Các loại thuốc viêm khớp gối được chỉ định nhằm cải thiện những triệu chứng của bệnh, hỗ trợ phục hồi chức năng của khớp gối. Tác dụng của các loại thuốc trị viêm khớp gối như thế nào, cần lưu ý những gì khi dùng thuốc trị viêm khớp gối, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung ngay sau đây.
Các thuốc trị viêm khớp gối – giảm đau viêm tốt nhất
Viêm khớp gối được hiểu là tình trạng đầu sụn ở khớp gối bị mài mòn, cọ xát vào nhau khi cử động, gây nên những cơn đau, khó chịu cho người bệnh. Ngoài biểu hiện đau, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng như sưng đỏ, cứng khớp, đầu gối khô, phát ra tiếng kêu lục cục khi di chuyển, khớp yếu.
Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị viêm khớp gối bao gồm:
Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau thông thường và được ưu tiên sử dụng trong thời gian đầu điều trị viêm khớp gối. Thuốc được biết đến với tác dụng kiểm soát cơn đau nhẹ và giảm sưng khớp. Đồng thời giúp cải thiện tình trạng nóng đỏ ở vùng da quanh khớp và hạ sốt ở những trường hợp có nhiễm khuẩn.
- Liều dùng:
Đối với trẻ em: Uống 10 – 15mg/ kg trọng lượng/ lần, khoảng cách giữa mỗi lần uống là 4 đến 6 giờ
Đối với người lớn: Uống 325 – 600mg/ lần, khoảng cách giữa mỗi lần uống là 4 đến 6 giờ
Một số tác dụng phụ mà người dùng thuốc Paracetamol có thể gặp phải đó là khó thở, đau miệng, chán ăn, buồn nôn, vàng da, sốt. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng mà cần tuân thủ những chỉ định của bác sĩ.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid được chỉ định trong trường hợp thuốc Paracetamol không phát huy tác dụng điều trị.
Một số loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn gồm ibuprofen, aspirin, naproxen, diclofenac (nhóm NSAID không chọn lọc), Etoricoxib, valdecoxib, lumiracoxib, celecoxib,… (nhóm NSAID ức chế chọn lọc COX-2).
- Liều dùng
Thuốc NSAID khá đa dạng với nhiều loại thuốc khác nhau, dựa trên tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp.
Khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid trong thời gian dài, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy,…
Corticoid
Corticoid là một loại thuốc kháng viêm. Thuốc được sử dụng với mục đích kiểm soát tình trạng viêm và sưng đỏ ở khớp tổn thương, từ đó giảm đau và giảm nguy cơ phát sinh các đợt viêm khớp cấp tính.
Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và thời gian phát bệnh, bệnh nhân có thể được dùng Corticoid đường uống (dạng viên) hoặc dùng Corticoid đường tiêm (tiêm trực tiếp vào trong khớp).
- Liều dùng:
Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, độ tuổi mà bác sĩ sẽ chỉ định dạng bào chế phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh tốt nhất.
Dùng corticoid với liều cao không theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ như: Gia tăng nguy cơ loãng xương, tăng huyết áp, da teo mỏng, chậm lành vết thương,…
Thuốc chống thấp khớp (DMARDs)
Nhóm thuốc này có khả năng làm giảm và ngăn chặn tình trạng viêm tiến triển. Không chỉ vậy, thuốc còn giúp bảo vệ mô khớp khỏi những tổn thương và phá hủy do viêm.
Ngoài ra thuốc chống thấp khớp còn có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, phù hợp với các đối tượng bị viêm khớp gối, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, u sùi dạng nấm, ung thư xương, ung thư sụn…
Những loại thuốc chống thấp khớp thường được sử dụng gồm Sulfasalazin, Methotrexate, Hydroxychloroquine…
- Liều dùng:
Liều dùng thuốc chống thấp khớp sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể, độ tuổi của người bệnh. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên môn để được tư vấn tốt nhất.
Một số tác dụng phụ mà người bệnh viêm khớp gối có thể gặp trong thời gian điều trị bằng thuốc chống thấp khớp bao gồm: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, rụng tóc,…
Chondroitin sulfat
Một số bệnh nhân viêm khớp gối có thể được yêu cầu sử dụng Chondroitin (điều trị đơn độc) hoặc sử dụng Chondroitin sulfat kết hợp với Glucosamine.
Chondroitin sulfat hoạt động với nhiệm vụ ức chế hoạt động của enzym phá hủy sụn và đóng vai trò là chất xúc tác phản ứng tổng hợp acid hyaluronic, giúp xương khớp hoạt động tốt hơn.
- Liều dùng:
Uống 200 – 400mg/ lần x 2 – 3 lần/ ngày hoặc uống 1000 – 1200mg/ lần/ ngày.
Nếu sử dụng thuốc này không đúng liều lượng, người bệnh có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ như: đau dạ dày, phù mí mắt, táo bón, buồn nôn, nổi mề đay,…
Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc trị viêm khớp gối
Để hạn chế những tác dụng phụ trong quá trình điều trị cũng như đạt được hiệu quả tối đa, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Sử dụng đúng thuốc, đúng liều và đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý tăng giảm liều lượng hoặc sử dụng thêm các loại thuốc không được chỉ định.
- Duy trì thời gian dùng thuốc đúng với khuyến cáo của bác sĩ nhằm hạn chế những tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Trong quá trình thăm khám bệnh, bạn cần thông báo trung thực, chính xác các loại thuốc đang và đã sử dụng để tránh trường hợp tương thích thuốc, làm cho tình trạng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng.
- Tuyệt đối không tự ý ngưng dùng thuốc giữa chừng
- Nếu không nhận thấy bất kỳ sự chuyển biến nào sau 5 – 7 ngày dùng thuốc, người bệnh cần gặp và trao đổi với bác sĩ đề được chữa bệnh với một loại thuốc thích hợp hơn.
- Trong trường hợp gặp tác dụng phụ, người bệnh cần kịp thời thông báo với bác sĩ chuyên môn.
- Bên cạnh sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý nhằm hỗ trợ phục hồi và duy trì chức năng của khớp gối. Ngoài ra người bệnh cần tránh thực hiện những hoạt động mạnh hoặc công việc nặng để hạn chế những biến chứng xấu có thể xảy ra.
Trên đây là những thông tin về các loại thuốc trị viêm khớp gối, hy vọng sẽ giúp người bệnh có những sự lựa chọn phù hợp. Để hạn chế những tác dụng phụ có thể xảy ra, khi có triệu chứng của bệnh bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và nhận tư vấn tốt nhất từ chuyên gia.