Bong gân là tình trạng xảy ra khi dây chằng tại khớp bị kéo căng hoặc rách dẫn tới hiện tượng sưng đau, bầm tím, khiến người bệnh bị hạn chế khả năng đi lại , vận động. Hiện tượng bong gân có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên do khác nhau, trong đó bao gồm việc lao động quá sức, chấn thương khi tập luyện thể thao,… Vậy làm thế nào để phát hiện và điều trị được chứng bệnh trên? Mời bạn đọc cùng chúng tôi tham khảo thêm thông tin qua bài viết dưới đây nhé.
Bong gân là gì?
Bong gân hay nói cách khác chính là tình trạng dây chằng bị chấn thương. Bệnh hình thành do sự vận động quá mức khiến dây chằng bị rách, kéo giãn hoặc đứt, gây ra hiện tượng sưng đau và áp lực cho khớp. Khi bị bong gân, người bệnh có thể gặp triệu chứng mất thăng bằng, đi lại khó khăn, khớp mất ổn định trong khi vận động.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng và bất kỳ vị trí khớp nào của cơ thể. Thông thường, bong gân hay xảy ra phổ biến tại vùng mắt cá chân. Tuy nhiên, đa số đều người mắc đều ở mức độ trung bình và nhẹ, có thể tự khỏi hoặc chỉ cần can thiệp đơn giản.
Yếu tố nguy cơ của tình trạng bong gân
Có thể kể đến một số yếu tố nguy cơ dẫn tới bong gân như sau:
- Vận động: Tình trạng dây chằng bị tổn thương thường hay gặp nhất ở những người bệnh vận động quá sức, liên tục không ngừng nghỉ, chẳng hạn như vận động viên điền kinh, bộ môn nhảy cao, thể dục dụng cụ,…
- Yếu tố thể lực: Một khi cơ thể bạn thiếu năng lượng, trở nên mỏi mệt thì các cơ bắp cũng có dấu hiệu bị suy yếu dần, khả năng thực hiện hoạt động bị suy giảm, dây chằng cũng hoạt động kém và dẫn đến chịu nhiều áp lực.
- Yếu tố môi trường: Địa hình nhiều dốc, không bằng phẳng, trơn trượt có thể là yếu tố làm tăng khả năng bị chấn thương cho khớp và dây chằng.
- Do việc sử dụng giày dép chất lượng kém, không phù hợp với chân trong quá trình làm việc, lao động hoặc chơi thể dục thể thao là khớp bị giảm khả năng được bảo vệ.
- Một trong những nguyên nhân của tình trạng bong gân đó chính là việc người bệnh không có sự khởi động kỹ lưỡng trước mỗi lần tập, điều này khiến cho các cơ không được chuẩn bị, hạn chế việc co duỗi, làm giảm tính linh hoạt của xương khớp.
- Độ tuổi: Do quá trình lão hóa tự nhiên mà người có tuổi tác càng lớn thì nguy cơ bị bong gân và chấn thương xương khớp càng cao.
- Ngoài ra, có thể kể đến một vài yếu tố khác như di truyền, vận động quá sức không nghỉ ngơi hay do việc tập luyện các môn thể thao có cường độ mạnh.
Triệu chứng và dấu hiệu bị bong gân
Để chẩn đoán chính xác tình trạng của bạn, các bác sĩ có thể dựa theo các triệu chứng lâm sàng như sau:
- Đau nhức nghiêm trọng tại vị trí bị chấn thương, có thể bị đau dữ dội hơn nếu chạm hoặc tác động lực vào.
- Có dấu hiệu sưng to và bầm tím tại khu vực bị tổn thương.
- Xuất hiện tình trạng khớp bị mất ổn định.
- Người bệnh đi lại, vận động khó khăn, hạn chế hơn.
- Bệnh nhân không thể đứng thẳng.
Các dấu hiệu bệnh nghiêm trọng bao gồm:
- Người bị đứt dây chằng có thể cảm nhận và nghe được âm thanh rắc rắc, lộp bộp tại nơi bị chấn thương.
- Nhìn thấy hiện tượng xương không thẳng hàng bằng mắt thường.
- Có dấu hiệu bị yếu cơ.
- Các khớp trở nên lỏng lẻo, khó kiểm soát.
Phương pháp điều trị bong gân
Đa số các trường hợp bị bong gân sẽ khỏi nhanh chóng nếu được phát hiện sớm và có biện pháp chữa trị kịp thời. Tuy vậy, ở một vài đối tượng bị bong gân nặng như rách, đứt dây chằng thì người bệnh cần phải đến cơ sở y tế để được điều trị chuyên sâu. Tùy vào thể trạng và mức độ nặng nhẹ khác nhau mà bệnh nhân sẽ được áp dụng một trong các phương pháp như sau:
Điều trị nội khoa
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị bong gân như:
- Thuốc giảm đau: Tylenol, Panadol,… là thuốc giảm đau phổ biến sẽ được dùng cho những trường hợp bị bong gân ở mức độ từ nhẹ, trung bình cho tới nặng. Thuốc có tác dụng nhanh chóng, hiệu quả ngay lập tức, giúp cải thiện triệu chứng sưng đau và khả năng linh hoạt của khớp.
- Thuốc chống viêm không chứa steroid: Gồm Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,… là các loại thuốc chống viêm không có steroid, chúng thường được dùng cho bệnh nhân bị đau sưng mức độ trung bình.
Phục hồi chức năng
Người bệnh có thể sử dụng biện pháp vật lý trị liệu như chườm lạnh, châm cứu, mát xa hay các phương pháp hiện đại như băng gạc, nẹp cố định, nạng,… mà không cần đến thuốc uống. Phương pháp này vừa làm giảm sưng đau hiệu quả, lại vừa giúp cơ thể được thư giãn, thoải mái, hồi phục khả năng vận động.
Ngoài ra, bạn cần chú ý đến chế độ nghỉ ngơi của bản thân, đặc biệt là đối với những đối tượng bong gân do căng thẳng và vận động quá mức.
Can thiệp ngoại khoa
Biện pháp phẫu thuật chỉ được sử dụng trong trường hợp bệnh nghiêm trọng và không có đáp ứng tốt với các hướng điều trị trên. Lúc này, bệnh nhân bị đứt, rách gân sẽ được bác sĩ phẫu thuật ghép nối nhằm cải thiện bệnh.
Biện pháp phòng ngừa bong gân
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ bị bong gân, bạn cần tuân thủ theo một số điều đây:
- Thực hiện các động tác, bài khởi động chân tay như co duỗi, kéo giãn cơ,… trước mỗi khi tập thể thao, lao động hoặc thực hiện các hoạt động khác. Theo nhận định của các chuyên gia thì việc vận động không chỉ giúp cho cơ thể được làm nóng, khớp xương thư giãn và tăng sự linh hoạt mà còn hỗ trợ quá trình lưu thông máu hiệu quả, giảm nguy cơ bị bong gân.
- Bạn cần đi lại cẩn thận, chú ý quan sát nhằm hạn chế các tai nạn, chấn thương kể cả khi lao động, tập thể dục hay tham gia giao thông. Điều này giúp hạn chế tối đa các tổn thương cho xương khớp, dây chằng,… và giảm thiểu tình trạng bong gân.
- Cần điều trị chứng tổn thương cơ, sử dụng nẹp cơ khi cần thiết nhằm giảm lực tác động, chèn ép đến dây chằng và các khớp.
- Sử dụng loại giày thể thao phù hợp với chân khi lao động hay thể thao, không rộng hoặc chật quá. Bạn nên chọn giày chất lượng tốt để giảm nguy cơ bị bong gân, giúp bảo vệ cho khớp và đôi chân của mình.
- Hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng khớp do bạn cứ tập đi tập lại nhiều lần một động tác. Điều này có thể sinh ra hiện tượng đầu độc cơ, là cho các khớp xương của bạn hoạt động quá mức, gây tổn thương và căng thẳng.
Có thể thấy, bong gân không phải là một bệnh lý quá nghiêm trọng nếu bạn biết cách điều trị và phòng ngừa kịp thời. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp bệnh nhân bị bong gân nặng, đứt hoặc rách dây chằng, bạn cần lập tức đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp cấp cứu kịp thời, tránh để lại biến chứng xấu đến sức khỏe của bản thân.