Trượt đốt sống thắt lưng là một tình trạng xương khớp phổ biến gây nên các cơn đau nhức xương khớp, khó chịu khi vận động, đi lại. Bệnh tiến triển nặng có thể khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng gây bệnh, người bệnh có thể tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.
Trượt đốt sống thắt lưng là gì?
Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng thân đốt sống bị lệch về trước trên thân đốt sống dưới. Hiện tượng này xảy ra là do gãy mảnh xương nối hai khớp phía sau cột sống.
Trượt đốt sống thắt lưng thường xảy ra rất phổ biến ở trẻ nhỏ từ 5 đến 7 tuổi. Tuy nhiên, người bệnh thường không phát hiện cho đến khi bước vào giai đoạn tuổi trưởng thành. Bệnh trượt đốt sống thắt lưng được phân thành các loại như sau:
- Trượt đốt sống bẩm sinh: Tình trạng này liên quan đến thiểu sản của phần trên xương cùng. Bệnh xuất hiện nhiều ở thanh thiếu niên và gây đau lưng ở người bệnh.
- Trượt đốt sống do khuyết cung eo sau: Hiện tượng này khởi phát do các tổn thương ở eo, ví dụ gãy cung eo sau.
- Trượt đốt sống do thoái hóa: Thoái hóa đốt sống, thoái hóa đĩa đệm sẽ làm mất độ ổn định của cột sống và gây trượt đốt sống.
- Trượt đốt sống do bệnh lý: Một số căn bệnh như ung thư, viêm nhiễm có thể gây trượt đốt sống, hủy hoại cấu trúc cột sống.
- Trượt đốt sống do chấn thương: Tình trạng này xảy ra do mất khớp, chấn thương khiến cột sống mất độ ổn định.
- Trượt đốt sống sau phẫu thuật: Phẫu thuật cung eo sau có thể khiến đốt sống bị trượt, lệch.
Bên cạnh đó, trượt đốt sống thắt lưng cũng thường xảy ra ở người lớn, đặc biệt ở những người 40 – 50 tuổi. Lúc này, người bệnh gặp phải tình trạng thoái hóa đĩa đệm, đĩa đệm bị bào mòn và trượt đốt sống theo thời gian.
Nguyên nhân gây trượt đốt sống thắt lưng
Eo đốt sống có chức năng kết nối đốt sống trên và dưới. Phần xương này rất mảnh, máu lưu thông đến kém nên rất dễ bị gãy. Hiện tượng này được gọi là gãy nén đốt sống và không có triệu chứng nhận biết rõ ràng.
Khi eo đốt sống bị gãy, người bệnh không cảm nhận được các dấu hiệu rõ rệt. Gãy xương có nguyên nhân là do áp lực lên xương trong một khoảng thời gian dài, gây trượt đốt sống, đè nén đốt sống.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Bệnh trượt đốt sống thắt lưng có thể xảy ra ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, bệnh thường có nguy cơ khởi phát cao ở các nhóm đối tượng như:
- Vận động viên: Vận động viên trẻ tuổi tham gia các môn thể thao như đá bóng, chạy bộ thường có khả năng mắc bệnh trượt đốt sống khá cao.
- Độ tuổi: Ở người cao tuổi, tình trạng trượt đốt sống có thể phát triển nhiều hơn và gây bào mòn đốt sống, khiến cột sống dần yếu đi. Trượt đốt sống ở người cao tuổi, trên 50 tuổi thường có nguy cơ bị thoái hóa rất cao.
- Di truyền: Một số người có gia đình mắc phải tình trạng trượt đốt sống thắt lưng thường có eo đốt sống khá mảnh và rất dễ bị tổn thương nghiêm trọng.
Triệu chứng của trượt đốt sống thắt lưng
Triệu chứng của trượt đốt sống thắt lưng thường tùy thuộc vào mức độ bệnh. Cụ thể như sau:
Trượt đốt sống thắt lưng độ I
Trượt đốt sống thắt lưng độ I có các dấu hiệu như sau:
- Đau thắt, co thắt vùng lưng, cơn đau dữ dội và có thể lan xuống mặt sau ở đùi.
- Khi đứng, làm việc, đi bộ, cơn đau sẽ càng dữ dội hơn.
- Tay chân tê, ngứa ran, mệt mỏi.
Trượt đốt sống thắt lưng độ II, III và IV
Trong trường hợp này, người bệnh sẽ đối mặt với các triệu chứng như sau:
- Bệnh nhân có bụng to, thân ngắn.
- Cột sống bị dị dạng, bị vẹo cổ, khung xương chậu thẳng đứng.
- Gân kheo căng ra, khiến người bệnh rất khó khăn trong việc đi lại, vận động.
Trượt đốt sống thắt lưng có nguy hiểm không?
Trượt đốt sống thắt lưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến các cơn đau nhức dữ dội và gây khó khăn trong các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Bên cạnh đó, trượt đốt sống có thể gây hủy hoại đốt sống vĩnh viễn, yếu cơ, liệt chi, tổn thương thần kinh.
Bên cạnh đó, trường hợp hiếm có thể gây thoái hóa xương chậu. Vì thế, khi phát hiện các triệu chứng người bệnh cần tìm đến bệnh viện để được điều trị sớm nhất.
Chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể và thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho người bệnh.
Khám tổng quát: Bác sĩ sẽ quan sát tư thế đi đứng, vận động của người bệnh xem có những bất thường gì không. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ sờ vào thắt lưng cột sống để xác định tình trạng bệnh.
Xét nghiệm: Chẩn đoán bằng hình ảnh để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và mức độ tiến triển của bệnh. Chụp X quang, MRI giúp bác sĩ xác định mô mềm, dây thần kinh bị tổn thương.
Các biện pháp điều trị trượt đốt sống thắt lưng
Áp dụng các phương pháp điều trị bệnh từ sớm sẽ giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh mà bác sĩ chỉ định:
Điều trị không phẫu thuật
Điều trị không can thiệp ngoại khoa thường được chỉ định cho các trường hợp nhẹ với mục đích cải thiện triệu chứng đau nhức:
- Sử dụng thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau được chỉ định sử dụng để cải thiện các cơn đau nhức, tình trạng viêm nhiễm ở đốt sống.
- Chườm nóng, chườm lạnh: Bệnh nhân có thể chườm lạnh hoặc chườm nóng để cải thiện các cơn đau nhức xương khớp, giãn cơ và thúc đẩy máu lưu thông đến khu vực bị tổn thương.
- Tập vật lý trị liệu: Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập giãn cơ, kéo căng cơ để giảm bớt áp lực ở lưng. Phương pháp này cần có sự hướng dẫn của chuyên gia để giảm thiểu những chấn thương trong quá trình tập luyện.
- Tiêm steroid ngoài màng cứng: Nếu các cơn đau nhức ngày một dữ dội, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm steroid ngoài màng cứng. Tiêm thuốc sẽ giúp giảm đau, giảm viêm ở vùng thắt lưng.
Phẫu thuật
Có một số trường hợp trượt đốt sống thắt lưng cần được phẫu thuật kịp thời để loại bỏ triệu chứng. Nếu áp dụng các phương pháp điều trị trên không đạt hiệu quả trong vòng 6 tháng thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ phẫu thuật hợp nhất cột sống thắt lưng, loại bỏ xương, kết hợp hai cột sống lại với nhau. Phương pháp này có tác dụng làm tăng thêm không gian trong đốt sống, dây thần kinh không còn bị chèn ép.
Cách phòng ngừa bệnh trượt đốt sống lưng
Để giảm nguy cơ mắc bệnh trượt đống sống thắt lưng, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
- Tập luyện các bài tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường hoạt động của cơ lưng.
- Không để tăng cân quá mức, béo phì vì cân nặng có thể gây áp lực lên cột sống.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều các thực phẩm tốt cho xương khớp, đốt sống. Một số thực phẩm tốt cho xương khớp như hải sản, các loại rau xanh, trái cây…
- Đi đứng, vận động đúng tư thế, không nên làm việc, chơi thể thao quá sức.
- Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và ăn các loại đồ ăn có hại cho xương khớp như đồ ăn chiên xào, đồ ăn chế biến sẵn, cay nóng.
Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh trượt đốt sống thắt lưng. Nếu trong trường hợp người bệnh cảm nhận những cơn đau nhức dữ dội thì bạn cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị ngay lập tức. Tránh để bệnh tiến triển dữ dội, nguy hiểm và không thể điều trị khỏi.