Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiện nay có xu hướng gia tăng ở Việt Nam do nhịp sống đô thị đã làm ảnh hưởng rất lớn đến lối sống sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, việc hiểu rõ cơ chế cũng như tác động của các loại thuốc để chữa trị bệnh sao cho phù hợp, hiệu quả nhất là điều vô cùng cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về một số loại thuốc trị trào ngược dạ dày.
Trào ngược dạ dày thực quản uống thuốc gì?
Các loại thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản được chỉ định trong điều trị nội khoa có thể được chia thành nhiều loại như thuốc kháng axit, thuốc kháng Histamin H2, thuốc tăng co bóp thực quản,…. Trong đó, phổ biến nhất chính là nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI)-một loại thuốc giúp ức chế quá trình tiết axit trong dịch vị dạ dày. Thông thường, loại thuốc này sẽ được các bác sĩ chỉ định điều trị từ những ngày đầu tiên với liều chuẩn hằng ngày (liên tục trong khoảng 2 – 4 ngày đầu). Bệnh nhân thường có phản ứng tốt khi dùng thuốc, triệu chứng giảm nhanh và đa số ổn định lâu, liền sẹo loét. Các loại thuốc trong nhóm này bao gồm: Omeprazole, Rabeprazole, Lansoprazole và Pantoprazole.
Omeprazole viên 20mg có thể tạo ra vô toan và có tác dụng mạnh trong việc ức chế tiết axit. Khi dùng thuốc, các triệu chứng lâm sàng có thể ngừng biểu hiện ngay từ những ngày đầu. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón và đau đầu. Rabeprazole cũng có khả năng tương tự như Omeprazole nhưng có tác dụng mạnh hơn. Song, chúng cũng có thể gây ra các phản ứng phụ cho người bệnh như hoa mắt, nhức đầu, chóng mặt,…
Lansoprazole là thuốc ức chế bơm proton thế hệ thứ hai. Phần lớn sau 8 tuần điều trị bằng thuốc này, các vết sẹo loét dạ dày sẽ lành lại với tỉ lệ 89 – 92%. Đồng thời, lượng vi khuẩn HP cũng bị tiêu diệt và giảm từ 21 – 43%. Ngoài các biểu hiện như nhức đầu, buồn nôn, đi ngoài, bệnh nhân khi dùng thuốc cũng ít khi gặp phải các tác dụng phụ khác. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn có Pantoprazole- một loại thuốc được đánh giá là có khả năng dung nạp tốt, có tác dụng làm sẹo liền nhanh và ít tác dụng phụ.
Các thuốc trị trào ngược dạ dày phổ biến
Thuốc đặc trị trào ngược dạ dày của Mỹ
Thứ nhất là Zantac, một loại thuốc trị trào ngược dạ dày khá phổ biến ở Việt Nam. Thuốc có thành phần chính là Ranitidine (hoạt chất kháng Histamin H2) và một số hoạt chất khác như Moktin, Minocin, Kantacid, Cimetidine,… Thuốc được kê cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, khó tiêu hoặc cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật để đề phòng trường hợp bệnh nhân bị sặc axit trong quá trình gây mê. Thuốc có 2 dạng là viên nén và viên sủi với liều dùng là uống 1 viên 15mg mỗi lần, 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.
Thứ hai là thuốc Pepto Bismol với tác dụng chữa trị rối loạn tiêu hóa, giảm tiết axit trong dạ dày, giúp niêm mạc nhanh lành và hạn chế chứng trào ngược. Sản phẩm này thường được áp dụng trong điều trị các triệu chứng cấp tính. Thành phần chính của thuốc bao gồm: Sodium Salicylate, Bismuth Subsalicylate, Benzoic Acid, Magnesium Aluminium, Methyl Cellulose. Đây đều là những hoạt chất rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp duy trì quá trình nhu động ở dạ dày ổn định, đồng thời hạn chế những tác động của axit đến các vết loét, từ đó giúp người bệnh giảm chứng đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy.
Cần lưu ý rằng, Pepto Bismol không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi và thuốc ở dạng lỏng cần được lắc đều trước khi uống. Liều dùng là mỗi lần uống 30ml, một ngày không quá 4 lần và các lần uống cách nhau lớn hơn 30 phút.
Thuốc trị trào ngược dạ dày của Nhật
Những loại thuốc trị trào ngược dạ dày từ Nhật Bản cũng rất được ưa chuộng tại Việt Nam, trong đó phải kể tới thuốc The Guard của hãng dược phẩm Kowa. Tác dụng của thuốc bao gồm điều trị tình trạng rối loạn tiêu hóa, chữa viêm đại tràng, khó chịu, đầy hơi, táo bón và giảm tiết axit dịch vị ở dạ dày. Nhìn chung, đây là loại thuốc tương đối tốt cho dạ dày và có thể sử dụng được cho cả trẻ em. Cụ thể, với trẻ 5-8 tuổi, uống 1 viên mỗi lần và 3 lần/ngày; với trẻ 8-15 tuổi, uống 2 viên mỗi lần và 3 lần/ngày; với trẻ lớn hơn 15 tuổi và người lớn, uống 3 viên mỗi lần và 3 lần/ngày. Người bệnh lưu ý chọn nơi mua thuốc uy tín, chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thuốc chống trào ngược dạ dày Nexium
Thuốc Nexium (esomeprazole magie) có khả năng làm giảm lượng axit tạo ra trong dạ dày nên được dùng để chống hoặc cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản. Chúng được xếp vào nhóm thuốc ức chế bơm proton và được bào chế dưới dạng viên nén 40mg. Đây là một loại thuốc đặc trị, cần được bác sĩ kê đơn mới có thể sử dụng. Tuy nhiên , cần lưu ý rằng, loại thuốc này không thể làm giảm ngay các triệu chứng của ợ chua và có tác dụng phụ đến thận.
Bài viết trên đây đã cung cấp thông tin về thuốc trị trào ngược dạ dày bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc đặc trị trào ngược dạ dày từ Mỹ, Nhật Bản và thuốc Nexium. Bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào và phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời bệnh nhân cũng cần quan tâm đến tác dụng phụ của thuốc, nếu tác dụng phụ biểu hiện nặng cần báo ngay với bác sĩ để được chăm sóc đúng cách.