Viêm gân gây đau đớn và ảnh hưởng tới khả năng vận động và sinh hoạt của người mắc. Tình trạng này khá thường gặp sau chấn thương hoặc khi vận động quá mức nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng tổn thương này từ đó có cách điều trị hiệu quả nhất, mời bạn đọc theo dõi!
Viêm gân là gì?
Gân là cấu trúc hợp thành bởi các sợi mô dày, nó có nhiệm vụ chính là tạo liên kết cho cơ và xương. Viêm gân là tình trạng gân bị viêm hoặc kích ứng gây đau đớn. Tình trạng này cũng có thể làm tổn thương đến các khớp xương và làm hạn chế vận động.
Viêm gân có thể xảy ra ở bất cứ phần gân nào của cơ thể. Tuy nhiên ở những vị trí, bộ phận có biên độ hoạt động lớn như đầu gối, vai, khuỷu tay, cổ tay, gót chân thì tình trạng này phổ biến hơn cả.
Trong hầu hết các trường hợp trong thực tế thì viêm gân thường không quá nghiêm trọng và người bệnh hoàn toàn có thể thực hiện những biện pháp tự điều trị ngay tại nhà để viêm gân được chữa lành sau 2-3 tuần. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp viêm gân khiến người bệnh quá đau đớn, tiến triển thành biến chứng thì bắt buộc phải được can thiệp ngoại khoa nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Phân loại viêm gân
Phân loại viêm gân dựa trên vị trí mắc. Bản chất thì bất cứ phần gân nào trong cơ thể cũng có thể bị viêm nhưng những gân dễ bị kích ứng sẽ dễ mắc bệnh này nhất. Dưới đây là các dạng viêm phổ biến:
Viêm gân ở gót chân
Gân gót chân được ví như cầu nối giữa gân nối gót chân và các cơ bắp chân. Viêm gân gót chân hay viêm gân Achilles là một trong những tổn thương do chấn thương phổ biến nhất khi chơi thể thao, đi giày chật hoặc do bàn chân không được nâng đỡ với lực phù hợp.
Ngoài ra tình trạng viêm gân ở gót chân còn rất phổ biến ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
Tổn thương viêm gân gót chân khiến cho người bệnh cảm thấy rất đau đớn ở phần này. Thậm chí nó còn khiến người bệnh có cảm giác khớp chân bị cứng, đau dữ dội liên tục hay cảm giác như có khối u mọc ở phía sau phần khớp mắt cá vô cùng khó chịu. Tính chất cơn đau thay đổi theo hoạt động của người bệnh, nhẹ bớt khi giảm vận động và tăng lên khi theo cường độ hoạt động. Thông thường người bệnh sẽ phải cần đến các thủ thuật trị liệu, chườm đá lạnh hay thậm chí là dùng thuốc giảm đau để kiểm soát tính trạng này.
Viêm ở điểm bám gân xương chày
Ở điểm viêm này, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn ở phần mặt trong của khu vực mắt cá chân. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn mỗi khi người bệnh đi lại và làm cho họ không thể đứng lên theo cách tỳ các ngón chân xuống bình thường. Thường thì trường hợp này có thể gây ra hội chứng bàn chân bẹt nếu như không được điều trị.
Để thuyên giảm cơn đau này thường người bệnh sẽ cần hạn chế vận động, làm trị liệu, sử dụng nẹp chỉnh hỗ trợ hoặc thay thế kiểu giày dép…
Viêm gân ở bánh chè
Đây là tình trạng đau và viêm sưng ở dưới xương bánh chè, nó khá phổ biến ở những vận động viên bóng rổ hay những người thường chơi thể thao có đặc điểm chạy nhảy liên tục. Để thuyên giảm tình trạng này thì cần tăng cường nghỉ ngơi, dùng các thuốc chống viêm hoặc thậm chí là tiêm huyết tương giảm tiểu cầu vào vị trí tổn thương.
Viêm gân chóp xoay
Viêm gân chóp xoay là nguyên nhân hàng đầu gây đau vai gáy do gân chóp xoay bị kích thích quá mức nếu người bệnh xoay cánh tay quá biên độ. Ngoài ra nguyên nhân viêm bao hoạt dịch hay viêm quanh khớp vai cũng là những lý do phổ biến gây bệnh. Để giảm đau thường người bệnh sẽ cần tăng cường nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau hay thậm chí là làm phẫu thuật nếu cần thiết.
Viêm gân cầu lồi ngoài xương cánh tay
Tình trạng này cũng thường được biết đến với tên gọi là viêm khuỷu tay quần vợt. Nó xảy ra nếu gân liên kết cơ ở cẳng tay và xương cánh tay bị rách hay tổn thương. Tên gọi của tình trạng này cũng xuất phát từ việc những người chơi bộ môn quần vợt, bóng chày, bóng bàn, cầu lông… những môn khiến hoạt động liên tục ở cổ hay khuỷu tay.
Để giảm đau, người bệnh có thể phải kiêng vận động quá mức ở cổ tay, khuỷu tay rồi thực hiện những bài tập giúp cải thiện chức năng vận động. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể sẽ cần phẫu thuật.
Viêm gân ở cổ tay
Đây là tình trạng khá phổ biến gây ra các cơn đau và tình trạng sưng phù quanh khớp cổ tay. Viêm gân cổ tay thường là hệ quả của việc các gân vùng này bị viêm, tích tụ dịch lỏng trong vỏ bọc gân.
Để giảm đau thường người bệnh sẽ cần hạn chế cử động cổ tay bằng nẹp cố định trong thời gian ngắn hoặc thậm chí là làm phẫu thuật để giảm chèn ép, tăng biên độ vận động của cổ tay.
Các triệu chứng của tình trạng viêm gân
Khi bị viêm gân thì dấu hiệu điển hình nhất là tình trạng viêm sưng, đau đớn tại vị trí tổn thương. Những triệu chứng này có thể xuất hiện dần dần, tăng nặng theo thời gian và có liên hệ mật thiết với cường độ vận động. Ngoài ra còn có một số dấu hiệu đặc trưng khác bao gồm:
- Sưng ở gân
- Vùng da bao bọc trên gân sẽ có cảm giác mềm hơn bình thường
- Đau đớn mỗi khi cử động ở vị trí bị ảnh hưởng
- Khi cử động khớp sẽ có cảm giác ma sát hoặc nứt khớp
- Cảm giác căng cứng khó chịu ở khớp và gân do viêm sưng
- Cảm nhận rõ có một khối u hay nốt sần mọc ở trên gân
Các triệu chứng kể trên có thể kéo dài trong nhiều ngày hay thậm chí là cả tuần hoặc nhiều tháng liền. Người bệnh khi thấy những dấu hiệu trên thì tuyệt đối không được chủ quan vì nó có thể khiến gân bị căng giãn quá mức hay thậm chí là bị đứt gân rất nguy hiểm.
Viêm gân là do những nguyên nhân nào?
Nguồn gốc sâu xa gây viêm gân là do những tổn thương hình thành khi phần cơ thể phải liên tục lặp đi lặp lại một hành động/chuyển động nào đó. Ngoài ra nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ việc người bệnh thực hiện một động tác sai khi vận động, đi lại, chơi thể thao. Trong đó những hoạt động phổ biến nhất có thể hình thành tổn thương này là: Vận động viên chơi thể thao, người ném bóng/ném biên, người làm vườn, người làm mộc, họa sĩ, người làm pha chế…
Ngoài các nguyên nhân kể trên, tình trạng này có thể gây ra bởi các yếu tố nguy cơ sau:
- Cấu trúc xương khớp bất thường trong bệnh thoái hóa khớp gây áp lực lên cấu trúc của gân cùng các mô mềm xung quanh nó.
- Do bệnh lý như gút, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến hoặc do lạm dụng thuốc gây phản ứng tiêu cực.
- Tập luyện thể thao với cường độ cao khi cơ thể chưa thích nghi với những hoạt động mới.
- Nhiễm trùng từ vết cắn của động vật
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Tuổi cao (trên 40 tuổi), tính chất nghề nghiệp vận động lặp lại hoặc yêu cầu làm việc ở những tư thế xấu, chơi thể thao có chuyển động lặp lại, người bị bệnh tiểu đường hoặc mắc bệnh viêm khớp dạng thấp…
Điều trị viêm gân như thế nào?
Bản thân viêm gân trong đa số trường hợp đều có thể không quá nguy hiểm nhưng nếu không điều trị thì có thể gây đứt gân, hạn chế vận động… do đó, tình trạng này cần được khắc phục sớm với mục tiêu hướng đến hai mục đích giảm viêm và giảm đau. Các biện pháp khắc phục và điều trị bao gồm:
Tăng cường nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi đầy đủ để các triệu chứng có thời gian thuyên giảm. Nghỉ ngơi cũng bao gồm cả hạn chế vận động ở điểm đau bằng cách băng hoặc nẹp cố định tạm thời.
Chườm nóng hoặc lạnh
- Chườm lạnh trong khoảng 48 giờ sau khi xuất hiện tổn thương giúp giảm viêm. Thường sẽ cần chườm trog 10-15 phút/lần, 2 lần trong ngày. Lưu ý cần bọc đá trong khăn mỏng rồi mới áp lên da để tránh bị bỏng lạnh.
- Chườm nóng hoặc tắm nước ấm sẽ giúp giảm đau, thư giãn gân cốt hiệu quả sau thời gian giảm viêm bằng chườm lạnh.
Dùng thuốc
Dùng thuốc để giảm đau đớn trong trường hợp cần thiết. Một số loại thuốc có thể được dùng sẽ được liệt kê dưới đây. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ định y khoa để giảm thiểu rủi ro và tác dụng phụ không cần thiết có thể xảy ra.
- Thuốc giảm đau chống viêm: Dạng uống điển hình là Aspirin, ibuprofen hoặc naproxen sodium. Ngoài ra còn có các loại thuốc giảm đau dạng kem bôi ngoài da. Những thuốc này sẽ giúp giảm đau, giảm viêm sưng khá nhanh chóng.
- Corticoid: Chỉ định tiêm corticosteroid xung quanh vùng gân bị tổn thương nhằm mục đích giảm viêm và giảm đau trong những trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên nó tiềm ẩn vô cùng nhiều tác dụng phụ nên chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm gân kéo dài trên 3 tháng và người bệnh không cho đáp ứng tốt với những biện pháp trị liệu khác. Chống chỉ định tiêm corticosteroid nhiều lần hoặc trong thời gian dài vì có thể làm yếu gân và đứt gân.
- Sử dụng huyết tương giảm tiểu cầu: Thường được dùng bằng đường tiêm bằng cách lấy mẫu máu của người bệnh để tách tiểu cầu rồi tiêm dung dịch điều trị vào vùng viêm gân để thuyên giảm triệu chứng.
Làm vật lý trị liệu
Thực hiện một số bài tập trị liệu hoặc thể dục dụng cụ nhằm tăng cường sức mạnh của gân là cần thiết để giảm triệu chứng trong các trường hợp viêm gân mãn tính hoặc không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác.
Phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu như các phương pháp kể trên không mang lại hiệu quả. Thường phẫu thuật viêm gân có hai loại là:
- Phẫu thuật siêu âm: Là thủ thuật xâm lấn tối thiểu giúp loại bỏ những sẹo trên gân nhằm cải thiện triệu chứng viêm.
- Phẫu thuật cải thiện các triệu chứng: Dựa trên các cấp độ nghiêm trọng của chấn thương vùng gân mà có phương pháp phù hợp.
Các cách phòng tránh viêm gân
- Tránh hoạt động căng thẳng quá mức trong thời gian dài. Nếu luyện tập mà thấy đau đớn bất thường thì phải nghỉ ngơi ngay.
- Thường xuyên luyện tập các bài tập giúp tăng cường sức dẻo dai của gân như đạp xe, bơi lội, đi bộ, chạy bền…
- Thực hiện đúng kỹ thuật khi thực hiện những động tác mới.
- Luôn khởi động để làm nóng cơ thể trước khi luyện tập, chơi thể thao để giảm nguy cơ chấn thương.
- Luôn cố gắng duy trì tư thế đúng khi ngồi làm việc, đứng hoặc khi nâng vật nặng…
Trên đây là những kiến thức tổng hợp về tình trạng viêm gân. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích!