Hội chứng ống cổ tay là căn bệnh khá phổ biến và được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây. Hội chứng không những gây ra các cơn đau, khó chịu mà còn khiến người bệnh trở nên lo lắng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy làm thế nào để cải thiện bệnh lý nói trên? Mời bạn đọc cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời qua bài viết,
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Theo giải phẫu cơ thể người, phần ống dài và hẹp, nằm ở cổ tay có chức năng hỗ trợ sự kết nối gân, dây thần kinh của cẳng tay với bàn được gọi là ống cổ tay. Ống được cấu tạo gồm hai phần chính là dây chằng và phần xương cổ tay bao bọc cho phần gân cùng các dây thần kinh ở phía bên trong.
Hội chứng ống cổ tay (có tên khoa học là Carpal Tunnel Syndrome) được định nghĩa là tình trạng tê, đau nhức, ngứa và hiện tượng yếu ở phần cánh tay và bàn tay. Bệnh phát sinh do các lực tác động gây chèn ép lên các dây thần kinh ở trong ống cổ tay. Ban đầu, người bệnh chỉ cảm thấy hơi tê và các triệu chứng không rõ rệt, sau đó bệnh sẽ tăng dần mức độ và nghiêm trọng hơn khi bạn ngủ vào ban đêm. Hầu hết tất cả các trường hợp bệnh đều xảy ra ở cả hai bên tay.
Bệnh được xem là khá phổ biến, nhất là trong thời đại phát triển như ngày nay. Đặc biệt tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ trưởng thành thường cao hơn so với nam giới. Tuy nhiên, xác suất điều trị khỏi hoàn toàn của bệnh khá cao, chỉ một số ít đối tượng là phải dùng phẫu thuật ngoại khoa để cải thiện bệnh.
Triệu chứng hội chứng ống cổ tay
Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm:
- Tê bì, mất cảm giác và có hiện tượng ngứa ran tại các ngón tay hoặc cả bàn tay.
- Sinh ra triệu chứng yếu cơ, đặc biệt là tại ngón tay, ảnh hưởng đến việc cầm, nắm và xách đồ của người bệnh.
- Các xung thần kinh bị chậm khiến tay bạn không được linh hoạt và phản ứng nhanh như trước.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây hội chứng ống cổ tay
Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay đều không xác định được nguyên nhân cụ thể bởi chúng là căn bệnh được hình thành do nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể chẩn đoán bệnh dựa vào một số nguyên nhân dưới đây như:
- Giới tính: Do cấu tạo ống cổ tay của nữ giới thường nhỏ hơn nam nên họ thường có nguy cơ bị kích thích và mắc bệnh cao hơn nam giới.
- Do các tổn thương dây thần kinh: Bệnh có thể hình thành khi bạn bị mắc một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, làm tăng nguy cơ tổn thương cho dây thần kinh.
- Viêm nhiễm: Các bệnh lý dạng viêm, sưng như viêm khớp dạng thấp có thể là yếu tố dẫn tới sự tổn thương niêm mạc cổ tay, gây chèn ép cho dây thần kinh giữa.
- Do ảnh hưởng của thuốc: Một vài loại thuốc trong đó có thể kể đến thuốc điều trị ung thư vú anastrozole cũng được cho là yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh.
- Do đặc thù công việc: Những người làm các công việc có tính đặc thù như nhân viên văn phòng, lái xe, công nhân may,…phải lặp đi lặp lại một động tác và liên tục dùng cổ tay cũng có thể làm tăng áp lực đè nén lên dây thần kinh giữa.
Điều trị hội chứng ống cổ tay
Tuỳ vào cơ địa, thể lực và tình trạng bệnh của từng đối tượng mà có những cách điều trị hội chứng ống cổ tay khác nhau.
- Nẹp cổ tay: Biện pháp này thường áp dụng cho các bệnh nhân ở thể nhẹ, bệnh nhân sẽ được dùng một cái nẹp chuyên dụng để cố định phần cổ tay, hạn chế các vận động để cơ thể có thời gian hồi phục.
- Điều trị nội khoa: Dùng thuốc kháng viêm không chứa steroid giúp xóa bỏ nhanh các cơn đau nhanh chóng, tức thì, thế nhưng hiệu quả điều trị tận gốc lại không cao. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm corticoid trực tiếp vào cổ tay nhằm giảm đau đối với một số trường hợp.
- Phẫu thuật: Cac can thiệp ngoại khoa gồm phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở cổ tay chỉ được thực hiện với những trường hợp bệnh nặng, đã áp dụng các biện pháp trên mà không hiệu quả.
Biện pháp phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Do hội chứng ống cổ tay được bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, vậy nên để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm thiểu triệu chứng, bạn đọc nên thực hiện một số biện pháp dưới đây:
- Cần hạn chế hoặc điều chỉnh lực, cổ tay thả lỏng khi cầm, xách vật nặng. Đối với nhân viên văn phòng, người phải làm việc với máy tính hàng ngày thì người bệnh nên đánh máy nhẹ nhàng, tránh tạo áp lực lên tay, nhất là vừng cổ tay.
- Tránh làm việc lâu một tư thế, mỗi lần nghỉ giải lao, hãy thực hiện các bài tập duỗi, uốn cổ tay nhằm giảm căng thẳng và cho cổ tay được vận động nhiều hơn.
- Sắp xếp chỗ làm việc, bàn máy tính hợp lý, đúng tiêu chuẩn, tránh để bàn quá cao hoặc quá thấp khiến phần cổ và tay bị uốn cong hơn bình thường.
- Ngồi làm việc đúng tư thế, không gù lưng, cúi mặt về phía trước hoặc ngửa cổ, điều này dễ gây ra hiện tượng chèn ép dây thần kinh và ảnh hưởng xấu đến các ngón tay, cổ tay, tê bì vai gáy.
- Luôn chú ý chăm sóc đôi tay, giữ cho cơ thể, đặc biệt là cổ tay được ấm áp vào mùa đông. Người bệnh có thể dùng túi chườm, đeo găng tay nhằm giữ ấm cho bàn và cổ tay.
- Ngoài ra, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp nhằm cung cấp các dưỡng chất tốt cho xương khớp, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Bên cạnh đó, nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường nghi ngờ là hội chứng ống cổ tay, bạn hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Tiên lượng cho hội chứng ống cổ tay
Đa số hầu hết các trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay đều có tiên lượng trung bình và tốt, không xảy ra quá nhiều biến chứng nguy hiểm nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Theo thống kê thì tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật ống cổ tay có tỷ lệ thành công lên đến trên 90% và các triệu chứng của bệnh bắt đầu giảm dần sau một thời gian ngắn, không có biến chứng và tái nhiễm.
Tuy rằng rất hiếm khi xảy ra nhưng nếu có tâm lý chủ quan, không phát hiện và chữa trị triệt để thì khả năng tổn thương, tàn tật suốt đời là rất cao.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về hội chứng ống cổ tay. Hy vọng rằng những kiến thức mà chúng tôi gửi gắm qua bài viết sẽ phần nào giúp ích cho bạn đọc trong việc phát hiện và lựa chọn biện pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này. Chúc bạn luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc!