Chuột rút là hiện tượng khá phổ biến mà hầu như ai cũng từng gặp ít nhất một lần trong đời. Nó được hiểu đơn giản là tình trạng co cứng cơ trong thời gian ngắn, khiến cơ đó không thể vận động được trong vòng vài giây hoặc vài phút. Đôi khi, hiện tượng này cũng báo hiệu những bất ổn trong cơ thể. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này trong bài viết dưới đây nhé.
Chuột rút là gì?
Chuột rút hay vọp bẻ là tên gọi dùng để chỉ các cơn co thắt mạnh, đột ngột ở cơ trong thời gian ngắn vài giây cho đến vài phút. Trên thực tế, mọi loại cơ bắp đều có thể xuất hiện tình trạng này. Song, chúng phổ biến nhất vẫn là ở bắp chân và bàn chân. Ngoài ra, chuột rút cũng có thể xảy ra đối với bắp đùi, hồng, bàn tay, bắp tay và cơ bụng.
Về thời gian xuất hiện, chuột rút thường xảy ra phổ biến hơn vào ban đêm, khi bạn đang ngủ hoặc khi mới tỉnh dậy. Bên cạnh đó, sau khi vận động cơ bắp trong thời gian dài, bạn cũng có thể bị chuột rút. Người trẻ tuổi và người trên 60 tuổi là những nhóm đối tượng gặp phải chuột rút nhiều nhất.
Nguyên nhân gây ra chuột rút?
Chuột rút có nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, điển hình nhất chính là hiện tượng chuột rút do chấn thương; do vận động mạnh, nhiều hoặc do ngồi, nằm quá lâu trong một tư thế cố định. Cả 3 nguyên nhân này đều khiến các cơ bắp bị mỏi hoặc căng cứng, gây ra hiện tượng căng cơ, từ đó dẫn đến chuột rút.
Bên cạnh đó, hiện tượng chuột rút cũng có liên quan đến sự phân bố dịch trong cơ thể. Ví dụ, thiếu natri, thiếu nước hoặc nồng độ kali trong máu thấp sẽ khiến các cơ bị yếu đi và gây ra hiện tượng co cứng. Trong khi đó, thiếu hụt canxi hoặc magie lại khiến hoạt động của các mô thần kinh tăng lên, từ đó gây ra cơ thắt cơ và chuột rút, điển hình nhất là ở khu vực bắp tay và bàn tay.
Ngoài ra, hiện tượng chuột rút cũng có thể xảy ra khi người bệnh mắc phải các căn bệnh như tiểu đường, thiếu máu, rối loạn tuần hoàn, giãn tĩnh mạch, parkinson, tuyến giáp, thận cần phải lọc máu,…. Thậm chí, khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai hay statin, prenidson,… cũng làm tăng khả năng bị chuột rút. Bởi lẽ, những điều này đều có ít nhiều tác động đến nòng độ các chất trong cơ thể, ví dụ như kali, magie hay canxi, photpho…. Phụ nữ mang thai vì thế cũng có tỉ lệ bị chuột rút cao hơn người bình thường.
Chuột rút có đáng lo hay không?
Hầu hết các trường hợp chuột rút đều không đáng lo ngại và không cần phải điều trị y tế. Tuy nhiên, khi các cơn co thắt cơ quá nghiêm trọng hoặc thường xuyên kéo dài thì bạn cần phải hết sức cẩn thận. Bởi, đó có thể là triệu chứng của một số căn bệnh tiềm ẩn, đặc biệt là khi các biện pháp chăm sóc tại nhà không thể đáp ứng và làm giảm các cơn đau. Vì vậy, trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên tới các cơ sở y tế và bệnh viện làm các xét nghiệm về sức khỏe để được đưa ra lời tư vấn tốt nhất.
Cách xử trí khi bị chuột rút
Chuột rút thường diễn ra trong thời gian ngắn, không đáng lo ngại. Song, nếu chuột rút xảy ra khi bạn đang lái xe hoặc đang bơi lội thì có thể gây ra nguy hiểm nhất định. Vì vậy, học cách xử trí trước những trường hợp như vậy là điều hết sức cần thiết.
Nguyên tắc đầu tiên khi bị chuột rút là phải ngưng vận động, tiến hàng thả lỏng cơ thể để các cơ được thư giãn. Bạn có thể nhẹ nhàng xoa bóp các cơ, kết hợp sử dụng thêm dầu nóng để tăng thêm hiệu quả. Chuột rút ở mỗi cơ khác nhau sẽ có cách xử trí khác nhau.
Ví dụ, chuột rút ở cẳng chân thì cần duỗi cơ theo chiều ngược lại, đồng thời dùng tay kéo ngón chân và bàn chân theo hướng lên trên đầu gối. Nếu chuột rút ở vùng cơ đùi thì kết hợp thêm động tác ấn đầu gối xuống dưới, tạo cho chân thành một đường thẳng. Còn với trường hợp chuột rút ở cơ sườn, cần hít thở thật sâu để cơ hoành được thư giãn.
Ngoài ra, người bị chuột rút có thể uống thêm một chút nước trà, nước chanh hoặc nước cam. Đồng thời, sử dụng một số loại thuốc như thuốc giãn cơ, vitamin E,.. để làm giảm các triệu chứng do chuột rút gây ra. Việc chườm nóng hoặc tắm nước nóng cũng có tác dụng làm giảm nhẹ các cơn co cứng cơ, do chúng có thể giúp các cơ được thư giãn.
Phòng ngừa chuột rút
Để phòng ngừa chứng chuột rút ghé thăm, bạn nên áp dụng và duy trì đều đặn những thói quen sau. Thứ nhất, hãy bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày, từ 1,5-2 lít nước. Đặc biệt, nên ưu tiên các loại nước giàu chất khoáng như chanh muối, nước dừa, nước khoáng hay oresol để cân bằng điện giải cho cơ thể. Với chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cần đảm bảo các dưỡng chất cần thiết luôn được bổ sung đầy đủ, đa dạng và cân bằng giữa tỉ lệ protein, lipit, cacbonhidrat và khoáng chất, vitamin.
Thứ hai, bạn nên có lịch trình luyện tập thể dục thể thao và vận động hàng ngày sao cho hợp lý và vừa sức. Trước mỗi buổi tập nên khởi động thật kỹ và nên thư giãn cơ sau mỗi lần tập. Điều này giúp cơ thể vừa rèn luyện được thể chất, vừa tránh được các cơn chuột rút ghé thăm bất ngờ.
Thêm vào đó, thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt cũng giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng chuột rút. Ví dụ, vươn và duỗi thẳng chân trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy sẽ hạn chế được tình trạng chuột rút vào ban đêm. Khi ngồi, nếu co bàn chân về phía đầu gối, sao cho đầu gối ở vị trí cao thì tuần hoàn máu ở khu vực cơ bắp cẳng chân và cơ đùi sẽ được thúc đẩy. Do đó, làm giảm thiểu nguy cơ bị chuột rút.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin liên quan đến tình trạng chuột rút. Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức và mẹo vặt hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh. Cảm ơn đã đón đọc!