Hạt tophi là tên gọi của các nốt sần ở xung quanh khớp, khiến cho khớp xương bị sưng tấy, biến dạng hoặc lở loét da. Vậy, nguyên nhân nào làm hình thành hạt tophi, các hạt này thường phân bố ở đâu và gây nên triệu chứng gì? Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này qua bài viết ngày hôm nay.
Hạt tophi là gì? Nguyên nhân nào hình thành nên hạt tophi?
Ở các bệnh nhân gout, khi những tinh thể acid uric hoặc natri urat monohydrat tích tụ xung quanh hoặc bên trong khớp xương hay những bộ phận khác trong cơ thể sẽ hình thành nên hạt tophi.
Các hạt này thường có hình dạng giống như những khối u nhỏ, sưng phồng và phát triển dưới da tại vị trí các khớp xương. Những nốt sần đó có thể làm khớp xương sưng lên, biến dạng, lớp da quanh khớp cũng sẽ bị căng hoặc lở loét. Một số trường hợp nặng, những hạt này có thể phá huỷ sụn và bào mòn xương, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính, làm cơ thể suy nhược và gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu.
Đây là một triệu chứng điển hình của bệnh gout, thường gây tổn thương tới các khớp bàn tay và bàn chân. Kết quả thống kê cho thấy, có khoảng 12 đến 35% bệnh nhân gout bị ảnh hưởng bởi hạt tophi.
Hạt tophi sau khi hình thành có thể kéo đến những đợt đau nhức dữ dội, đây chính là cơn gout mà chúng ta vẫn thường gọi. Nếu không được chữa trị, những triệu chứng này có thể chuyển thành mạn tính và nguy cơ tổn thương khớp sẽ tăng lên.
Tuỳ thuộc vào kích thước và vị trí mà hạt tophi có thể được chữa trị bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.
Hạt tophi thường hình thành ở đâu?
Bệnh gout khởi phát khi acid uric tích tụ trong máu. Bình thường, acid này sẽ được lọc ra khỏi máu nhờ hoạt động của thận và bài tiết qua nước tiểu, do một số vấn đề sức khỏe hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp mà cơ thể gặp trở ngại trong quá trình bài tiết acid uric. Khi đó, acid này sẽ lắng đọng quanh khớp và làm hình thành hạt tophi.
Các hạt trên có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, tuy nhiên chúng thường phân bố chủ yếu ở các vị trí như:
- Ngón chân
- Mắt cá chân
- Đầu gối
- Ngón tay
- Cổ tay
- Khuỷu tay
- Tai
Acid uric cũng thường tích tụ ở các mô và hình thành hạt tophi, các mô này chủ yếu gồm:
- Các gân liên kết xương và cơ
- Các sụn khớp
- Bao hoạt dịch tại sụn khớp
- Màng hoạt dịch
- Mô mềm trong khớp (dây chằng hoặc mô mỡ)
Hạt tophi còn có thể xuất hiện tại mô liên kết trong khớp, những vị trí thường chịu ảnh hưởng đó là:
- Củng mạc (lòng trắng của mắt)
- Tháp thận
- Van tim, động mạch chủ, tuy nhiên hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra
Hạt tophi dẫn đến triệu chứng gì?
Những triệu chứng mà hạt tophi gây ra thường khác nhau tùy vào mô cơ quan bị ảnh hưởng, vị trí hình thành và mức độ phát triển. Hạt này thường gây tổn hại tới các khớp, nhất là ngón tay, ngón chân cái, khuỷu tay. Đôi khi, hạt này cũng xuất hiện tại cổ tay hoặc đầu gối ở dạng nốt cứng làm khớp xương bị biến dạng và sưng phồng.
Ở giai đoạn đầu, tình trạng này thường không làm cản trở hoạt động của khớp hoặc không gây cảm giác đau. Tuy nhiên, kích thước của các hạt này có thể tăng dần theo thời gian gây căng da và sưng khớp, điều này sẽ làm bệnh nhân vô cùng đau đớn, nhất là khi các hạt này bị viêm.
Khi kích thước hạt lớn, chúng có thể làm khớp mất ổn định, hạn chế khả năng vận động và bào mòn xương ở khu vực bị ảnh hưởng. Lớp da ở phía trên hạt tophi có thể loét ra và làm rò rỉ hạt mềm ra bên ngoài, hạt này có màu trắng và được tạo nên từ acid uric.
Bên cạnh đó, nếu không được chữa trị các hạt này có thể phá huỷ mô khớp, dẫn đến viêm khớp khiến quá trình vận động đau đớn và khó khăn. Tình trạng này cũng có thể gây biến dạng khớp.
Một số triệu chứng khác bao gồm:
- Khó chịu khi vận động khớp bị bệnh hoặc khó vận động khớp nhiều ngày, ngay cả khi cơn đau nhức đã thuyên giảm
- Sưng, nóng, đau tại khu vực bị ảnh hưởng
- Đau nhức dữ dội tại khớp bị bệnh, nhất là vài tiếng sau khi đợt gout cấp tính diễn ra
- Hạn chế, thậm chí mất khả năng cử động của khớp bị bệnh.
Phương pháp điều trị
Chữa trị hạt tophi là một phần trong kế hoạch trị liệu bệnh gout. Dựa vào mức độ nặng nề của triệu chứng mà bác sỹ có thể chỉ định những phương án trị liệu như:
Điều trị nội khoa
Trường hợp hạt tophi có kích thước nhỏ, không ảnh hưởng tới chức năng vận động hoặc không gây đau thì không cần tiến hành phẫu thuật. Các bác sỹ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc làm giảm nồng độ acid uric, chế độ ăn hạn chế thực phẩm chứa purin và kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Những nhóm thuốc thường được áp dụng là: Thuốc kháng viêm không steroid, corticosteroid, thuốc ức chế xanthine oxidase, uricosurics,…
Can thiệp ngoại khoa
Phẫu thuật là biện pháp cần thiết để loại bỏ những hạt tophi kích thước lớn, tránh tình trạng tổn thương khớp và cản trở quá trình vận động của cơ thể. Phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định là:
- Rạch trên da một đường nhỏ sau đó lấy hạt bên trong ra.
- Nếu khớp bị hư hỏng không thể hồi phục cần phẫu thuật thay khớp.
Tạo lối sống lành mạnh và dinh dưỡng hợp lý
Tình trạng bệnh trên có thể được cải thiện bằng cách tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục thể thao thường xuyên, uống đủ nước, duy trì cân nặng thích hợp.
Ngoài ra, bổ sung các dưỡng chất có lợi từ thực phẩm cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh gout. Các chất dinh dưỡng, thực phẩm có lợi cho người mắc chứng bệnh này bao gồm: Vitamin C, quả anh đào, cà phê, các chế phẩm từ sữa,…
Điều trị kịp thời và kiểm soát tình trạng gout sẽ giúp ngăn ngừa hình thành các hạt tophi và nâng chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần đi khám thường xuyên theo lịch của bác sỹ để theo dõi nồng độ acid uric, nếu có chiều hướng tăng, các bác sỹ có thể đưa ra phương pháp trị liệu kịp thời và thích hợp.