Đối với những người mắc bệnh viêm loét dạ dày, sử dụng thuốc được coi là phương pháp phổ biến và được nhiều người áp dụng do có khả năng tác dụng nhanh chóng. Tuy nhiên, dùng loại thuốc nào và cơ chế trị bệnh của chúng ra sao thì không phải ai cũng biết. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các thông tin cơ bản về một số loại thuốc trị viêm loét dạ dày điển hình nhé.
Viêm loét dạ dày uống thuốc gì?
Viêm loét dạ dày là bệnh lý xảy ra do lớp niêm mạc bị viêm, loét và tổn thương từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, lý do phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này chính là bởi sự tấn công của vi khuẩn Hp, kết hợp với sự tác động của lượng axit dư thừa có trong dịch vị. Chính vì vậy, nguyên tắc chữa trị của các loại thuốc trị viêm loét dạ dày chính là làm giảm số lượng hại khuẩn, đồng thời làm hạ nồng độ axit trong bao tử xuống. Từ đó, các vết loét niêm mạc sẽ có cơ hội đẩy nhanh tốc độ hồi phục hơn, giúp thành dạ dày trở nên vững chắc, khỏe mạnh.
Để chữa trị viêm loét dạ dày, người bệnh có thể điều trị bằng thuốc Tây y, Đông y hoặc kết hợp cả hai phương pháp để tăng hiệu quả. Ưu điểm của việc sử dụng tân dược chính là khả năng tác dụng nhanh, có thể thấy rõ kết quả chỉ trong thời gian ngắn sử dụng. Tuy nhiên, chúng cũng thường gây ra một số tác dụng phụ điển hình như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt,… Trái lại, các bài thuốc dân gian tuy tác dụng chậm, song lại tương đối an toàn, lành tính, có thể sử dụng trong thời gian dài.
Thuốc Tây trị viêm loét dạ dày
Các sản phẩm thuốc Tây trị viêm loét dạ dày hiện nay rất đa dạng, khác nhau từ thành phần, chủng loại, cơ chế tác dụng và xuất xứ. Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh khác nhau và tình trạng cụ thể của từng người bệnh, các bác sĩ sẽ thực hiện kê đơn theo từng loại thuốc. Tuy nhiên, nhìn chung, các loại thuốc trị viêm loét dạ dày có thể được chia thành các nhóm sau:
Thuốc kháng sinh
Kháng sinh là một loại dược phẩm dùng để điều trị các trường hợp nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn mà không phải virus. Chính vì vậy, việc điều trị kháng sinh đối với người bị viêm loét dạ dày chỉ được thực hiện khi nguyên nhân gây bệnh được xác định là do vi khuẩn HP gây ra. Cụ thể, trong trường hợp này, một số loại kháng sinh được chỉ định có thể là amoxicillin, tetracycline, clarithromycin, metronidazole,… Tùy vào tiền sử sử dụng thuốc của người bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh cho phù hợp, hoặc đôi khi kết hợp cả hai, ba loại thuốc. Việc dùng kháng sinh để điều trị cần phải tuân theo đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ, nếu không sẽ gặp rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Thuốc kháng tiết axit dạ dày
Thuốc kháng tiết axit dạ dày là loại thuốc dùng để ức chế quá trình sản sinh axit trong dịch vị dạ dày. Chúng được chia thành hai loại. Một là thuốc chẹn H2 (H2RA), có tác dụng làm ức chế tác động của histamin tại thụ thể histamin H2 ở tế bào viền dạ dày. Hai là thuốc ức chế bơm proton (PPIs), giúp ức chế không thuận nghịch các bơm proton trong quá trình tiết axit. Mặc dù cơ chế tác động của cả 2 loại thuốc này khác nhau, song chúng đều cho hiệu quả tốt trong việc làm giảm sản sinh axit trong dịch vị, từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Tuy nhiên, giữa hai loại thuốc trị viêm loét dạ dày này cũng có một chút khác biệt về cách sử dụng cũng như mức độ hiệu quả. Cụ thể, các loại thuốc PPIs thường được sử dụng trước bữa ăn khoảng 30 phút và có khả năng ức chế tiết axit mạnh hơn. Trong khi đó, thuốc kháng histamin H2RA lại được sử dụng nhiều trước khi đi ngủ và sau ăn do hiệu quả của thuốc thường tập trung vào đêm và khi dạ dày không trống rỗng.
Thuốc trung hòa axit dịch vị
Đúng như tên gọi, cơ chế của các loại thuốc trung hòa axit dạ dày (antacid) chính là làm giảm nồng độ axit trong dịch vị bằng các bổ sung một số loại muối mang tính kiềm. Thành phần chính trong các sản phẩm này thường bao gồm magie trisilicat, canxi carbonat, nhôm hydroxit hoặc các phức hợp khác. Khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh có thể sẽ giảm đau rất nhanh và các triệu chứng có thể được cải thiện ngay lập tức. Tuy nhiên, do không thể điều trị tận gốc bệnh nên thuốc không được khuyên dùng lâu dài. Mặt khác, do các triệu chứng có thể thuyên giảm ngay nên người bệnh cũng dễ chủ quan, khiến bệnh diễn tiến xấu.
Thuốc bao phủ vết loét
Thuốc bao phủ vết loét có thành phần chính là sucralfat, có tác dụng làm lành các vết loét thông qua cơ chế bảo vệ tế bào. Khi đi vào dạ dày, hoạt chất này sẽ tạo phức và liên kết với các protein, hình thành một lớp nhầy bao phủ toàn bộ niêm mạc. Đồng thời, sucralfat còn kích thích sản sinh PG, giúp phát triển lớp niêm mạc. Nhờ đó, các cơn đau do viêm loét dạ dày sẽ được cải thiện.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về các loại thuốc trị viêm loét dạ dày hiện nay. Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm kiến thức để sử dụng chúng sao cho đúng cách và hiệu quả. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!