Về mặt thẩm mĩ, xương đòn hay xương quai xanh được coi là một trong những biểu tượng cho vẻ đẹp cuốn hút, nhất là ở phái nữ. Vậy còn về mặt y học thì xương đòn có những đặc điểm và chức năng cụ thể như thế nào?Những vấn đề hay gặp phải với xương này là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những kiến thức cơ bản về xương đòn ở bài viết dưới đây.
Xương đòn là gì?
Cơ thể người gồm có hai xương đòn và xương đòn thuộc chi trên. Hai xương này nằm dưới vai và có hình dạng gần giống chữ S. Một đầu của xương được nối với đầu cùng vai và đầu còn lại được liên kết với xương ức. Xương vai kết hợp cùng với hai xương đòn tạo thành đai vai. Toàn bộ vùng cánh tay được nâng đỡ bởi xương này, nên nó có vai trò tương tự như chiếc đòn gánh và được gọi là xương đòn.
Cấu tạo của xương đòn
Xương đòn có cấu tạo gồm thân xương và hai đầu xương. Về thân xương, phần này có hai mặt, mặt trên và mặt dưới; đồng thời hai mặt đều có phía trong và phía ngoài. Phía ngoài của mặt trên gồ ghề nhưng phía trong thì lại tương đối nhẵn, phần nhẵn này chính là phần chúng ta có thể cảm nhận được khi sờ lên xương qua da. Mặt dưới nhìn chung là gồ ghề, phía trong có một vết ấn còn phía ngoài có củ nón. Về hai đầu, xương đòn có đầu ức ở trong và đầu cùng vai ở ngoài. Đầu ức là đầu được kết nối với xương ức, có đặc điểm dày và to. Đầu cùng vai là đầu được kết nối với mỏm cùng xương vai, có đặc điểm là dẹt.
Chức năng của xương đòn
Chức năng chính của xương đòn là nâng đỡ vùng vai và cánh tay đồng thời tạo ra vòng tròn kết nối giữa xương vai, xương đòn và xương ức ở phần trên của cơ thể. Cụ thể, xương đòn giống như một thanh chắn và một thanh gắn kết giúp các xương khác di chuyển linh hoạt. Cùng với đó, xương này giúp mở rộng phạm vi vận động của vai và giúp lực truyền được phân bố hợp lý, không tập trung vào một chỗ, từ đó bảo vệ cánh tay. Nhờ vào xương đòn, cấu trúc thần kinh phức tạp được giữ gìn, giúp cá chi trên được bảo vệ và hoạt động linh hoạt.
Các vấn đề thường xảy ra ở xương đòn
Gãy xương đòn
Gãy xương đòn được cho là chấn thương phổ biến nhất ở vùng vai với tỉ lệ 35-43%. Xương đòn bị gãy chủ yếu do tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc ngã. Đa số các trường hợp đều bị gãy ở khoảng 1/3 giữa xương. Việc gãy xương quai xanh có thể làm tổn thương đến màng phổi, mạch máu hoặc thần kinh. Tuy nhiên, việc này không hề gây nguy hiểm lớn đến người bệnh bởi xương quai xanh dễ lành. Ngoại trừ một vài trường hợp gãy nghiêm trọng có thể khiến vô số mảnh xương nhỏ, vụn đâm vào các bộ phận gần đó như mạch máu, các bó thần kinh hay đỉnh phổi. Hệ quả là có thể khiến người bệnh bị liệt tay, xuất huyết (bởi mạch máu và dây thần kinh bị tổn thương) hoặc bị tràn khí màng phổi làm suy giảm chức năng hô hấp.
Điều trị bảo tồn và phẫu thuật là hai phương pháp điều trị gãy xương đòn. Phần lớn bệnh nhân được điều trị theo phương pháp bảo tồn bởi phương pháp này không cần phẫu thuật và không đòi hỏi bệnh nhân phải nằm viện. Tuy nhiên, việc này cũng khiến cho xương khi lành lại không có được hình dạng chuẩn ban đầu và có thể gây biến chứng loét da. Phương pháp này bao gồm nhiều cách chữa khác nhau như bó bột, băng số 8 và phương pháp Rieunau. Bệnh nhân cần đến bệnh viện theo dõi thường xuyên cả trong và sau quá trình điều trị để tránh biến chứng. Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng với những trường hợp phức tạp hơn, không phải gãy xương thông thường. Phẫu thuật giúp xương đòn lành lại tốt hơn và đẹp hơn nhưng chi phí cao hơn hẳn và để lại sẹo.
Thoái hóa khớp cùng vai đòn
Thoái hóa khớp cùng đòn là tình trạng thoái hóa khớp ở vị trí cuối xương đòn, đầu nối với khớp cùng vai. Khi khớp cùng đòn chịu một lực lớn tác động lên trong thời gian dài cùng với thoái hóa sẽ khiến bệnh nhân bị viêm thoái hóa khớp cùng vai đòn. Biến chứng này đặc biệt nguy hiểm bởi nó có thể dần làm tiêu xương đòn. Triệu chứng của bệnh này là phía ngoài vai bị sưng, đau nhức và tràn dịch. Bệnh nhân sẽ thấy đau nhất ở vị trí khớp cùng đòn và mức độ đau tăng lên khi vận động. Bên cạnh đó, khi cử động vai, người bệnh có thể nghe thấy tiếng cọ sát. Có thể thấy, khi khớp cùng vai đòn bị thoái hóa có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạt động bình thường của vai và cánh tay. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến khớp vai đau nhức bên cạnh nguyên nhân chóp xoay bị tổn thương.
Có hai phương pháp điều trị thoái hóa khớp cùng vai đòn là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Điều trị nội khoa gồm chườm lạnh (có tác dụng với cơn đau tạm thời, cấp tính); thay đổi cách vận động (hạn chế cử động khi viêm khớp) và sử dụng thuốc giảm đau chống viêm bằng đường uống hoặc tiêm. Điều trị ngoại khoa – phẫu thuật được áp dụng khi điều trị nội khoa không đạt kết quả (thường sau 2-3 tháng điều trị). Phẫu thuật (mổ mở hoặc nội soi) được tiến hành để cắt bỏ đầu cuối xương đòn nơi bị thoái hóa, viêm sưng. Hoặc ngoài ra, các gai xương có thể được mài và khớp cùng đòn được điều chỉnh lại thông qua phẫu thuật. Để tránh phải phẫu thuật hoặc các biến chứng khác, người bệnh cần tiếp nhận điều trị kịp thời. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau ở các trường hợp khác nhau.
Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp thông tin cơ bản về xương đòn (hay xương quai xanh) bao gồm vị trí, cấu tạo và chức năng của xương. Bên cạnh đó, hai vấn đề sức khỏe thường gặp nhất ở xương đòn là gãy xương đòn và thoái hóa khớp cùng vai đòn cũng được đề cập. Người có triệu chứng đau nhức hay khó vận động vùng vai, xương đòn hoặc bị chấn thương do tai nạn vùng này cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.