Viêm tủy xương là tình trạng viêm nhiễm ở xương, bệnh tiến triển gây nên những cơn đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Vậy viêm tủy xương là gì, triệu chứng cụ thể, nguyên nhân gây bệnh, cách chữa và cách phòng bệnh như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Viêm tủy xương là gì?
Viêm tủy xương là hiện tượng nhiễm khuẩn cấp tính hay mãn tính ở xương bao gồm tủy xương hay mô mềm quanh xương. Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào xương thông qua một vết thương hở. Một số trường hợp, vi khuẩn có thể di chuyển đến xương từ các mô lân cận và máu bị nhiễm trùng nhưng không được kiểm soát.
Nguyên nhân gây viêm tủy xương
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm tủy xương đó chính là vi khuẩn. Trong đó, tụ cầu vàng là nhóm vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất, bao gồm:
- Các loại trực khuẩn đường ruột, điển hình như E. coli
- Các chủng Pseudomonas
- Liên cầu tan huyết nhóm B…
Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào xương theo một trong những hướng sau:
- Vết thương hở: đây là con đường mà vi khuẩn thường xâm nhập nhất, đặc biệt là khi vết thương đã bị nhiễm trùng.
- Gãy xương: vi khuẩn cũng có thể đi theo vết xương bị gãy tấn công vào bên trong.
- Phẫu thuật: Nếu phẫu thuật điều chỉnh xương gãy hoặc thay khớp bằng những dụng cụ không được đảm bảo vô trùng, cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
- Máu và các mô lân cận: Vi khuẩn có thể di chuyển từ các mô lân cận hoặc từ những bộ phận khác di chuyển đến một điểm bất thường của xương thông qua đường máu và gây viêm. Điển hình là những bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng bàng quang và viêm phổi.
Yếu tố rủi ro của bệnh viêm tủy xương
Bên cạnh nguyên nhân chủ đạo do vi khuẩn, bệnh viêm tủy xương cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố sau đây:
- Tuổi tác: khi tuổi càng cao, lớp sụn bảo vệ xương dần bị bào mòn, điều này sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công
- Bệnh tiểu đường
- Nhiễm trùng da
- Rối loạn tuần hoàn máu
- Sử dụng khớp giả, chạy thận nhân tạo
- Hệ miễn dịch suy giảm
- Tác dụng phụ của thuốc
- Phẫu thuật chỉnh hình hoặc chấn thương
Phân loại bệnh viêm tủy xương
Bệnh viêm tủy xương được chia thành 2 dạng chính:
Viêm xương tủy xương
- Bệnh viêm tủy xương cấp tính: Viêm cấp tính xảy ra từ đường máu và đường kế cận.
- Bệnh viêm tủy xương mạn tính: Viêm mạn tính xảy ra sau khi bệnh nhân bị viêm cấp tính đường máu. Gồm giai đoạn chính và giai đoạn thứ cấp.
Viêm tủy xương không do thoái hóa khớp
- Viêm xương đặc (xơ cứng khu trú)
- Xơ cứng lan tỏa
- U xương
- Viêm phúc mạc tăng sinh
Tùy vào từng loại bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp nhất cho người bệnh.
Bệnh viêm tủy xương ở trẻ em và người lớn
Bệnh viêm tủy xương ở trẻ em
Viêm tủy xương ở trẻ em thường tồn tại dưới dạng cấp tính với diễn biến nhanh chóng. Ở thể này, bệnh được kiểm soát dễ dàng hơn, ít gây ra biến chứng cho người bệnh.
Các triệu chứng của bệnh ở trẻ em thường xuất hiện ở xương chân hoặc xương cánh tay.
Bệnh viêm tủy xương ở người lớn
Khác với trẻ em, viêm tủy xương ở người lớn có thể xảy ra ở cả thể cấp và mãn tính. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường kéo dài và có xu hướng tái phát nhiều lần kể cả sau khi điều trị khỏi.
Những triệu chứng của bệnh thường xảy ra ở vùng đốt sống, xương chậu, đôi khi là bàn chân, gây khó khăn cho quá trình vận động của người bệnh.
Triệu chứng của viêm tủy xương
Triệu chứng của viêm tủy xương thường có sự tiến triển rõ rệt từ 7- 10 ngày với các biểu hiện cụ thể như sau:
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi
- Sốt nhẹ, kèm cảm giác ớn lạnh, rét run
- Buồn nôn
- Đỏ, sưng tấy tại vùng bị nhiễm trùng
- Sưng to quanh xương
- Trong thời gian đầu những cơn đau thường không rõ rệt, sau đó trở nên nghiêm trọng với những cơn đau dữ dội
- Suy giảm chức năng vận động
- Đôi khi chọc sẽ thấy mủ
- Ở trẻ em, có thể thấy sự chênh lệch độ dài của các chi so với các bên còn lại
- Đối với người lớn, thường thấy các dị tật ở cột sống, xương chậu và chân
Khi gặp một trong những triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị bằng phương pháp phù hợp.
Mức độ nghiêm trọng của viêm tủy xương
Nếu viêm tủy xương không được điều trị sớm có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
- Hoại tử xương
Bệnh viêm tủy xương làm cho quá trình lưu thông máu nuôi dưỡng xương trở nên khó khăn. Trong thời gian dài, điều này sẽ làm xương suy yếu và chết dần.
- Viêm khớp nhiễm trùng
Tình trạng nhiễm trùng trong xương khi không được điều trị triệt để sẽ lan rộng sang một hoặc nhiều khớp gần đó, gây viêm.
- Tăng trưởng kém
Trong trường hợp viêm tủy xương xảy ra ở trẻ em sẽ khiến sự phát triển của xương hoặc khớp sẽ trở nên bất bình thường. Một số trường hợp gặp phải tình trạng chênh lệch độ dài của tay, chân với bên còn lại.
- Ung thư da
Viêm tủy xương có thể gây ra một số vết loét hở, có mủ chảy ra, khiến vùng da xung quanh bị tổn thương. Điều này dẫn đến nguy cơ cao mắc ung thư da, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Bệnh viêm tủy xương chẩn đoán như thế nào?
Chẩn đoán lâm sàng:
- Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, thăm khám tổng quát
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xquang xương: trong 7-10 ngày đầu, hình ảnh thể hiện trên phim chụp chưa mấy rõ ràng. Sau 12 ngày, dấu hiệu viêm xương bắt đầu rõ.
- Chụp cắt lớp xương có thể giúp thấy các thay đổi của phần mềm do phản ứng viêm.
- Các xét nghiệm máu tốc độ máu lắng cao, bạch cầu tăng…
- Xạ hình xương toàn thân với Tc99m-MDP: đây là kỹ thuật phát hiện viêm tủy xương khá chuẩn xác, hiện đại.
- Chụp MRI
Phương pháp điều trị viêm tủy xương
Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm tủy xương thường được áp dụng:
- Sử dụng thuốc kháng sinh
Bởi nguyên nhân chính của tình trạng viêm tủy xương là vi khuẩn, do đó việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn. Một số loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng gồm: Kháng sinh nhóm Aminoglycosid, Fluoroquinolon (Ciprofloxacin), Ceftazidim hoặc Cefepim, Mezlocillin, Vancomycin…
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các loại thuốc kháng sinh này, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Phẫu thuật
Phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nặng, khi mà thuốc điều trị không phát huy tác dụng. Phẫu thuật giúp loại bỏ mầm mống gây bệnh triệt để, chặt đứt sự lây lan của vi khuẩn, nhưng chi phí khá tốn kém, có thể để lại biến chứng hậu phẫu. Do đó, khi có thông báo thực hiện phẫu thuật từ bác sĩ, bạn cũng cần suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tủy xương
Ngoài việc luôn giữ cho cơ thể sạch sẽ, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để ngăn ngừa bệnh viêm tủy xương:
- Trong các hoạt động sống, vui chơi, thể thao, lao động bạn cần chú ý không để cơ thể bị chấn thương, trầy xước
- Nếu có chấn thương xảy ra, cần được sát khuẩn cẩn thận, đến cơ sở y tế khi vết thương quá sâu.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, kiểm soát tốt lượng đường trong máu
- Luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
- Khi phát hiện những dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc triệu chứng của viêm tủy xương, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm tủy xương là một bệnh khá nguy hiểm, do đó người bệnh không nên chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, đến gặp bác sĩ ngay nếu nghi mắc bệnh để hạn chế những biến chứng sau này.