Suy thận là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Suy thận là gì? Dấu hiệu và triệu chứng của suy thận? Bệnh suy thận có chữa được không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc này.
Suy thận là gì?
Suy thận là tên gọi để chỉ tình trạng thận suy giảm chức năng. Trong y học, suy thận được chia làm 2 nhóm chính là:
- Suy thận cấp: Bệnh chỉ phát triển và có biểu hiện trong thời gian ngắn. Bệnh sẽ được chữa khỏi nếu như thực hiện đúng liệu pháp điều trị ngay từ ban đầu.
- Suy thận mãn tính: Bệnh phát triển trong thời gian dài, các triệu chứng biểu hiện thường xuyên, dễ nhận biết. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích kiểm soát tình trạng bệnh chữ không thể khôi phục chức năng thận như ban đầu.
Bệnh suy thận thường không xuất hiện triệu chứng gì khi đang trong giai đoạn hình thành bệnh, chỉ khi tình trạng thận đã bị tổn thương dẫn đến các cơn đau, người bệnh mới có thể phát hiện được. Để chẩn đoán chính xác bệnh sớm có 3 cách thử: Đo huyết áp thường xuyên, thử máu, thử nước tiểu.
Đặc biệt, bệnh suy thận thường xuất hiện ở những người đã từng có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến thận như: đái tháo đường, viêm cầu thận, tăng huyết áp, hội chứng Alport, bệnh di truyền như thận đa nang; nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu, nhiễm khuẩn; bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dài hạn như: thuốc kháng sinh, ibuprofen, ketoprofen; bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt.
Bệnh suy thận có chữa được không?
Đối với bệnh suy thận cấp, bệnh có thể được điều trị dứt điểm trong vòng một tuần nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phương pháp. Chức năng thận sẽ được phục hồi hoàn toàn hoặc 1 phần tùy vào tình trạng bệnh.
Đối với bệnh suy thận mãn tính, việc điều trị chỉ có tác dụng kiểm soát bệnh, chức năng thận không thể phục hồi như người bình thường. Các biện pháp điều trị sẽ có tác dụng ngăn tổn thương, viêm nhiễm làm chậm diễn biến của bệnh, ngăn các biến chứng không mong muốn.
Đối với trường hợp thận suy giảm chức năng đến 90% thì các biện pháp điều trị thông thường không còn tác dụng. Người bệnh bắt buộc phải thay thế thận bằng việc ghép thận, chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc.
Tình trạng suy thận sẽ gây tổn thương nephron – đơn vị cấu tạo nên thận. Điều này khiến thận không còn khả năng loại bỏ chất độc, cặn bã và lọc máu. Nếu không được điều trị, thận sẽ ngừng hoạt động, thậm chí là tử vong.
Một số biến chứng có thể xảy ra khi gặp tình trạng suy thận:
- Thận không còn khả năng lọc gây ứ nước, phù nề tay chân.
- Tăng huyết áp.
- Tăng kali trong máu gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Phá hủy cấu trúc xương tăng nguy cơ gãy xương.
- Bệnh tim mạch.
- Thiếu máu.
- Suy giảm ham muốn và khả năng tình dục.
- Cơ thể mất khả năng miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ mắc nhiều căn bệnh khác.
- Gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, thay đổi tính cách, khó tập trung, động kinh.
Dấu hiệu và triệu chứng suy thận
Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh suy thận, đó là:
Thay đổi khi đi nước tiểu: Khi mắc bệnh suy thận, người bệnh sẽ gặp những thay đổi trong thói quen đi tiểu như: tiểu nhiều về đêm, căng tức khi đi tiểu, nước tiểu nhiều/ít hơn so với bình thường, nước tiểu có bọt, có máu, nước tiểu có màu tối/ nhạt,…
Ngứa: Chức năng của thận là loại bỏ các độc tố, chất cặn bã có trong máu. Nếu như thận bị suy giảm chức năng, các chất độc sẽ tích tụ dần trong máu gây ra phản ứng ngứa ngáy, khó chịu.
Mệt mỏi: Những quả thận khỏe mạnh, hoạt động bình thường sẽ sản sinh ra một loại hóc môn có tên là erythropoietin. Hóc môn này có nhiệm vụ thông báo cho cơ thể tạo ra những tế bào hồng cầu mang oxy. Nếu như thận hoạt động không ổn định, lượng hóc môn sinh ra ít đi, cơ thể sẽ có ít các tế bào hồng cầu mang oxy hơn khiến cho đầu óc chậm chạp, người bệnh xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, buồn ngủ.
Thở ra mùi Amoniac: Sự tích tụ chất thải trong máu sẽ khiến thức ăn đưa vào cơ thể của bạn có vị khác đi, và làm hơi thở có mùi Amoniac. Tình trạng này cũng kèm theo triệu chứng chán ăn thịt.
Thở nông: Sự thiếu hụt hồng cầu có oxy và sự tích tụ chất lỏng dư thừa trong phổi gây nên tình trạng thở nông cho người gặp chứng suy thận.
Buồn nôn và nôn: Tình trạng ure huyết khiến người bệnh gặp các cơn buồn nôn khó chịu.
Đau lưng, đau cạnh sườn: Một số người bệnh gặp tình trạng đau lưng khi thận có dấu hiệu viêm nhiễm.
Ớn lạnh: Thiếu máu, thiếu oxy khiến sức khỏe của cơ thể giảm sút nhanh chóng, bạn sẽ thường xuyên gặp tình trạng ớn lạnh và khó khăn trong việc kiểm soát nhiệt độ của cơ thể.
Hoa mắt, chóng mắt: Việc thiếu oxy sẽ khiến hệ thống thần kinh bị tê liệt, gây ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt thường xuyên. Người bệnh sẽ khó tập trung khi làm việc, thậm chí là không thể giữ thăng bằng được cơ thể khi đứng.
Nguyên nhân bệnh suy thận
- Cao huyết áp: Bệnh cao huyết áp gây áp lực lên các tế bào máu nhỏ trong thận. Theo thời gian, sẽ khiến thận hoạt động không đúng cách và bị suy yếu.
- Cholesterol cao: Gây nên tình trạng tích tụ mỡ trong máu, ngăn chặn máu tới thận, gây cản trở hoạt động của thận.
- Đái tháo đường: Các bộ lọc nhỏ trong thận sẽ bị quá tải nếu có quá nhiều đường trong máu.
- Nhiễm trùng thận.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều lần, viêm bể thận làm thận bị tổn thương và suy giảm chức năng.
- Các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể như: lupus, HIV/AIDS…
- Viêm cầu thận.
- Bệnh virus xảy ra trong thời gian dài như: Viêm gan B, viêm gan C.
- Tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu: Sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt khiến nước tiểu ứ đọng lại trong thận, tăng nguy cơ tổn thương và suy thận.
- Bệnh thận đa nang: Bệnh di truyền với tình trạng là các u nang phát triển trong thận làm cản trở hoạt động của thận.
- Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể làm độc thận, suy thận như: thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), ma túy, nhiễm độc chì,…
Trên đây là những thông tin chi tiết về căn bệnh suy thận. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, dễ phát triển thành những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu người bệnh xuất hiện một số triệu chứng của bệnh, cần chủ động đến các cơ quan y tế để tiến hành kiểm tra và điều trị kịp thời.