Xương chày nằm ở cẳng chân, có vai trò quyết định trong việc thực hiện các chức năng của chi dưới như giúp cơ thể đứng vững hay di chuyển, vận động linh hoạt và các chức năng phức tạp hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp những thắc mắc về loại xương này như xương chày là gì?, cấu tạo và chức năng ra sao?, cùng với các bệnh lí liên quan.
Xương chày là gì?
Xương chày có hình dạng hơi cong, theo đó nửa dưới hơi cong và hướng vào trong còn nửa trên thì ngược lại. 2/3 phần thân xương bên trên giống hình lăng trụ tam giác với độ lớn giảm dần từ trên xuống dưới, còn 1/3 thân xương dưới có hình lăng trụ tròn. 1/3 đoạn thân xương này cũng là vị trí dễ bị tổn thương nhất của xương chày. Xương chày là xương lớn nhất nằm ở mặt trước cẳng chân, bên trong xương mác và tiếp nối với xương đùi phía trên. Xương chày được nuôi dưỡng bởi ba nguồn mạch máu là động mạch màng xương, động mạch nuôi xương, động mạch đầu hành xương.
Cấu tạo của xương chày
Phần đầu trên cùng của xương chày là xương mâm chày. Xương này tiếp nối với lối cầu phía trên tạo nên khớp gối và giúp xương chày gắn kết với xương đùi. Mỗi mâm chày đều có dạng xốp ở trong và một bề mặt sụn; ở giữa các mâm chày có các gai là các điểm bám vào của các dây chằng. Bên cạnh nối tiếp với xương đùi qua khớp gối, xương chày còn liên kết với xương mác qua khớp chày – mác trên. Tại đó, lồi cầu ngoài thuộc xương chày có mặt khớp mác được tiếp nối với mặt khớp chỏm mác mặt trong thuộc xương mác.
Xương chày có ba phần chính là đầu gần, thân xương và đầu xa. Cụ thể, lồi cầu trong và lồi cầu ngoài hợp lại thành một khối xương to gọi là đầu gần. Vùng gian lồi cầu là phần ngăn cách các mặt khớp trên ở hai lồi cầu này. Vùng này gồm gian lồi cầu trước và gian lồi cầu sau cùng với lồi gian lồi cầu ở giữa. Phần chính tiếp theo là thân xương với cấu tạo đã được mô tả ở phần trên. Thêm vào đó, thân xương có ba mặt (ở sau, ở trong và ở ngoài) và ba bờ (là bờ gian cốt, bờ trong và bờ trước). Đầu xa có kích thước nhỏ hơn đầu gần. Đầu này tiếp nối với xương sên qua mặt khớp dưới và tiếp nối với xương mác qua khuyết mác. Phần dưới cùng của đầu này cùng với phần trong xương sên cùng tạo thành một mỏm gọi là mắt cá trong.
Chức năng của xương chày
Xương chày có kích thước dài và là xương khỏe nhất của cơ thể người. Nó giúp chi dưới chống đỡ được trọng lượng của cơ thể và là phần chủ chốt chống đỡ sức nặng từ phần đùi trở lên. Không chỉ giúp cơ thể đứng vững, xương chày cùng với xương đùi giúp cơ thể người đứng lên, ngồi xuống và di chuyển một cách linh hoạt. Bên cạnh đó các khớp thuộc xương chày kết hợp với khớp gối ở trên và khớp cổ chân ở dưới giúp liên kết chặt chẽ các xương và đồng thời điều hòa hoạt động của các khớp. Bên trong trục của xương chày còn chứa tủy xương đỏ, tế bào hồng cầu được hỗ trợ sản sinh nhờ loại tủy xương này.
Những bệnh lý và tình trạng sức khỏe liên quan đến xương chày
Gãy xương chày
Gãy xương chày gồm hai loại là gãy đầu trên xương chày và gãy đầu dưới xương chày. Gãy đầu trên xương chày thường do người bệnh bị ngã từ trên cao hoặc bị tai nạn giao thông. Khi bị gãy phần này, hàng loạt các phần khác của cơ thể cũng có thể bị tổn thương như mạch máu, dây chằng, dây thần kinh… khiến bệnh nhân đau đớn và phải chịu một vài hệ quả liên quan. Gãy đầu dưới xương chày hay được gọi là gãy Pilon xảy ra do chân phải chịu một lực va chạm mạnh. Đường gãy ở phần này sẽ đi vào diện khớp cổ chân. Do đó, cổ chân cũng bị ảnh hưởng như sưng hay biến dạng cấu trúc. Bệnh nhân sẽ thấy rất đau và nếu xảy ra gãy xương hở thì cần phải được phẫu thuật ngay để tránh nhiễm trùng.
Tùy vào từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị gãy xương chày phù hợp. Với điều trị nội khoa, bệnh nhân được bó bột cố định xương và hạn chế cử động của chân; vật lý trị liệu; được hướng dẫn tập luyện tại nhà và dùng nạng để di chuyển khi phù hợp. Với các trường hợp phức tạp như xương vỡ vụn, gãy xương hở hay xương chân yếu, phẫu thuật có thể được chỉ định. Xương chày là xương khó lành nhất và thường phải mất từ 4-6 tháng thì xương mới có thể hồi phục trở lại.
Loãng xương
Loãng xương là vấn đề có thể gặp ở bất kì xương nào trong cơ thể. Nếu loãng xương xảy ra ở xương chày thì sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của cẳng chân cũng như của cả chi dưới. Bởi vì khi xương bị loãng tức là xương mất dần các chất dinh dưỡng, trở nên mỏng hơn, xốp hơn và giòn hơn. Nếu xương chày gặp phải tình trạng này, cẳng chân sẽ yếu dần đi khiến cơ thể khó đứng vững hơn cũng như di chuyển không còn linh hoạt như trước. Việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng.
Để điều trị loãng xương, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc phù hợp với mức độ loãng xương của bệnh nhân. Các loại thuốc này gồm thuốc bổ sung canxi (không quá 1500/ngày); thuốc bổ sung vitamin D (không quá 1000 UI/ngày); nhóm thuốc Bisphosphate; thuốc Cholecalciferol 2800UI; Calcitonin (100UI/ngày dưới dạng tiêm hoặc 200UI/ngày dưới dạng xịt). Đặc biệt phải kể đến là Strontium ranelate, một loại thuốc có tác dụng kép là đẩy nhanh quá trình tạo xương đồng thời ức chế quá trình hủy xương, làm xương xốp rỗng. Mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ và chống chỉ định khác nhau nên người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Xương chày là một xương quan trọng của chi dưới. Lưu ý rằng, xương chày là xương mất nhiều thời gian nhất để phục hồi và hoạt động của chân cũng bị hạn chế tương đối lớn. Do đó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường ngày của người bệnh. Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp thông tin hữu ích, giúp người đọc hiểu rõ hơn về loại xương này.