Một chấn thương thường gặp hằng ngày đó là sưng đau mắt cá chân. Có nhiều nguyên nhân làm tổn thương mắt cá chân dẫn đến tình trạng sưng và đau. Tùy vào nguyên nhân và mức độ sưng đau mắt cá chân mà có các cách điều trị khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản về tình trạng này cũng như có thể giúp người đọc biết cách xử trí nếu không may gặp phải chứng đau này.
Nguyên nhân gây sưng mắt cá chân
Khi khớp cổ chân xuất hiện bất kỳ triệu chứng đau nhức khó chịu nào thì lúc đó là biểu hiện của sưng đau mắt cá chân. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bên cạnh do tổn thương, chấn thương thần kinh hoặc do tắc nghẽn mạch máu, sưng đau mắt cá chân có thể là kết quả của một số nguyên nhân dưới đây:
Bong gân
Trong các trường hợp sưng đau mắt cá chân, có tới 85% trường hợp do bong gân gây ra. Dây chằng quanh khớp bị tổn thương (bị căng giãn vượt mức chịu đựng hoặc bị rách) là nguyên nhân dẫn đến bong gân. Biểu hiện của mắt cá chân khi bị bong gân đó là sưng tím và đau nhức 7-14 ngày. Người bị sưng đau mắt cá chân do bong gân có thể phải điều trị để hồi phục hoàn toàn trong vài tháng. Bong gân có thể là kết quả của chấn thương do chơi thể thao, té ngã bất ngờ hoặc do tai nạn.
Viêm khớp
Viêm khớp mắt cá chân cũng có thể là nguyên nhân khiến mắt cá chân bị sưng và đau. Khi khớp bị viêm, dịch khớp cũng được tiết ra ít hơn bình thường nên vùng mắt cá chân sẽ bị đau nhức và sưng lên khiến bệnh nhân đi lại khó khăn. Nhiều khớp nhỏ được liên kết với khớp mắt cá chân đồng thời vùng mắt cá chân cũng là nơi nhiều mạch máu và dây thần kinh đi qua nên nếu khớp này bị viêm thì cần được xử trí ngay. Tình trạng viêm khớp mắt cá chân có thể do chấn thương, do bệnh lý về xương khớp, do dị dạng xương khớp hoặc do thừa cân béo phì gây ra.
Bệnh Gout
Người bị bệnh Gout thường có biểu hiện sưng đau kéo dài ở các khớp khác nhau bao gồm khớp mắt cá chân. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này là sự tăng nồng độ acid uric kéo dài. Người ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất đạm, thực phẩm chứa nhiều purin và uống nhiều rượu bia có nguy cơ cao bị Gout. Bên cạnh việc gây đau nhức khiến người bệnh di chuyển vận động khó khăn, bệnh có thể gây ra một số biến chứng phức tạp khác. Do vậy, bệnh nhân bị Gout nên tích cực điều trị để sớm khỏi bệnh.
Nhiễm trùng khớp cổ chân
Khi vi khuẩn xâm nhập vào khớp mà không bị đào thải ngay thì khớp chắc chắn bị sẽ bị sưng tấy và đau nhức. Đây là biểu hiện điển hình khi khớp bị nhiễm trùng. Khớp mắt cá chân và khớp cổ chân là một trong những khớp dễ bị nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp thông qua bộ phận khác hoặc xâm nhập trực tiếp qua vết thương hở. Bệnh nhân cần được điều trị ngay nếu không khớp sẽ bị tổn thương nặng nề, thậm chí vi khuẩn có thể hủy hoại khớp.
Biện pháp điều trị tình trạng sưng đau mắt cá chân
Xử trí tại nhà
Với trường hợp sưng đau mắt cá chân do không may té ngã hoặc mức độ nhẹ hoặc vừa, bệnh nhân có thể tự xử trí tại nhà. Vùng mắt cá chân bị sưng đau cần được chườm lạnh trong 20 phút/lần. Bệnh nhân nên thực hiện 3-5 lần lần chườm lạnh mỗi ngày trong 3 ngày liên tục, mỗi lần cách nhau 90 phút. Tiếp theo, bệnh nhân nên cố định vùng bị tổn thương bằng vải thun và tránh quấn và buộc quá chặt gây tắc nghẽn mạch máu. Băng cố định mắt cá chân giúp ổn định khớp và hạn chế cử động khớp. Thêm vào đó, khi nằm ngủ, cổ chân đau nên được kê cao hơn mức tim. Cuối cùng, người bệnh nên để mắt cá chân được nghỉ ngơi lâu nhất có thể trong vài ngày đầu. Theo đó, nên hạn chế di chuyển và dùng nạng để giảm trọng lực tác động vào chân đau khi di chuyển.
Điều trị bằng thuốc
Mọi loại thuốc điều trị cần được bác sĩ tư vấn và chỉ định, bệnh nhân không nên tự ý mua và dùng thuốc. Bác sĩ có thể kê đơn dựa trên nguyên nhân khiến mắt cá chân bi sưng đau. Các loại thuốc được chỉ định thường có tác dụng giảm sưng đau, kháng viêm và phòng ngừa tổn thương xương khớp.
Nhóm thuốc đầu tiên là một loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm khớp – thuốc chống viêm không steroid. Thuốc này có tác dụng giúp mắt cá chân bớt đau và kháng viêm. Nhóm thuốc thứ hai là Corticosteroid với khả năng kiểm soát viêm hiệu quả. Thuốc được nạp vào cơ thể bằng đường uống (nếu viêm toàn thân) hoặc đường tiêm (viêm cục bộ). Thuốc giảm đau là loại thuốc tiếp theo được kê với tác dụng đơn thuần như tên gọi là giúp bệnh nhân giảm đau.
Tùy thuộc vào tình trạng đau mà bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống thấp khớp. Thuốc này giúp ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp hoặc các dạng viêm khớp đặc biệt hơn xuất hiện ở vùng mắt cá chân đã bị tổn thương. Với bệnh nhân bị Gout thì thuốc chữa bệnh Gout chắc chắn sẽ có mặt trong đơn thuốc. Để giảm sưng đau do Gout, thuốc thường có tác dụng chính là giảm nồng độ acid uric trong máu. Với trường hợp tổn thương do nhiễm trùng, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng kèm với các loại thuốc giảm đau.
Phẫu thuật
Đối với trường hợp sưng đau mắt cá chân do gãy xương hoặc viêm khớp nghiêm trọng mà dùng thuốc cũng không có tác dụng thì bác sĩ cần tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật sửa chữa gãy xương hoặc phẫu thuật nội soi mắt cá chân sẽ được áp dụng nếu xương bị gãy. Với trường hợp viêm khớp nặng làm suy giảm nặng nề chức năng của khớp, phẫu thuật thay khớp mắt cá chân có thể được chỉ định. Bác sĩ sẽ loại bỏ phần xương và sụn khớp bị hư hại rồi định hình lại các phần và gắn thêm các bộ phận nhân tạo thay thế. Cùng với đó, giữa hai đầu của xương chày bác sĩ sẽ đặt một mảnh ghép và dùng ốc vít cố định.
Phòng ngừa sưng đau mắt cá chân
Ngoài những tình huống bất ngờ gây tổn thương mắt cá chân không thể lường trước được, sưng đau mắt cá chân có thể được phòng ngừa hiệu quả. Đầu tiên là tập thể dục, rèn luyện thân thể mỗi ngày để tăng cường sức khỏe xương khớp. Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu bởi chúng sẽ khiến khớp bị căng cứng. Mọi người nên xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và chế độ sinh hoạt hợp lý. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn và bổ sung quá nhiều đạm (nguyên nhân gây Gout).
Tiếp theo, mỗi người cần kiểm soát cân nặng ở mức ổn định, tránh để cơ thể bị thừa cân, béo phì để giảm áp lực lên cơ và khớp ở chân, cổ chân, bàn chân. Khi có vết thương hở, bệnh nhân cần xử trí kịp thời, tránh để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Cuối cùng, ngay khi có biểu hiện sưng hoặc đau ở mắt cá chân, bệnh nhân cần theo dõi và điều trị ngay và đúng cách. Tránh trường hợp bệnh nhân chủ quan không điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách dẫn tới tình trạng trở nên nặng hơn, khó kiểm soát hơn.
Như vậy, một số khía cạnh cơ bản về sưng đau mắt cá chân đã được làm rõ trong bài viết này, bao gồm các nguyên nhân gây sưng đau, cách điều trị và cách phòng ngừa. Có thể thấy sưng đau mắt cá chân đơn thuần không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Trong quá trình sử dụng thuốc để điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ để sớm bình phục.