Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh xương khớp thường gặp với những cơn đau điển hình, ảnh hưởng đến khả năng vận động và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Vậy thoái hóa khớp gối có chữa được không hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung sau đây.
Thông tin cơ bản về thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình trạng thoái hóa lớp sụn ở đầu khớp gối. Điều này dẫn đến hiện tượng cọ xát trong quá trình vận động, hình thành các gai xương, gây đau đớn ở hầu hết người bệnh.
Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người lớn tuổi theo quy luật tự nhiên, tuy nhiên, hiện nay bệnh đang ảnh hưởng đến nhiều người trẻ do thói quen làm việc và sinh hoạt chưa khoa học.
Thời gian đầu, người bệnh chỉ cảm nhận những cơn mỏi nhức ở vùng gối. Nhưng nếu không được điều trị sớm, thoái hóa khớp gối có thể tiến triển phức tạp với một triệu chứng điển hình như:
- Đau đớn kéo dài có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
- Hạn chế khả năng vận động, thậm chí là dẫn đến các biến chứng khó lường như teo cơ, liệt chi
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường hoặc cholesterol cao
Thoái hóa khớp gối có chữa được không?
Thoái hóa khớp gối là một dạng viêm khớp thường gặp, không chỉ gây ra những cơn đau đớn mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Hiện nay, chưa có phương pháp đặc trị thoái hóa khớp gối. Nhưng theo các chuyên gia, bệnh này có thể được đẩy lùi nếu được phát hiện trong giai đoạn sớm và được điều trị với một giải pháp phù hợp.
Để hạn chế những triệu chứng của bệnh, bác sĩ thường chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm đau như acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau theo toa để điều trị các triệu chứng. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài đôi khi sẽ dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, một số phương pháp như các bài thuốc dân gian, vật lý trị liệu, các bài tập cũng được ứng dụng trong chữa trị thoái hóa khớp gối. Hầu hết chúng không có tác dụng phụ nhưng hiệu quả tác động lại không cao. Ngoài ra, trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật, thay thế toàn bộ khớp để phục hồi chức năng khớp gối. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém, không phải ai cũng phù hợp để thực hiện.
Như vậy, để biết chính xác thoái hóa khớp gối có chữa được không còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, phương pháp điều trị. Do đó, ngay khi có những triệu chứng của thoái hóa khớp gối, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Dưới đây là một số biện pháp chữa trị thoái hóa khớp gối mà người bệnh có thể tham khảo:
- Thuốc điều trị
Một số loại thuốc như: Thuốc chống viêm không steroid, Acetaminophen, Duloxetine thường được bác sĩ kê đơn cho người bị thoái hóa khớp gối. Việc dùng các loại thuốc này có thể giảm nhanh những cơn đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng chúng, bạn có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe tổng thể. Bởi vậy, hãy tuân thủ những chỉ định của bác sĩ khi dùng các loại thuốc kể trên.
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được thực hiện với vai trò kéo giãn các cơ, tăng cường trao đổi chất lỏng và các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Đồng thời tác động vào các khu vực bị tổn thương, giải phóng chèn ép, từ đó giảm đau hiệu quả.
- Tiêm chất nhờn
Bản chất của thoái hóa khớp gối là sự thiếu hụt lượng chất nhờn tự nhiên ở khớp khiến cho quá trình vận động gặp khó khăn. Do đó, bổ sung chất nhờn theo đường tiêm là một giải pháp có thể thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng thoái hóa khớp gối.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên không được khuyến khích áp dụng phổ biến trong điều trị bệnh.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Liệu pháp này được thực hiện nhờ vào đặc tính tự chữa lành của máu. Mặc dù không được xem là phương pháp tiêu chuẩn, tuy nhiên tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được cho là mang lại hiệu quả cao, không gây ra tác dụng phụ.
- Phẫu thuật
Phương pháp này thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp các biện pháp chữa trị bằng thuốc, vật lý trị liệu không phát huy tác dụng. Phẫu thuật với chi phí cao, có thể để lại biến chứng sau can thiệp ngoại khoa nên người bệnh cũng cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.
- Luyện tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên là một trong những biện pháp cần thiết để tăng tính linh hoạt, ổn định khớp và sức mạnh cơ bắp. Luyện tập thể dục đúng cách sẽ hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tăng cường sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ khớp gối. Không những vậy phương pháp này cũng giúp giảm căng thẳng, áp lực cho người bệnh.
Một số hoạt động thể dục thể thao mà người bị thoái hóa khớp gối có thể áp dụng gồm: Đạp xe tĩnh, đi bộ, bơi lội, yoga, thái cực quyền,..
- Duy trì cân nặng phù hợp
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thoái hóa khớp gối trở nên tồi tệ hơn đó chính là việc người bệnh không kiểm soát được trọng lượng của cơ thể. Cân nặng quá khổ sẽ gây ra những áp lực nhất định lên khớp gối. Bởi vậy, bạn cần duy trì cân nặng ở mức phù hợp bằng việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng và luyện tập lành mạnh.
Có thể thấy thoái hóa khớp gối là một bệnh có diễn tiến chậm, chưa có phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp nêu trên để hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng ở mức tối đa và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bởi vậy, sau khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh, bạn cần tham vấn ý kiến của chuyên gia để có một lộ trình điều trị cụ thể.