“Thoái hóa khớp gối có nên tập gym?” là thắc mắc của nhiều người bệnh trong khi tìm kiếm những bài tập phù hợp để luyện tập hàng ngày. Thắc mắc này không phải là không có cơ sở vì khi bị thoái hóa thì khớp gối không còn linh hoạt, dễ bị đau nếu vận động quá sức. Vậy nếu đang quan tâm đến chủ đề này thì mời bạn tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Thoái hóa khớp gối có nên tập gym không? Tại sao?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn và xương dưới sụn ở khớp gối bị mài mòn, dễ tổn thương viêm sưng nên khiến người bệnh vô cùng đau nhức.
Khi bị thoái hóa, lượng dịch nhầy bôi trơn khớp cùng ít hơn nên người bệnh thường xuyên phải chịu đựng những cơn co cứng khớp, vận động khớp không được trơn tru như trước. Bệnh này có mối quan hệ mật thiết với sự lão hóa tự nhiên của cơ thể hoặc là hệ quả của sinh hoạt, lao động thiếu khoa học gây nên.
Trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối, người bệnh vẫn thường được bác sĩ khuyến khích luyện tập để duy trì và cải thiện biên độ vận động khớp, tăng cường sức mạnh cơ bắp, hạn chế thấp nhất trường hợp biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nhìn chung, người bệnh vẫn có thể tập gym nhưng chỉ nên thực hiện những bài tập thích hợp để hạn chế nguy cơ chấn thương trong quá trình tập luyện. Có thể kể ra một số lợi ích khi người bệnh tập gym đúng cách như sau:
- Giúp cải thiện khả năng lưu thông máu đến khớp gối, kích thích sự tái tạo, làm lành tổn thương xương khớp bị hư hỏng.
- Giúp giãn cơ, cải thiện biên độ vận động khớp, tăng cường sự linh hoạt và giảm co cứng khớp.
- Tăng sức bền cho hệ thống cơ bắp ở đùi, bắp chân, phòng ngừa yếu, teo cơ.
- Hỗ trợ thuyên giảm cơn đau nhức, giúp người bệnh thư giãn tinh thần.
Tập gym khi bị thoái hóa khớp gối cần lưu ý những gì?
Để quá trình tập gym thuận lợi, hạn chế tổn thương lên khớp gối bị thoái hóa thì người bệnh cần lưu ý những thông tin sau:
- Tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để biết bài tập gym nào phù hợp với bạn.
- Không gắng sức với những bài tập nặng, luôn bắt đầu với bài tập cường độ nhẹ trước rồi tăng dần cấp độ.
- Nếu có điều kiện thì bạn nên luyện tập với huấn luyện viên.
- Không nên thực hiện bài tập chạy bộ hoặc những động tác trực tiếp tác động lên khớp gối vì có thể khiến phản ứng viêm nặng nề hơn.
- Chỉ nên tập theo sức chịu đựng của cơ thể, tăng dần cường độ luyện tập từ từ.
- Duy trì thói quen luyện tập hàng ngày để cơ và khớp quen với cường độ luyện tập và khỏe hơn hàng ngày.
- Luôn luôn khởi động nhẹ nhàng để làm nóng khớp trước khi vào bài tập chính để giúp quá trình lưu thông máu dễ dàng.
- Luyện tập đúng tư thế, chuẩn bài tập để hạn chế các tác động xấu gây chấn thương khớp gối về lâu dài.
- Nếu thấy đau đớn nên nghỉ ngơi, không nên gắng sức.
Hướng dẫn tập gym hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối
Dưới đây là một số bài tập gym phù hợp với người bị thoái hóa khớp gối mà bạn có thể tham khảo thêm:
1. Bài tập Squat
Đây là bài tập giúp tăng cường độ bền cho khớp gối, giúp làm mạnh cơ bắp, tăng sự linh hoạt cho vùng cơ hông – đùi và hệ thống dây chằng ở đầu gối. Bài tập này cũng giúp kích thích sự lưu thông máu, kiểm soát cân nặng khá tốt.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng lưng, hai chân rộng hơn vai, hai tay chống vào hông hoặc đan vào nhau, đặt trước ngực, mắt nhìn thẳng, mở rộng ngực.
- Từ từ co đầu gối để hạ thấp thân mình, lưu ý trọng lượng cơ thể hoàn toàn dồn vào gót chân và hông. Giữ tư thế này từ 3-5 giây, hít thở nhịp nhàng.
- Đứng dậy từ từ trở về từ thế ban đầu, lặp lại 5-10 lần.
2. Bài tập nâng cao cơ đùi khi ngồi
Đây là bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho cơ ở mặt trước đùi cùng các cơ tứ đầu khớp gối, giúp cải thiện độ linh hoạt của khớp gối, giúp lưu thông máu đến khớp gối dễ dàng, giảm co cứng khớp.
Cách thực hiện:
- Người bệnh ngồi thẳng lưng trên ghế có độ cao phù hợp sao cho hai chân đặt khoan thai xuống sàn, đầu gối co gập tự nhiên.
- Chậm rãi nâng chân trái rồi duỗi thẳng sao cho bắp chân song song với sàn nhà, giữ tư thế trong 3 giây.
- Từ từ hạ chân xuống về vị trí ban đầu, lặp lại động tác 5-10 lần. Thực hiện luân phiên với bên chân còn lại.
3. Bài tập căng cơ hông
Đây là bài tập tác động trực tiếp vào cơ hông, giúp cải thiện chức năng vận động của đầu gối, giảm đau khá hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng lưng, thả lỏng hai tay dọc theo thân mình.
- Bước chân phải lên, co gập đầu gối tạo thành 1 góc 90, chân trái khuỵu xuống, giữ cho ống chân thẳng và nằm thẳng trên sàn.
- Tay trái đặt lên mu bàn tay phải rồi đặt cả hai tay lên đầu gối chân phải, mắt nhìn thẳng, lưng và đầu thẳng, giữ cho cột sống thoải mái nhất, khóa xương chậu, giữ nguyên tư thế trong 10-15 giây, hít thở đều đặn.
- Từ từ đứng dậy trở về tư thế ban đầu, thực hiện tương tự với bên còn lại, luân phiên 3-5 lần mỗi bên.
4. Bài tập căng cơ bắp chân
Đây là bài tập giúp ổn định cấu trúc khớp, giảm đau nhức khớp gối, cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng úp mặt vào tường, cách tường hai bước chân.
- Hai vai mở rộng, chống tay lên tường sao cho tay và vai thẳng hàng.
- Từ từ bước chân phải về phía trước rồi co đầu gối, lùi chân trái về phía sau sao cho chân trái và lưng thẳng.
- Khóa xương chậu, giữ cột sống ổn định, giữ tư thế này trong 10-15 giây, hít thở đều đặn.
- Trở về trạng thái ban đầu, thực hiện tương tự với bên còn lại, mỗi bên 5 lần.
5. Bài tập kéo căng chân
Bài tập này tác động trực tiếp đến cơ gân kheo và cơ sau đùi, giúp tăng cường sức cơ, tăng sự dẻo dai cho cơ hông, đùi và mông, kích thích tuần hoàn máu và cải thiện sự linh hoạt của khớp gối khi di chuyển.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay lên thảm.
- Từ từ nâng chân trái lên cao, giữ cho đầu gối thẳng, hai tay đan lại rồi đặt ở sau đùi.
- Từ từ kéo chân về phía ngực hết biên độ căng có thể chịu được, giữ tư thế trong 10-20 giây, hít thở đều.
- Trở về tư thế ban đầu, làm tương tự với chân còn lại, lặp lại mỗi bên 10-15 lần.
Trên đây là những thông tin giải thích cho thắc mắc “thoái hóa khớp gối có nên tập gym?”. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những nội dung bổ ích. Chúc bạn đọc sức khỏe!