Viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay có thể xảy ra ở bất cứ ai, dẫn đến tình trạng cổ tay đau nhức và sưng tấy dữ dội. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày. Chính vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên, bệnh nhân cần đi thăm khám ngay để được chẩn đoán kịp thời.
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay là gì?
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay là xảy ra khi những bao hoạt dịch ở khu vực cổ tay bị kích ứng và tổn thương. Bao hoạt dịch là các túi dịch nhỏ nằm giữa khớp xương, gân và cơ, đảm nhận nhiệm vụ bôi trơn khớp để hoạt động của cổ tay linh hoạt và ít chịu ma sát hơn.
Tình trạng này khá phổ biến và thường gặp nhất ở những người hay tham gia các hoạt động thể thao, đòi hỏi phải sử dụng cổ tay nhiều, ví dụ như vận động viên quần vợt, vận động viên bóng chày,… Theo các bác sĩ, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Nguyên nhân viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay
Các nguyên nhân dẫn đến viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay có thể kể đến là:
- Chấn thương: Chấn thương được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng bao hoạt dịch khớp cổ tay bị viêm. Những tác động từ bên ngoài kích thích các túi dịch nhỏ bên trong khớp và dẫn đến sưng tấy, đau nhức. Thường thì những chấn thương này là do sự vận động, sử dụng khớp cổ tay quá mức gây ra hoặc do người bệnh lặp đi lặp lại một đông tác với cổ tay.
- Viêm nhiễm: Trong một số trường hợp, viêm bao hoạt dịch ở cổ tay có thể bắt nguồn từ vi khuẩn. Vốn dĩ trên da của con người có tồn tại một số loại vi khuẩn nội sinh cũng như vi khuẩn theo không khí bám vào cơ thể. Thông qua những vết thương hở, những vi khuẩn này xâm nhập vào bên trong và gây hại đến bao hoạt dịch. Nguyên nhân này thường thấy ở những người có hệ miễn dịch yếu bẩm sinh hoặc những người đang mắc phải các bệnh như tiểu đường, HIV/AIDS, ung thư,….
- Rối loạn hệ miễn dịch: Bên cạnh hai nguyên nhân kể trên, viêm bao hoạt dịch cổ tay cũng có thể do rối loạn hệ miễn dịch gây ra. Thông thường, hệ miễn dịch chỉ tấn công các vi khuẩn, virus gây hại xâm nhập trái phép vào cơ thể.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có một số bệnh lý nền như gout, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp,… thì hệ miễn dịch có thể tấn công ngược đến các túi hoạt dịch khỏe mạnh, gây ra tình trạng viêm sưng.
Triệu chứng viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay
Người bệnh viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay có thể có các biểu hiện sau đây:
- Đau ở cổ tay: Triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên. Cơn đau ban đầu tập trung ở vùng cổ tay, sau đó có thể lan rộng sang bàn tay và cẳng tay. Tùy vào mức độ tổn thương của bao hoạt dịch mà mức độ đau nhức cũng có sự khác biệt. Đau có thể chỉ buốt nhói, âm ỉ nhưng cũng có thể dữ dội như dao cứa.
- Sưng tấy: Đa số các trường hợp viêm bao hoạt dịch đều có biểu hiện sưng tấy, viêm bao hoạt dịch cổ tay cũng không ngoại lệ. Người bệnh có thể nhìn thấy rõ ràng phần cổ tay của mình nổi lên một cục u, khi sờ tay vào thì thấy mềm và lõm xuống.
- Cứng khớp, khó cử động: Do bao hoạt dịch có nhiệm vụ bôi trơn khớp nên khi nó bị viêm sưng, người bệnh rất dễ bị cứng khớp và cử động cổ tay trở nên khó khăn hơn. Các cơn đau cũng có thể là một yếu tố tác động bổ sung khiến việc thực hiện những động tác chuyển động cổ tay bị cản trở đáng kể.
- Các triệu chứng khác: Trong trường hợp viêm bao hoạt dịch ở khớp cổ tay có nguyên nhân do vi khuẩn nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: Sốt cao, sưng đỏ ở cổ tay, sờ vào cổ tay cảm thấy nóng, chóng mắt, cơ thể mệt mỏi,….
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay nguy hiểm không?
Về cơ bản, viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay không phải là tình trạng y tế nguy hiểm hay khẩn cấp và có thể chữa khỏi hoàn toàn thông qua các biện pháp nội khoa. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện muộn hoặc điều trị không đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Yếu sức, mất sức ở bàn tay: Khớp cổ tay có vai trò quan trọng đối với các hoạt động của bàn tay. Một khi bao hoạt dịch bị viêm nghiêm trọng, tình trạng yếu sức, mất sức chi trên có thể xảy ra. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình làm việc, học tập và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.
- Biến dạng khớp cổ tay: Đây cũng là một biến chứng thường thấy ở người bệnh. Bao hoạt dịch sưng tấy và chèn ép lên những dây thần kinh, gân cơ, mạch máu lân cận. Điều này dẫn đến hiện tượng biến dạng khớp cổ tay kèm theo đó là những cơn đau dai dẳng khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh xuống cấp nghiêm trọng.
Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay
Để chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay, các bác sĩ cần:
- Khám lâm sàng: Các bác sĩ bắt đầu bằng việc khám sơ bộ khu vực khớp cổ tay. Họ cũng thường hỏi thêm người bệnh về các hoạt động thường ngày để xác định liệu nguyên nhân có liên quan đến lao động quá sức hay chấn thương hay không.
- Xét nghiệm hình ảnh: Sau khi đã khám lâm sàng, các bác sĩ tiếp tục cho người bệnh thực hiện chụp X-quang và chụp CT. Hình ảnh thu được có thể giúp bác sĩ tìm ra vị trí viêm, mức độ viêm và xem xét bao hoạt dịch viêm có chèn ép lên dây thần kinh hoắc mạch máu.
- Xét nghiệm máu: Nếu người bệnh có biểu hiện sốt và sưng đỏ ở cổ tay, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu từ khu vực bị ảnh hưởng. Mẫu máu sau đó được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích và tìm ra sự tồn tại của vi khuẩn gây hại.
Điều trị viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay
Hiện nay, các biện pháp điều trị viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay gồm có:
Biện pháp tại nhà
Hầu hết các trường hợp bao hoạt dịch khớp cổ tay bị viêm có thể được điều trị và chăm sóc tại gia. Trong thời gian này, người bệnh nên giữ liên lạc với bác sĩ để được tư vấn, giám sát và giải đáp thắc mắc kịp thời. Các biện pháp tại nhà bao gồm:
- Dùng băng hoặc nẹp cổ tay: Các thiết bị hỗ trợ này giúp bảo vệ cổ tay và hạn chế tối đa sự va chạm không cần thiết.
- Chườm nóng/lạnh: Nếu người bệnh bị các cơn đau khó chịu quấy rầy thường xuyên thì có thể áp dụng thêm chườm lạnh hoặc chườm nóng. Biện pháp này giúp cải thiện đáng kể cảm giác nhức mỏi cũng như thúc đẩy lưu thông máu tốt hơn.
Biện pháp Tây y
Nếu tình trạng của người bệnh nặng hơn cũng như các biện pháp tại nhà không mang lại hiệu quả, các bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc sau:
- Thuốc chống viêm steroids: Những loại thuốc chống viêm liều mạnh này thường được tiêm trực tiếp vào khu vực bị ảnh hưởng. Thông qua các hoạt chất steroids, cơ thể không thể sản xuất được hormone gây viêm prostaglandin, nhờ đó mà các triệu chứng thuyên giảm hẳn.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh, ví dụ như amoxicilin, được sử dụng với bệnh nhân viêm bao hoạt dịch cổ tay do nhiễm trùng. Do loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên bệnh nhân cần hết sức lưu ý trong quá trình điều trị.
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là với những người thường xuyên phải hoạt động cổ tay với tần suất dày đặc. Chính vì vậy, để phòng tránh hiệu quả tình trạng này, mọi người nên chú ý trong quá trình lao động và sinh hoạt cũng như đặt lịch khám sức khỏe định kỳ sáu tháng một lần.