Đau dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trong xã hội hiện đại ngày nay và đang có xu hướng trẻ hóa. Vậy, bản chất của căn bệnh này là gì? Dấu hiệu nhận biết bệnh ra sao? Nguyên nhân và những biến chứng của bệnh nguy hiểm như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
Đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày là hiện tượng dạ dày bị tổn thương do viêm hoặc các vết loét niêm mạc gây ra. Khi mắc bệnh, người bệnh thường cảm thấy các cơn đau âm ỉ theo từng đợt nhất định và rất khó chịu. Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn khi bệnh nhân ăn quá no hoặc bụng quá đói. Thậm chí, khi phải làm việc quá sức hoặc chịu đựng căng thẳng thì các cơn đau này cũng sẽ xuất hiện.
Dấu hiệu đau dạ dày
Các cơn đau ở vùng bụng và triệu chứng trào ngược (ợ hơi, ợ chua, ợ nóng) được xem là các dấu hiệu điển hình, đặc trưng của bệnh lý dạ dày. Vị trí đau có thể khác nhau theo từng trường hợp cụ thể, song thường tập trung ở 3 khu vực chính. Khu vực đầu tiên là ở vùng thượng vị (đoạn giữa rốn và xương ức trên). Các cơn đau này tuy không dữ dội, song thường mang tính chu kì và có thể lan rộng ra cả khu vực lưng và ngực của người bệnh, khiến cho họ cảm thấy tức ngực và khó thở. Vị trí đau thứ hai là ở vùng giữa bụng, nơi tập trung hầu hết các cơ quan nội tạng của cơ thể. Còn vị trí đau thứ ba là ở vùng bụng trái (vị trí của dạ dày). Các cơn đau ở vị trí này thường tương đối dữ dội vào lúc đói, kèm theo một số biểu hiện khác như đầy bụng hay nóng trong.
Bên cạnh đó, khi bị đau dạ dày, người bệnh cũng thường ăn uống ít hơn do mất đi khẩu vị và khả năng tiêu hóa của cơ thể bị suy giảm. Chính vì vậy, sau khi ăn, bệnh nhân cũng thường cảm thấy chướng bụng, khó tiêu, cơ thể nặng nề và dễ bị táo bón. Thậm chí, ngay cả khi ăn cũng có thể xuất hiện cảm giác buồn nôn hoặc nôn khan. Về lâu dài, người bệnh sẽ rất dễ bị sụt cân, da dẻ nhợt nhạt, tinh thần uể oải, mệt mỏi, hay cáu gắt và khó chịu.
Đặc biệt, trong những trường hợp đau dạ dày nghiêm trọng, người bệnh thậm chí còn xuất hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa (nôn hoặc đi ngoài ra máu). Đây là triệu chứng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh nên cần được cấp cứu, chữa trị kịp thời.
Nguyên nhân đau dạ dày
Nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày rất đa dạng, có thể đến từ các tác nhân bên ngoài cũng như bên trong cơ thể. Trong đó, lý do phổ biến nhất chính là từ việc nhiễm khuẩn HP (Helicobacter Pylori)- một loại vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa. Trong dạ dày người, chúng sinh sôi và lấy đi chất dinh dưỡng của cơ thể, đồng thời tấn công các tế bào niêm mạc dạ dày bằng cách phá hủy lớp chất nhầy bảo vệ. Theo thống kê, có đến 70% người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn này.
Không chỉ vậy, nguyên nhân gây đau dạ dày còn có thể đến từ những thói quen xấu của người bệnh như: Thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ uống có gas; lạm dụng chất kích thích; ăn quá nhiều đồ cay nóng; chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ. Tất cả những điều này đều khiến cho việc tiết dịch vị của dạ dày trở nên rối loạn, thất thường, lâu dần dẫn đến tình trạng bào mòn lớp niêm mạc. Đặc biệt, với những người thường xuyên phải đối mặt với stress, bị căng thẳng kéo dài thì nguy cơ mắc chứng bệnh này càng cao. Bởi lẽ, đây chính là một trong những yếu tố kích thích bao tử tăng tiết axit, thậm chí ngay cả khi dạ dày trống rỗng không có thức ăn. Lượng axit tiết ra càng nhiều, thành dạ dày càng có nguy cơ tổn thương nặng.
Bên cạnh đó, các bệnh lý nền cũng được cho là tác nhân gây ra tình trạng đau dạ dày cho người bệnh. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị rối loạn nội tiết tố, suy tuyến yên hoặc mắc các bệnh lý về tuyến giáp thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn do quá trình co bóp tiêu hóa của dạ dày bị ảnh hưởng. Còn với những người mắc chứng suy dinh dưỡng, thiếu sắt hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu thì cơ thể cũng dễ bị tấn công bởi vi khuẩn HP hơn. Do đó, họ cũng dễ mắc chứng đau dạ dày.
Ngoài ra, với những ai có người thân trong gia đình bị đau dạ dày thì người đó cũng có khả năng cao mắc bệnh này. Theo các nghiên cứu y khoa, tỉ lệ di truyền bệnh từ thế hệ này sang thế hệ sau lên đến gần 47%. Mặt khác, trong sinh hoạt hàng ngày, do sử dụng chung bát đĩa, đồ dùng nên những người trong gia đình cũng dễ lây chéo bệnh cho nhau, nếu như nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không cần quá lo lắng bởi bệnh lý này hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt nếu được can thiệp y tế kịp thời.
Biến chứng đau dạ dày
Do các triệu chứng của bệnh đau dạ dày tương đối đặc thù nên người bệnh có khả năng nhận biết, phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn sớm. Nếu được điều trị đúng cách và kịp thời thì bệnh có thể được cải thiện một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu để triệu chứng kéo dài, hoặc người bệnh không thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ thì rất có thể sẽ mắc phải những biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng đầu tiên của căn bệnh đau dạ dày phải kể đến chính là tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Đây là hiện tượng thường gặp ở những ca bệnh dạ dày mãn tính, lâu năm, khi vết loét ngày càng nghiêm trọng và mở rộng diện tích. Chảy máu ở dạ dày khiến cho cơ thể bị mất máu, chức năng của dạ dày bị suy giảm, dẫn đến suy nhược cơ thể nếu kéo dài. Thậm chí, nếu tình trạng xuất huyết quá nghiêm trọng, lượng máu chảy ra nhiều thì có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Bên cạnh đó, người bị đau dạ dày lâu năm cũng phải đối mặt với nguy cơ bị thủng dạ dày, do phần niêm mạc ngày càng bị bào mòn và mỏng hơn. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân khi bị thủng dạ dày sẽ bị viêm phúc mạc nhanh chóng và tỉ lệ tử vong cực kì cao.
Ngoài ra, nếu tình trạng đau bao tử kéo dài, trở thành mãn tính thì người bệnh còn có có nguy cơ mắc phải bệnh ung thư dạ dày. Nguyên nhân là bởi vùng viêm loét ngày càng mở rộng và sâu hơn, khiến lớp niêm mạc ngày càng mỏng và teo dần. Do mất đi lớp bảo vệ, các tế bào trong dạ dày dưới sự tác động của các tác nhân xấu sẽ biến đổi dị sản, chuyển dần sang loạn sản và cuối cùng sẽ dẫn đến ung thư. Đây là được coi là biến chứng đặc biệt nguy hiểm. Người bệnh gần như không còn khả năng cứu chữa nếu bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đáng báo động, tỉ lệ ung thư dạ dày ở nước ta đang ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Bệnh phổ biến đến mức chỉ xếp thứ 2 trong các loại ung thư, sau ung thư phổi ở nam giới và ung thư vú ở nữ giới.
Tóm lại, đau dạ dày là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn đến những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát được nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Trong đó, duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ, lành mạnh và giữ tinh thần thoải mái vẫn luôn là những yếu tố then chốt để giúp các triệu chứng được cải thiện. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!