng vận động. Một số biến chứng bệnh lý người bệnh có thể gặp phải là:
- Yếu cơ
- Teo cơ
- Hẹp ống sống
- Rối loạn dây thần kinh
- Rối loạn thần kinh thực vật
- Mất khả năng hoạt động
- Bại liệt
Để xác định rõ mức độ tiến triển xấu đi, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống ngực như chụp X-quang vùng ngực, chụp CT cắt lớp, chụp MRI… Trước đó, bạn sẽ được kiểm tra vùng lưng, vùng ngực và đánh giá khả năng vận động để khám tập trung vào vị trí tổn thương, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm tối đa chi phí.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống ngực
Dựa theo kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa các cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống ngực phù hợp. Một số phương pháp thường được dùng là:
- Dùng thuốc Tây: Người bệnh được bác sĩ kê cho các loại thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm, giãn cơ để điều trị. Một số loại phổ biến là Paracetamol, Naproxen, Aspirin, Morphin, Codein… Dù có tác dụng giảm đau nhanh chóng nhưng khả năng tái phát bệnh cũng rất cao, đồng thời người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ nguy hiểm đến thận – gan – dạ dày khi điều trị trong thời gian dài hoặc lạm dụng thuốc. Người bệnh cần hết sức cẩn trọng trong quá trình sử dụng.
- Xoa bóp, nắn chỉnh cột sống: Phương pháp giúp cột sống được thư giãn và làm mềm các mô tổn thương, đồng thời giảm căng cơ và cải thiện tuần hoàn máu.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật được cân nhắc khi phương pháp điều trị bảo tồn không đạt được hiệu quả hoặc các cơn đau kéo dài quá 6 tuần kèm các triệu chứng co cứng cột sống, tủy sống chèn ép. Mục tiêu chính của phẫu thuật chữa thoát vị đĩa đệm cột sống ngực là giảm sự chèn ép vào dây thần kinh, tủy sống, loại bỏ nhân nhầy thoát vị bị hư hỏng, giảm triệu chứng bệnh, đồng thời phục hồi chức năng vận động.
Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực cần được cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu gặp phải các triệu chứng kể trên, bạn cần thăm khám và điều trị đúng cách để phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt, hãy thực hiện thói quen sinh hoạt, vận động khoa học để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống ngực hiệu quả.