Mổ gai gót chân thường được thực hiện khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tồn tại không ít rủi ro và người bệnh phải mất một khoảng thời gian dài để hồi phục. Chính vì vậy, người bệnh cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.
Khi nào nên mổ gai gót chân?
Gai gót chân là những mẩu xương thừa được hình thành do sự lắng đọng canxi ở mặt dưới gót chân, thậm chí là ở lòng bàn chân. Tình trạng này thường liên quan đến thoái hóa, viêm xương khớp và căng thẳng do vận động trong một thời gian dài.
Đa phần gai gót chân không gây triệu chứng, người bệnh không cảm nhận được bất kỳ sự tồn tại nào của gai xương mà chỉ có thể phát hiện khi chụp X-quang. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp gai phát triển nhanh chóng về kích thước, dẫn đến những cơn đau nhức âm ỉ, nhất là khi người bệnh thường xuyên đi bộ.
Mổ gai gót chân không phải là biện pháp điều trị phổ biến, phần lớn người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn, ví dụ như vật lý trị liệu, thuốc giảm đau, thay đổi chế độ sinh hoạt và lối sống,… Nếu nghiêm trọng hơn, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống viêm liều mạnh hoặc thuốc tiêm, ví dụ như cortisone.
Phẫu thuật loại bỏ gai gót chân chỉ được chỉ định khi những biện pháp nói trên không mang lại cải thiện đáng kể hoặc gai xương phát triển gây chèn ép lên mạch máu và dây thần kinh gần đó. Theo đó, các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong 12 tháng điều trị bảo tồn. Nếu sau đó người bệnh không cảm thấy tốt hơn, mổ gai xương gót chân sẽ được tiến hành.
Các can thiệp ngoại khoa thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng hơn các biện pháp điều trị khác, vì vậy bệnh nhân cần cân nhắc kỹ lưỡng cũng như dành thời gian trao đổi chi tiết với bác sĩ.
Mổ gai gót chân là gì? Các thông tin cần biết
Mổ gai gót chân là một thủ tục y tế được thực hiện dưới dạng mở (mổ hở) hoặc dưới dạng nội soi nhằm loại bỏ những gai xương đang gây cản trở cho khả năng vận động của bệnh nhân.
Phân loại
Hiện nay, có hai loại hình phẫu thuật phổ biến nhất là:
- Mổ gai mặt bên gót chân: Các gai xương ở mặt bên thường không gây cản trở đến việc đi lại nhưng mang lại cảm giác đau đớn khó chịu. Tình trạng này có liên quan mật thiết với viêm khớp mô sợi liên kết nên có thể được chỉ định phẫu thuật trong một số trường hợp cần thiết. Phương pháp này giúp loại bỏ áp lực lên gân chân cũng như tránh viêm sưng về sau.
- Mổ gai mặt dưới gót chân: Các gai xương mặt dưới có vị trí gần với gân achilles, thậm chí có trường hợp phát triển bên trong gân. Phẫu thuật dạng này thường phúc tạp và mất nhiều thời gian hồi phục hơn.
Mục đích
Phương pháp mổ gai gót chân có mục đích chính là:
- Loại bỏ các gai xương đang gây ảnh hưởng đến gót chân và sức khỏe của người bệnh.
- Loại bỏ cảm giác đau đớn khó chịu mỗi khi di chuyển.
- Phòng ngừa các nguy cơ biến chứng xấu có thể xảy ra nếu gai xương không được xử lý triệt để, nhất là các gai xương phát triển bên trong gân.
Chống chỉ định
Can thiệp ngoại khoa đối với tình trạng gai gót chân được chống chỉ định với các đối tượng sau:
- Người bệnh gai gót chân không có triệu chứng như đau đớn hay gặp khó khăn trong vận động hàng ngày.
- Người có tiền sử rối loạn đông máu, bệnh tiểu đường, huyết khối tĩnh mạch sâu và động mạch ngoại vi.
- Người đang mang thai.
Nguy cơ rủi ro
Không có biện pháp điều trị nào là tuyệt đối an toàn và mổ gai xương gót chân cũng không ngoại lệ. Theo các bác sĩ, phương pháp này tiềm ẩn một số rủi ro sau đây: Mất nhiều máu, cảm giác đau đớn kéo dài sau khi phẫu thuật, nhiễm trùng, sưng tấy, dây thần kinh gót chân bị tổn thương tạm thời, chân yếu sức, chuột rút chân,…
Quy trình mổ gai gót chân
Mổ gai gót chân có các bước tiến hành như sau:
Chuẩn bị trước khi mổ
Nếu được chỉ định phẫu thuật, các bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể với người bệnh về quy trình cũng như một số điều nên tránh trước và sau khi mổ. Tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh mà các bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn mổ hở hay mổ nội soi. Người bệnh cũng được xét nghiệm thêm một lần nữa để đảm bảo sức khỏe đầy đủ và không gặp phải vấn đề nào liên quan đến rối loạn máu.
Trước khi thực hiện phẫu thuật từ 2 đến 4 tuần, người bệnh nên ngừng sử dụng các loại thuốc chống đông hoặc thuốc chống viêm, ví dụ như: Warfarin, aspirin, naproxen,… Nếu đang sử dụng các loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào khác, người bệnh nên chủ động thông báo đến bác sĩ.
Các bước mổ gai xương gót chân
Các bước thực hiện mổ gai xương ở gót chân gồm có:
- Bác sĩ tiến hành gây tê cho người bệnh. Đối với các loại phẫu thuật như mổ gai xương, người bệnh không nên gây mê mà chỉ cần gây tê cục bộ, nhờ vậy mà các bác sĩ có thể theo dõi được phản ứng của bệnh nhân. Nếu cần theo dõi nhịp tim hay nồng độ oxy, bác sĩ sẽ sử dụng máy đo EGC và máy đo oxy.
- Nếu là mổ hở, bác sĩ sẽ rạch một đường rộng ở phía dưới gót chân, gần với gân achilles. Vết rạch sau đó được có kẹp cố định lại, tạo điều kiện cho bác sĩ tiến hành cắt bỏ gai xương. Sau đó, bác sĩ làm sạch xương rồi khâu lại vết mổ bằng chỉ y tế.
- Nếu là mổ nội soi, bác sĩ cần rạch ở hai điểm khác nhau trên gót chân. Một điểm để đưa máy nội soi vào, một điểm để đưa các dụng cụ cắt bỏ gai vào. Loại phẫu thuật này không thể loại bỏ nhiều gai xương một lúc nên các bác sĩ có thể kết hợp với các loại hình mổ khác. Sau khi kết thúc, bác sĩ khâu vết mổ và dùng nẹp để cố định lại.
Sau phẫu thuật mổ gót chân
Sau khi phẫu thuật hoàn tất, người bệnh được đưa trở lại phòng hồi sức và chờ cho đến khi thuốc tê hết hẳn tác dụng. Quá trình này thường mất khoảng 10 đến 20 phút. Các bác sĩ cũng theo dõi kỹ càng tình trạng sức khỏe của người bệnh và có thể yêu cầu bệnh nhân ở lại bệnh viện một vài ngày để chăm sóc thêm.
Mổ gai gót chân mất bao lâu để hồi phục? Chi phí mổ gai gót chân
Người bệnh sau khi mổ cần mang nẹp chân để cố định vết thương và hạn chế tối đa các cử động có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể. Thời gian mang nẹp thường rơi vào khoảng 1 đến 2 tuần lễ. Một điều người bệnh nên chú ý là vết mổ có thể sưng tấy và khó chịu, vì vậy bệnh nhân nên hết sức thận trọng khi đi lại hay sinh hoạt cá nhân.
Vấn đề mổ gai gót chân mất bao lâu để hồi phục nhận được không ít sự quan tâm. Theo đó, vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như loại hình phẫu thuật, tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền, chế độ chăm sóc,.. Thường thì thời gian hồi phục có thể là 6 tuần, trong quá trình này người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn từ bác sĩ.
Mức chi phí của mổ gai gót chân thường được quyết định dựa vào loại hình, bác sĩ và bệnh viện thực hiện. Người bệnh cũng có thể sử dụng bảo hiểm y tế nhằm tiết kiệm chi phí. Hiện nay, giá thành của phẫu thuật gai gót chân dao động trong khoảng từ 2 triệu 5 trăm VNĐ đến 3 triệu 5 trăm VNĐ.
Mổ gai gót chân thường được chỉ định khi các biện pháp khác như thuốc uống, vật lý trị liệu,… không phải huy hiệu quả như mong muốn. Phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn các địa chỉ khám chữa uy tín, chất lượng để đảm bảo có kết quả điều trị tốt và an toàn nhất.