Tràn dịch khớp gối là một tình trạng nguy hiểm cần phải điều trị sớm nếu không có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng vận động, sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Vậy tràn dịch khớp gối bao lâu thì khỏi? Điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu những nội dung này trong bài viết sau!
Tràn dịch khớp gối bao lâu thì khỏi?
Tràn dịch khớp gối là tình trạng chất lỏng dư thừa tích tụ ở xung quanh hoặc bên trong của khớp gối. Thông thường, ở khớp gối có chứa một lượng dịch bôi trơn khớp, giúp giảm ma sát trong quá trình vận động. Tuy nhiên nếu khớp gối bị viêm, sưng, tổn thương ví dụ trong bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp… thì lượng chất lỏng sẽ bị sản sinh quá mức, gây dư thừa và tích tụ ở đầu gối, làm đầu gối người bệnh sưng to bất thường.
Tràn dịch khớp gối bao lâu thì khỏi phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó, tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.
Nếu tràn dịch do viêm khớp thì thường triệu chứng sẽ nghiêm trọng, khó và lâu hồi phục. Trong khi đó nếu tràn dịch khớp do chấn thương thì thường sẽ khiến mặt của gối bị bầm tím, đau đớn dữ dội trong thời gian đầu, sau đó sẽ hồi phục dần dần khi được điều trị đúng cách.
Ngoài ra, nếu thể trạng, hệ miễn dịch của người bệnh yếu thì các triệu chứng thường nghiêm trọng và lâu hồi phục hơn.
Tóm lại, để biết chính xác tình trạng của mình bao lâu thì khỏi, người bệnh nên tới bệnh viện để chẩn đoán, thăm khám và được bác sĩ chỉ định điều trị phù hợp.
Tràn dịch khớp gối có tự khỏi không?
Tràn dịch khớp gối dù cho bất cứ nguyên nhân gì gây ra thì cũng không thể tự khỏi và cần được điều trị bằng phương pháp phù hợp để phòng ngừa bệnh diễn biến nghiêm trọng như: Nhiễm trùng khớp nghiêm trọng làm phá hủy khớp, hạn chế khả năng vận động khớp, bại liệt…
Điều trị tình trạng tràn dịch khớp gối
Có nhiều biện pháp giúp cải thiện cơn đau do tràn dịch khớp gối, hạn chế viêm sưng và ngăn chặn bệnh diễn tiến xấu đi như:
1. Dành thời gian nghỉ ngơi
Khi bị tràn dịch khớp gối, người bệnh không nên tác động lực vào khớp gối, đặc biệt không chơi thể thao, không chạy nhảy hay leo cầu thang… để phòng tránh các tổn thương nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.
Tuy nhiên không nên kiêng vận động quá 2 ngày vì nếu không cử động khớp có thể làm giảm khả năng hoạt động. Hãy đi lại nhẹ nhàng hoặc thực hiện những động tác co duỗi chân nhịp nhàng để giảm co cứng khớp nhé!
2. Chườm lạnh
Chườm lạnh trong 24 giờ sau khi bị tràn dịch có thể giúp hạn chế viêm nhiễm, giảm lưu lượng máu, làm chậm quá trình sản xuất dịch khớp gối từ đó giúp giảm đau khá tốt.
Hãy chườm túi lạnh lên đầu gối bị thương trong 20 phút, từ 3-4 lần mỗi ngày để giảm đau hiệu quả. Chú ý không chườm đá lạnh trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh.
3. Nâng cao đầu gối bị tổn thương
Gối, kê chân lên cao để giảm lưu lượng máu dồn tới đầu gối sẽ giúp cải thiện cơn đau khớp gối khá tốt.
Nếu không có gối kê chân chuyên dụng, bạn có thể thiết kế một chiếc gối bằng xốp với thiết kế tương tự hoặc nằm và gối chân lên cao bằng một chiếc ghế hoặc đệm dày… cũng sẽ giúp cải thiện cảm giác khó chịu tốt.
4. Băng đầu gối
Băng đầu gối giúp giảm khả năng chấn thương khớp. Hãy dùng một chiếc băng co giãn với chiều rộng từ 8-10cm rồi băng kín đầu gối sao cho cảm thấy thoải mái. Không nên băng quá chặt sẽ gây nghẽn mạch máu khiến tình trạng tồi tệ hơn. Nhưng cũng không nên băng quá lỏng vì dễ bị tuột khi bạn muốn di chuyển.
5. Sử dụng thuốc không kê đơn
Một số loại thuốc không kê đơn có thể được sử dụng để cải thiện triệu chứng đau nhức như:
- Acetaminophen: Giúp cải thiện cơn đau nhẹ tới trung bình.
- Thuốc chống viêm không chứa NSAID ví dụ Ibuprofen hoặc Naproxen.
- Thuốc giảm viêm, sưng dạng kem bôi ngoài da.
Các loại thuốc kê đơn có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khẩn cấp mà không cần chỉ định chuyên khoa. Tuy nhiên người bệnh trước khi dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để phòng ngừa các tác dụng phụ có thể xảy ra.
6. Chườm nóng
Chườm nóng sau 72 giờ bị tràn dịch hoặc tắm nước ấm để giúp thư giãn cơ bắp, cải thiện cảm giác đau đớn khó chịu. Lưu ý không nên chườm quá nóng sẽ gây tổn thương mô khiến tình trạng tràn dịch nghiêm trọng hơn.
7. Xoa bóp đầu gối
Xoa bóp nhẹ nhàng đầu gối với một chút thầu dầu để giúp giảm sưng và giúp chất lỏng dễ dàng thoát ra khỏi khớp. Để an toàn nhất thì người bệnh nên tới các cơ sở vật lý trị liệu chuyên nghiệp để thực hiện.
8. Thực hiện các bài tập cải thiện
Một số bài tập liên quan đến khớp gối có thể giúp cải thiện cơn đau nhức khá hiệu quả. Ngoài ra nếu luyện tập đúng cách và thường xuyên thì người bệnh còn nhận được nhiều lợi ích khác như:
- Giúp khớp gối ổn định, tăng cường sức mạnh cơ đùi.
- Giúp khớp gối thêm linh hoạt, tăng cường phạm vi chuyển động.
- Cải thiện sức khỏe của sụn, cung cấp dinh dưỡng để tổng hợp dịch bôi trơn hiệu quả hơn.
- Giữ cân nặng ổn định, cải thiện áp lực lên khớp gối.
Một số bài tập bạn đọc có thể tham khảo là:
Căng gân cơ khi ngồi:
- Ngồi sát mép ghế rồi duỗi thẳng một chân về phía trước sao cho gót chân cố định trên sàn nhà.
- Ngồi thẳng lưng, đẩy rốn về phía đùi nhưng không nghiêng thân người về phía trước, giữ trong 30 giây rồi trở về trạng thái ban đầu.
- Làm tương tự với bên chân còn lại, mỗi bên 3 lần.
Căng cơ tứ đầu khi đứng:
- Đặt một tay lên thành ghế hoặc tường, gập đầu gối phải rối đẩy chân ra sau, tay phải nắm lấy cổ chân.
- Giữ chặt cổ chân và căng đầu gối ra sau sao cho càng xa mông càng tốt.
- Chú ý hóp khung xương chậu để cố định cột sống.
Căng cơ hông:
- Chân trái khuỵu xuống rồi áp ống chân lên mặt sàn.
- Chân phải mở rộng về phía trước, bàn chân bám trên mặt sàn, đầu gối cong.
- Đặt tay lên đầu gối phải rồi từ từ nghiêng người về phía trước sao cho đầu gối không vượt quá các ngón chân.
- Chú ý hóp khung xương chậu để cố định cột sống, giữ tư thế trong 20 giây, lặp lại với bên chân kia.
9. Chọc hút dịch khớp gối
Áp dụng trong trường hợp tràn dịch khớp gối nghiêm trọng, giúp giảm áp lực trong khớp gối. Một số trường hợp cần lưu ý trước khi quyết định chọc dịch gồm:
- Đang sử dụng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung
- Có tiền sử dị ứng thuốc hoặc cao su
- Có nhiễm trùng hoặc bị rối loạn chảy máu
- Đang mang thai.
Tràn dịch khớp gối khi nào cần đến bệnh viện?
Nếu thấy bản thân có những triệu chứng nghiêm trọng sau thì người bệnh cần tới bệnh viện để được hỗ trợ càng sớm càng tốt:
- Sưng đau đầu gối dữ dội
- Không thể duỗi thẳng hoặc gập đầu gối
- Sốt cao trên 38 độ
- Đầu gối đỏ, nóng rát
- Đau nhói khi đứng hoặc ngồi xổm
- Các biện pháp giảm đau tại nhà không có tác dụng.
Trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi tràn dịch khớp gối bao lâu thì khỏi. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Chúc bạn đọc sức khỏe!