Phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối là một trong những phương pháp giúp cải thiện những cơn đau nhức hiệu quả. Liệu pháp này được áp dụng theo cơ chế điều trị bảo tồn gồm vật lý trị liệu và thay đổi chế độ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn khoa học của chuyên gia. Cùng tìm hiểu những thông tin cụ thể về phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối trong bài viết dưới đây.
Thông tin cần biết về thoái hóa khớp gối
Khớp gối là một trong những khớp vận động nhiều nhất trong hệ thống xương khớp, ngoài ra khớp này cũng phải gánh chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể do đó rất dễ bị tổn thương. Tình trạng thoái hóa khớp gối xảy ra khi lớp sụn ở đầu gối bị mài mòn, khiến xương ma sát vào nhau và gây đau. Thoái hóa khớp gối thường xuất hiện ở người lớn tuổi bởi quá trình thoái hóa tự nhiên. Nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa bởi thói quen sinh hoạt và làm việc chưa khoa học ở nhiều người.
Đau là triệu chứng điển hình ở người bệnh thoái hóa khớp gối. Ngoài ra, khi bị bệnh, bạn còn gặp phải một số biểu hiện sau đây:
- Sưng đầu gối
- Cứng khớp và gây ảnh hưởng đến phạm vi chuyển động của khớp gối
- Đỏ và nóng da ở đầu gối
Triệu chứng của thoái hóa khớp gối thường có diễn tiến âm thầm, điều này gây ra không ít khó khăn cho quá trình phát hiện và điều trị bệnh.
Thoái hóa khớp gối nếu không được chữa sớm ngoài ảnh hưởng đến khả năng vận động thông thường, còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tàn phế vĩnh viễn.
Để ngăn chặn những biến chứng đó, người bệnh có thể tham khảo các phương pháp điều trị từ thuốc Tây y, vật lý trị liệu, phẫu thuật. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên ưu tiên áp dụng các giải pháp điều trị bảo tồn để tránh gây tổn hại đến sức khỏe tổng thể.
Mục tiêu phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối
Mục tiêu của phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối thường tập trung vào việc kiểm soát cơn đau, chữa lành các vết thương, bảo vệ khớp gối và cải thiện tính linh hoạt ở khớp. Cụ thể:
- Kiểm soát cơn đau hiệu quả
- Hỗ trợ làm lành tổn thương ở khớp gối
- Giảm sưng và viêm ở đầu gối
- Tăng cường sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ khớp gối vận động bình thường
Trong đó mục tiêu quan trọng nhất của quá trình này là tăng cường chức năng và làm chậm quá trình thoái hóa khớp gối.
Kế hoạch phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối
Đối với mỗi tình trạng khác nhau sẽ có những kế hoạch phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối riêng biệt. Do đó, người bệnh cần trò chuyện kỹ với bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và xây dựng một kế hoạch hoàn hảo.
- Bài tập phục hồi chức năng
Đây là một trong những bước quan trọng trong kế hoạch phục hồi tổng thể. Mục tiêu của các phương pháp này là tăng cường các cơ ở đầu gối, điều này có thể hỗ trợ khớp gối và giúp người bệnh kiểm soát đầu gối tốt hơn.
Dưới đây là một số bài tập mà người bệnh có thể tham khảo:
Vẩy cổ chân:
Bài tập này được thực hiện như sau:
- Người bệnh nằm ngửa, hai chân mở rộng và mắt cá chân tựa trên một chiếc khăn cuộn tròn
- Gập bàn chân, đẩy gót chân ra khỏi cơ thể và ngón chân hướng về phía trên của cơ thể
- Giữ trong khoảng 5 giây
- Hướng các ngón chân, di chuyển gót chân về phía bắp chân và các ngón chân hướng ra khỏi cơ thể
- Để khoảng 5 giây
- Mỗi ngày người bệnh tập khoảng 1 – 2 lần
Nâng chân thẳng:
Tiến hành thực hiện như sau:
- Người bệnh nằm ngửa, gập chân để đầu gối hướng lên trên và bàn chân chạm sàn nhà
- Duỗi thẳng chân và hướng mũi chân lên trần nhà
- Nhẹ nhàng hạ chân xuống giường
- Lặp lại 10 – 20 lần cho mỗi bên
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến khích người bệnh thực hiện một số bài tập như đạp xe tĩnh, thể dục dưới nước, đi bộ để tăng sức bền cho cơ bắp.
- Thay đổi chế độ ăn uống
Ngoài chế độ luyện tập, người bệnh cũng cần xây dựng và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh với những thực phẩm tốt cho xương khớp. Trong thực đơn hàng ngày nên có sự xuất hiện của một số loại đồ ăn sau đây:
- Trái cây tươi và rau: Trái cây và rau xanh có chứa các chất chống oxy hóa, hỗ trợ bảo vệ tế bào sụn khớp khỏi bị tổn thương. Một số chất chống oxy hóa được tìm thấy trong các loại trái cây và rau như táo, dâu tây, hành tây, hẹ cũng có thể giảm viêm và đau khớp.
- Chất béo omega 3: Có tác dụng giảm đau khớp và cứng khớp vào buổi sáng. Một số loại thực phẩm giàu omega 3 phải kể đến như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích và cá ngừ.
- Dầu ô liu: Một số thành phần trong dầu ô liu có tác dụng chống viêm tương tự như ibuprofen. Người bệnh có thể sử dụng dầu ô liu thay cho các loại dầu khác trong điều chế món ăn hàng ngày.
- Vitamin C: Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây họ cam, quýt, ớt đỏ, dâu tây, bông cải xanh, bắp cải và cải xoăn, giúp tăng cường collagen và mô liên kết ở khớp gối.
Ngoài ra, người bệnh nên tránh các loại thực phẩm như:
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Thực phẩm có chứa đường
- Chất béo không lành mạnh
- Các loại thịt đỏ
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối mà bạn có thể áp dụng để chủ động bảo vệ sức khỏe, làm chậm quá trình thoái hóa:
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao: Không chỉ tăng cường sức khỏe tổng thể mà các bài tập nhẹ nhàng, các môn thể thao phù hợp cũng có tác dụng nhất định đối với hệ thống xương khớp, tăng cường sức dẻo dai, duy trì sức mạnh ở khớp gối.
- Kiểm soát cân nặng hiệu quả: Một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối đó là tình trạng thừa cân. Bởi vậy, bạn cần kiểm soát tốt cân nặng của mình, tuyệt đối tránh xa các nhóm thực phẩm nhiều chất béo, đồ ăn nhanh. Thay vào đó, cần tăng cường các loại rau xanh, hoa quả tươi vào bữa ăn hàng ngày.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Tập thể dục có thể tăng cường sức khỏe các khớp, tuy nhiên lạm dụng có thể làm tăng nguy cơ viêm xương khớp. Người bệnh nên cân bằng việc tập luyện và nghỉ ngơi để hạn chế tình trạng đau nhức và phòng ngừa nguy cơ thoái hóa khớp.
Như vậy phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối là việc làm cần thiết để hỗ trợ người bệnh cải thiện những cơn đau nhức và quay trở lại cuộc sống bình thường. Để có một lộ trình phù hợp, người bệnh hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn.