Gai mâm chày khớp gối là bệnh lý xương khớp không nhiều người biết đến do vậy thường bị nhầm lẫn với bệnh khác. Bệnh gây nên tình trạng đau đớn, cứng khớp ảnh hưởng đến vận động. Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của bệnh trong bài viết dưới đây!
Gai mâm chày khớp gối là gì?
Phần xương xốp nằm ở đầu của xương chày khớp gối được gọi là mâm chày. Đây là bộ phận nối liền xương đùi với lồi cầu, đảm nhận nhiệm vụ giúp khớp chuyển động nhẹ nhàng hơn khi hoạt động.
Theo Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (nguyên Phó khoa Đông y Bệnh viện YHCT Quân đội), gai mâm chày khớp gối là bệnh lý cơ xương khớp không nhiều người nhận diện được. Y học định nghĩa gai mâm chày khớp gối là tình trạng phần xương mọc dư thừa trên bề mặt mâm chày khớp gối do sự lắng đọng Canxi.
Người mắc thường có những biểu hiện cụ thể như đau nhức khó chịu, cứng khớp, khớp phát ra tiếng kêu lục cục. Mọi chuyển động duỗi hay gập ở phần gối trở lên khó khăn hơn. Càng để lâu, các triệu bệnh càng nặng thêm, chức năng vận động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân hình thành gai mâm chày khớp gối
Các nghiên cứu đều chỉ ra, đa phần có trường hợp bệnh gai mâm chày khớp gối đều có sự liên quan trực tiếp đến bệnh thoái hóa khớp gối. Trong Y học, đây là bệnh khiến sụn khớp bao bọc 2 đầu xương bị hao mòn, xương ma sát trực tiếp vào nhau khi chuyển động gây ra hàng loạt vấn đề.
Cơ thể sẽ khởi động tự cơ chế tự bù đắp vào phần sụn khớp bị hao mòn. Điều này có nghĩa rằng một lượng Canxi được đưa đến vị trí khớp tổn thương để đẩy nhanh quá trình chữa lành. Tuy nhiên, quá trình này có thể gặp phải trục trặc, lượng Canxi không được chuyển hóa hết mà lắng đọng lại tại khớp. Lâu dần, phần Canxi lắng đọng làm hình thành nên gai xương ngay trên mâm chày. Gai mâm chày khớp gối hình thành từ đây,
Ngoài nguyên nhân kể trên, bệnh có thể hình thành do các nguyên nhân khác như:
- Chấn thương: Chấn thương xảy ra ở mâm chày, đầu gối… do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thể thao là nguyên nhân gây ra gai mâm chày khớp gối. Theo bác sĩ, khi mâm chày bị tổn thương cơ thể sẽ cung cấp thêm nhiều Canxi và các dưỡng chất đến vị trí này để chữa lành tổn thương. Việc không hấp thụ hết Canxi sẽ gây nên tình trạng lắng đọng, sau đó là hình thành gai xương.
- Tuổi tác: Sự lão hóa của xương khớp có liên quan trực tiếp đến tuổi tác. Tuổi càng lớn thì xương khớp của người bệnh càng suy yếu, tăng nguy cơ mắc bệnh gai mâm chày khớp gối.
- Thừa cân, béo phì: Trọng lực cơ thể càng lớn thì áp lực lên cột sống và khớp gối càng nhiều. Tình trạng này kéo dài gây ra thoái hóa, hình thành nên các bệnh lý ảnh hưởng đến gai mâm chày.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Việc bổ sung thiếu các chất dinh dưỡng khiến hoạt động của cơ xương khớp bị ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe. Nguy cơ mắc gai mâm chày khớp gối cao hơn bởi yếu tố này.
- Thói quen sinh hoạt: Các động tác quỳ hay ngồi xổm nếu diễn ra thường xuyên có thể gây ra khả năng bào mòn sụn tại khớp gối, hình thành nên gai xương. Viêc di chuyển nhiều hoặc hay phải mang vác vật nặng cũng ảnh hưởng đến mâm chày đầu gối.
Triệu chứng gai mâm chày khớp gối
Các triệu chứng của gai mâm chày khớp gối hay bị nhầm lẫn sang các bệnh lý khác liên quan đến khớp gối. Thông qua một số dấu hiệu mà chúng tôi liệt kê sau đây, bạn có thể nhận biết bệnh từ sớm:
- Đau khớp gối: Gai xương hình thành ở mâm sụn chèn ép vào phần mô mềm và dây thần kinh xung quanh gây ra các cơn đau. Tình trạng đau càng trở nên dữ dội hơn nếu bạn vận động mạnh, thực hiện các động tác liên quan đến đầu gối đột ngột. Nếu khi can thiệp từ sớm, các cơn đau khớp gối có thể lan tỏa ra diện rộng, người đi đứng không vững.
- Sưng khớp gối: Đa số trường hợp mắc gai mâm chày khớp gối đều có triệu chứng này. Nguyên nhân được bác sĩ chỉ ra là do gai xương mọc trên mâm chày chọc phần mô mềm, từ đó khiến khớp gối sưng to hơn kèm tình trạng đau dữ dội.
- Cứng khớp gối: Triệu chứng cản trở hoạt động của người bệnh, đặc biệt là các động tác ngồi xuống, đứng lên hoặc leo thang. Triệu chứng thường gặp phải vào buổi sáng khi người bệnh vừa ngủ dậy.
- Khớp phát ra tiếng kêu lục cục: Tiếng kêu được tạo ra do mâm chày cọ xát hay các xương ma sát vào nhau khi người bệnh di chuyển.
Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên những ảnh hưởng của bệnh gai mâm chày khớp gối đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày thì rất lớn. Khi gai xương chèn ép vào phần mô mềm hoặc rễ thần kinh người bệnh có thể gặp phải biến chứng viêm khớp, rối loạn chức năng khớp gối. Nghiêm trọng nhất, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nguy cơ tàn phế vĩnh viễn.
Điều trị gai mâm chày khớp gối
Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng kể trên để chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng, xác định mức độ tổn thương. Ở bệnh lý này, bệnh nhân có thể phải thực hiện xét nghiệm chụp X-quang đầu gối, chụp cộng hưởng từ MRI… Các tổn thương ở rễ thần kinh, sụn, dây chằng đều được thể hiện rõ ràng qua hình ảnh xét nghiệm.
Dựa trên mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị sau:
- Dùng thuốc: Thuốc giảm đau (Paracetamol, Codein), thuốc chống viêm không Steroid (Aspirin, Naproxen, Ibuprofen…) là 2 trong các loại thuốc được dùng để kiểm soát tình trạng đau nhức và viêm ở khớp gối. Thuốc tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là khi người bệnh lạm dụng, sử dụng với liều cao.
- Vật lý trị liệu: Người bệnh có thể lựa chọn chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại, sóng vi ba hoặc thực hiện vận động trị liệu để tăng cường tuần hoàn máu đến vùng sụn khớp tổn thương, tăng hiệu quả phục hồi, giảm đau, giảm viêm.
- Phẫu thuật: Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả người bệnh phải cân nhắc phẫu thuật cắt gai xương, thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp gối để ngăn chặn các tổn thương khớp gối tiếp diễn.
Trên đây là thông tin tổng hợp về bệnh gai mâm chày khớp gối. Để hạn chế mắc bệnh, bạn cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và cân nặng của bản thân. Hãy thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bệnh để được hướng dẫn điều trị đúng cách.