U xương là hiện tượng tê bào mô xương phát triển một cách bất bình thường, gây ảnh hưởng đến cấu trúc xương cũng như sức khỏe của người bệnh. Tình trạng này nên được phát hiện và điều trị sớm để phòng ngừa nguy cơ biến chứng đồng thời tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân.. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về chủ đề nói trên thì đừng bỏ qua bài viết tổng hợp sau đây.
U xương là gì? Phân loại
U xương xảy ra khi những tế bào mô xương phân chia và phát triển một cách bất thường, cuối cùng tích tụ thành một khối u gây ảnh hưởng đến cấu trúc của xương. Tình trạng này có thể bắt gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác hay giới tính.
Các bác sĩ thường phân loại u xương thành hai dạng, một là lành tính, một là ác tính. Khối u dạng lành tính không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, nhất là khi chúng phát triển về kích thước rồi chèn ép những dây thần kinh gần đó. Đối với trường hợp u ác tính tiến triển thành ung thư xương, người bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Các loại u xương thuộc nhóm lành tính có thể kể đến là:
- U xương sụn (tên tiếng Anh: Osteochondroma): Loại này phổ biến hơn cả, chiếm khoảng 40% số ca bệnh u xương lành tính. Đối tượng thường gặp là thanh thiếu niên tuổi dậy thì. Nó hình thành chủ yếu từ các mô xương sụn ở cánh tay và cẳng chân.
- U sợi đơn bào kém phát triển (tên tiếng Anh: Non ossification fibroma unicameral): Khối u hình thành từ các sợi đơn bào phát triển dị thường, tập trung nhiều ở xương chân.
- U sụn: (tên tiếng Anh: Enchondroma): Khối u phát triển bên trong tủy xương, gặp nhiều ở trẻ em sơ sinh. Bệnh có thể kéo dài trong nhiều năm, đến tận khi bệnh nhi trưởng thành.
- U khổng lồ (tên tiếng Anh: Giant cell tumors): Loại u xương này có tốc độ tăng trưởng nhanh và được tìm thấy nhiều hơn ở người lớn. Do kích thước lớn nên khối u cần được loại bỏ sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
- Loạn sản xơ xương (tên tiếng Anh: Fibroma unicameral): Tình trạng này khá hiếm gặp, xảy ra khi tế bào xương bị rối loạn và trở nên xơ cứng, giòn yếu hơn bình thường.
- Nang xương phình mạch (tên tiếng Anh: Aneurysmal bone cyst): Khối u nang xương này phát triển bên trong ống xương, có liên quan đến phần tủy. Bệnh thường tiến triển nhanh và ảnh hưởng đến các mạch máu.
Đối với dạng u ác tính, chúng được chia thành năm loại sau đây:
- U xương ác tính (tên tiếng Anh: Osteosarcoma): Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi thiếu niên với hệ xương đang phát triển nhanh chóng. Nếu không điều trị sớm, u ác tính rất dễ di căn đến các khu vực khác.
- Sarcoma Ewing: Khối u sarcoma hình thành ở khoang tủy rồi bắt đầu lan rộng sang toàn bộ ống xương. Giống như u xương ác tính, sarcoma ewing xảy ra nhiều hơn ở trẻ em.
- Ung thư sụn (tên tiếng Anh: Chondrosarcoma): Loại này thường xảy ra ở người trưởng thành, nhất là đối tượng trên 50. Tế bào ung thư ác tính là tế bào xương sụn.
- Ung thư xương thứ phát: Tình trạng này là dạng ung thư xương do di căn. Nghĩa là tế bào ung thư phát triển ở bộ phận khác sau đó mới di chuyển đến mô xương.
- Da u tủy: Khối u hình thành bên trong tủy xương sau đó mới lan ra các phần khác của ống xương. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
Nguyên nhân bệnh u xương
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh u xương vẫn chưa được tìm ra. Có nhiều giả thuyết như di truyền, tác dụng phụ của điều trị ung thư, di chứng sau chấn thương xương,… được đưa ra nhưng chưa có các bằng chứng kết luận vững chắc.
Có không ít chuyên gia thiên về giả thuyết tác dụng phụ trong khi điều trị ung thư. Các loại hóa chất hạng nặng cùng các tia sóng tần số cao có thể khiến tế bào mô xương bị biến chất rồi phát triển một cách bất thường. Dù nguyên nhân có là gì, các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên điều trị sớm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
U xương gây ra những triệu chứng gì?
Người bệnh u xương có thể gặp phải những dấu hiệu sau đây:
- Những cơn đau âm ỉ từ bên trong xương. Ban đầu người bệnh có thể không để ý nhưng càng về sau, cơn đau càng trở nên khó chịu hơn, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày.
- Xuất hiện các khối u nhỏ, khi sờ vào có thể thấy cứng. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy xương bị biến dạng bất thường.
Lưu ý: Có nhiều trường hợp bệnh nhân không nhận thấy bất kỳ triệu chứng bên ngoài nào. Tình trạng u xương chỉ được xác định khi thực hiện các biện pháp kiểm tra chuyên sâu.
Chẩn đoán u xương
Các bác sĩ chẩn đoán u xương bằng các biện pháp sau:
- Kiểm tra thông qua kỹ thuật hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh thường được sử dụng là PET, CT, MRI, X-quang. Từ hình ảnh xương thu được, các bác sĩ có thể tìm ra vị trí khối u cũng như kích thước hiện tại của nó.
- Sinh thiết: Để xác định bản chất của khối u là ác hay lành, các bác sĩ phải lấy mẫu mô xương và tiến hành sinh thiết. Nếu tìm thấy tế bào ung thư, bệnh nhân cần nhanh chóng nhập viện để được xử lý kịp thời.
Điều trị bệnh u xương
Các biện pháp điều trị u xương phổ biến hiện nay gồm có:
- Đối với khối u lành tình: Trong trường hợp khối u xương thuộc dạng lành tính, người bệnh có thể được kê đơn một số thuốc giảm đau để cải thiện các triệu chứng. Sau khi khám xét cụ thể khối u, các bác sĩ thường sử dụng phẫu thuật cắt bỏ để loại bỏ hoàn toàn các tế bào biến chất, hạn chế chúng phát triển lan rộng thêm.
- Đối với khối u ác tính: Trường hợp này thường phức tạp hơn, phải dựa vào các yếu tố như tình trạng sức khỏe, kích thước u và vấn đề di căn. Các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị thích hợp nhất, có thể là xạ trị, hóa trị, phẫu thuật cắt bỏ hoặc kết hợp các biện pháp nói trên. Trong quá trình điều trị, người bệnh rất dễ gặp phải tác dụng phụ nên cần chuẩn bị tâm lý trước đó.
Hy vọng bài viết đã có thể giúp bạn đọc giải đáp phần nào những vấn đề liên quan đến bệnh lý u xương. Đây không phải là tình trạng phổ biến nhưng những tác động mà bệnh mang đến cho sức khỏe là rất lớn. Chính vì vậy, bạn nên phòng tránh bệnh bằng cách thường xuyên luyện tập thể thao cũng như có chế độ dinh dưỡng lành mạnh.